Ngày 28-5, phiên tòa xét xử vụ “điện kế điện tử” (ĐKĐT) bước sang phần tranh luận. Trọn buổi sáng, đại diện VKSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã công bố bản luận tội đối với 17 bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của Công ty Điện lực TPHCM và Công ty Linkton – Vina.
Theo đó, các bị cáo Lê Minh Hoàng (nguyên Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM), Lê Văn Hoành (nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực TPHCM) cùng 10 đồng phạm cấp dưới đã có nhiều sai phạm trong lập kế hoạch đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu, mở thầu, công nhận trúng thầu đối với lô hàng 10.000 chiếc ĐKĐT.
Sau khi cố ý làm trái các quy định pháp luật về quy chế đấu thầu trong việc mua 10.000 chiếc ĐKĐT, bị cáo Lê Minh Hoàng cùng đồng phạm tiếp tục sai phạm trong việc ký kết 13 hợp đồng mua 302.000 chiếc ĐKĐT của Công ty Linkton – Singapore không qua đấu thầu, không đánh giá năng lực của nhà thầu.
Bị cáo Trần Thị Liên (Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Linkton – Vina), Trần Công Điền (Phó Tổng Giám đốc Công ty Linkton – Vina) và 3 nhân viên cấp dưới đã tổ chức sản xuất, lắp ráp 312.000 chiếc ĐKĐT tại 43 E F Hồ Văn Huê quận Phú Nhuận nhưng lại dán nhãn mác Linkton – Singapore để giao cho Công ty Điện lực TPHCM.
Mặc dù tại phiên tòa, bị cáo Trần Công Điền đưa ra Giấy chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ và các giấy tờ khác với nội dung Công ty Linkton – Singapore đã chuyển giao công nghệ cho Công ty Linkton – Vina nhưng công tố viên cho rằng những giấy tờ này không có giá trị chứng minh tính hợp pháp của 312.000 chiếc ĐKĐT.
Bởi lẽ, dù công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài nhưng khi sản xuất hàng hóa tại Việt Nam thì trên sản phẩm vẫn phải ghi rõ điều này. Do đó, công tố viên đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lê Minh Hoàng từ 5 đến 6 năm tù, bị cáo Lê Văn Hoành từ 6 đến 7 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; bị cáo Trần Thị Liên từ 6 đến 7 năm tù; bị cáo Trần Công Điền từ 5 đến 6 năm tù về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”.
13 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm tù đến 5 năm tù về một trong hai tội danh trên, trong đó ba bị cáo nguyên là nhân viên Công ty Linkton – Vina được đề nghị mức án treo.
Buổi chiều, các luật sư (LS) bắt đầu phát biểu quan điểm bào chữa của mình. Bào chữa cho bị cáo Lê Minh Hoàng, LS Nguyễn Văn Trung cho rằng hành vi của thân chủ của mình không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” mà chỉ là thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát.
LS Trung đưa ra những luận điểm: đơn giá mua ĐKĐT được nâng từ 340.000 đồng/chiếc lên thành 580.000 đồng/chiếc là có căn cứ bởi giá mới bao gồm thiết bị phát sóng và tiền trượt giá; việc đấu thầu và mua trực tiếp 312.000 chiếc ĐKĐT được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam), Tổng cục Thuế, Cục Thuế TPHCM, cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra biết nhưng không cơ quan nào kết luận Công ty Điện lực TPHCM vi phạm pháp luật; các ĐKĐT này không phải là hàng giả, chỉ là chưa phê duyệt mẫu và không ghi chỉ dẫn nguồn gốc xuất xứ mà thôi.
Cũng theo LS Trung, hậu quả thiệt hại 8,1 tỷ đồng – chi phí để khắc phục lỗi và hoàn thiện thủ tục pháp lý để đưa 312.000 chiếc ĐKĐT vào sử dụng – không xuất phát từ việc thân chủ của mình ký 14 hợp đồng mua 312.000 chiếc ĐKĐT đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng với giá thấp nhất gây ra mà do các cơ quan chức năng đánh giá sai bản chất sự việc, vội vã áp dụng biện pháp xử lý không phù hợp thực tế (tháo gỡ, thay thế ĐKĐT nhưng kết quả kiểm định sau đó lại cho thấy số ĐKĐT này đảm bảo chất lượng).
Hôm nay 29-5, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các LS.
(Theo Ái Chân // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com