Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lợi bất cập hại

Một KCN xả thải 2.000 – 2.500m3/ngày đêm, nếu không xử lý số nước thải này thì một tháng chủ đầu tư hạ tầng KCN có thể “tiết kiệm” được chừng 200 triệu đồng

Đầu tháng 6, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ công bố Báo cáo môi trường quốc gia 2009 với chuyên đề “Môi trường khu công nghiệp (KCN) Việt Nam”. Không ngẫu nhiên mà vấn đề này được lựa chọn để nghiên cứu, khảo sát và kết quả đã thực sự cho thấy mặt trái của tâm huy chương tăng trưởng…

Hiện tại, cả nước có 223 KCN với tổng diện tích tự nhiên gần 57.300ha, phân bố tại 56/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó có 171 KCN đã đi vào hoạt động, 52 KCN đang trong quá trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Ô nhiễm nước...

Một mặt khẳng định những hiệu quả tích cực về kinh tế - xã hội của các KCN, mặt khác, Báo cáo cũng chỉ rõ, hoạt động của các KCN đã gây ra nhiều vấn đề về môi trường cần quan tâm giải quyết. Khoảng 70% trong số hơn 1 triệu m3 nước thải/ngày đêm từ các KCN được xả thẳng ra các nguồn tiếp nhận không qua xử lý, dẫn đến việc hàm lượng hầu hết các chất ô nhiễm trong nước thải của các KCN đều vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, có chỉ tiêu vượt tới hàng trăm lần! 57% trên tổng số các KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Lượng nước thải từ các KCN phát sinh lớn nhất ở khu vực Đông Nam Bộ (chiếm 49% tổng lượng nước thải). Điều đáng nói hơn nữa là nhiều doanh nghiệp tuy đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng chỉ vận hành đầy đủ khi... có đoàn kiểm tra. Lý do rất đơn giản: chi phí trung bình để xử lý một m3 nước thải vào khoảng 3.500đ/m3. Một KCN xả thải 2.000 - 2.500m3/ ngày đêm, nếu không xử lý số nước thải này thì một tháng chủ đầu tư hạ tầng KCN có thể “tiết kiệm” được chừng 200 triệu đồng.

Một trường hợp khác là các doanh nghiệp trong KCN… không chịu đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung. Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) cho biết, do nhiều KCN khởi thủy là các cụm công nghiệp cũ, với các doanh nghiệp vốn đã hoạt động ở đó trước được được “nâng đời” lên thành KCN nên việc yêu cầu doanh nghiệp đấu nối vào hệ thống (mà không có chế tài kèm theo) đôi khi là bất khả thi.

... chất thải rắn và khí thải

Bên cạnh nước thải, hoạt động sản xuất tại các KCN tất yếu làm phát sinh khối lượng lớn các chất thải rắn, trong đó có một tỷ lệ không nhỏ là rác thải nguy hại. Theo Viện Hóa học công nghiệp (Bộ Công Thương), năm 2008, các KCN cả nước đã thải ra tới trên 2,2 triệu tấn chất thải rắn, trong đó có khoảng 460.000 tấn là chất thải nguy hại. Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại đang có xu hướng tăng cao trong những gần đây. Một nghịch lý đáng lưu ý: nhiều KCN mới (nhất là các khu có nhiều doanh nghiệp điện tử, sản xuất hóa chất, lắp ráp thiết bị cao cấp) có tỷ lệ rác thải nguy hại rất cao, lên tới trên 20%. Lượng chất thải nguy hại phát sinh ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhiều gấp 3 lần lượng chất thải phát sinh ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và gấp khoảng 20 lần con số này ở vùng KTTĐ miền Trung. Và, không khó đoán, Hà Nội và TPHCM là hai địa phương dẫn đầu cả nước về chất thải rắn công nghiệp.

Theo TS Bùi Cách Tuyến - Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, lẽ ra tất cả các KCN đều phải có khu vực phân loại và trung chuyển chất thải rắn. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít KCN triển khai hạng mục này - đây là nguyên nhân dẫn đến khá nhiều vụ chôn lấp trộm chất thải không qua xử lý bên ngoài và thậm chí ngay trong khuôn viên KCN. Cần nói thêm rằng, ước tính, trong năm 2010, khối lượng chất thải rắn công nghiệp của Việt Nam sẽ là 4,8 triệu tấn, trong đó chất thải nguy hại là 630.000 tấn. Môi trường không khí tại các KCN, đặc biệt là các KCN cũ, cũng không phải không đáng lo ngại. Theo các chuyên gia Tổng cục Môi trường, khí thải ô nhiễm phát sinh từ nhà máy, xí nghiệp chủ yếu do 2 nguồn: do đốt nhiên liệu, tạo năng lượng phục vụ sản xuất (nguồn điểm) và sự rò rỉ chất ô nhiễm từ quá trình sản xuất (nguồn diện).

Trong khi đó, hầu hết các cơ sở mới chỉ khống chế được khí thải từ nguồn điểm, còn nguồn diện và tác động gián tiếp của khí thải rất khó kiểm soát, có nguy cơ tác động đến sức khỏe người dân trong khu vực bị ảnh hưởng. Ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết quả kiểm tra cho thấy, Khu công nghiệp Đông Xuyên, Khu công nghiệp Phú Mỹ I, Khu công nghiệp Mỹ Xuân A đã gây ô nhiễm không khí chủ yếu từ hoạt động của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng như gạch men, trộn bê tông và sản xuất phân bón… Một số dự án khác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí như Nhà máy đạm Phú Mỹ (nguy cơ rò rỉ khí amoniac), Nhà máy phân bón Baconco (phát sinh bụi)... Cuối tháng 10-2009, khí thải công nghiệp từ cụm công nghiệp Quán Toan (Hải Phòng) đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân trong khu vực, làm 72 học sinh và 1 giáo viên của Trường THCS Quán Toan bên cạnh đó phải đi cấp cứu. Trên phạm vi cả nước, một số nghiên cứu y tế đối chứng đã cho thấy các bệnh hô hấp - cả mãn tính và cấp tính - trong cộng đồng dân cư ở các vùng gần KCN cao hơn rõ rệt so với các vùng nông thôn. Khí thải của các KCN còn âm thầm “phát tác” bên trong các cơ sở sản xuất trong KCN, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến thủy sản, sản xuất hóa chất... TS Bùi Cách Tuyến cho biết, hiện nay chưa có đơn vị có thẩm quyền nào tiến hành quan trắc thường xuyên chất lượng môi trường không khí trong khu vực sản xuất của các KCN và vấn đề này chưa được quy định trong các văn bản pháp quy về quản lý môi trường.  

Đầu tiên vẫn là chuyên quy hoạch!

Ngay tại buổi công bố Báo cáo môi trường quốc gia 2009, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã khuyến nghị, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần cân nhắc kỹ khi phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN và có những điều chỉnh phù hợp đối với những quy hoạch đã phê duyệt.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (tỉnh Tây Ninh), một nhà hoạt động môi trường có uy tín cũng chia sẻ với Doanh Nhân: “Việc quyết định xây dựng các KCN ở đâu rất quan trọng. Dễ hiểu là các địa phương đều muốn công nghiệp hóa để tăng trưởng và có nguồn thu. Thế nhưng một đất nước công nghiệp hóa không có nghĩa là tỉnh nào cũng phải làm công nghiệp! Vẫn phải có tỉnh giữ rừng, giữ gìn đa dạng sinh học, có tỉnh phải giữ đất trồng lúa để đảm bảo an ninh môi trường, an ninh lương thực cho cả nước. Để đảm bảo công bằng cho những tỉnh này thì một phần lợi nhuận thu được từ hoạt động công nghiệp phải được điều tiết lại cho họ”.

Ông Xuân nêu ví dụ cụ thể, nếu Tây Ninh cũng “chạy đua công nghiệp” như các tỉnh lân cận và làm ô nhiễm sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông thì TPHCM không thể có đủ nước uống! Rừng Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước cần được bảo vệ để phòng chống lũ lụt, bảo vệ môi trường, sinh thủy cho hạ nguồn. “Nhưng nếu không có chính sách điều tiết nguồn thu hợp lý thì chẳng ai muốn “ôm” rừng, vừa không được làm công nghiệp - tức là không có nguồn thu, vừa phải gánh trách nhiệm chống lâm tặc, phòng chữa cháy rừng...”, vị ĐBQH đồng thời là Phó Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát nhấn mạnh. Ngay cả đối với những tỉnh thành nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, không thể không có KCN, thì việc quy hoạch cũng phải có những nguyên tắc nhất định. Theo các chuyên gia của Bộ Công Thương, việc xác định vị trí phân bố cần phải dựa trên cơ sở xác định không gian mở rộng thành phố, khu dân cư trong tương lai (ít nhất là 30-50 năm).

Các khu, cụm công nghiệp phải thỏa mãn các điều kiện địa - môi trường, phải tránh những vị trí nhạy cảm như vị trí đón gió, trên những dải đất quá cao, nơi có các kênh dẫn nước, dọc hệ thống các sông suối, các nhà máy cung cấp nước, các đầu mối giao thông (nhà ga, bến tàu..)... Việc xây dựng các KCN trên lưu vực sông Thị Vải đã vướng phải sai lầm này, trở thành một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm trầm trọng dòng sông.  KCN cũng không nên nằm quá gần đường giao thông vì có nhiều người, phương tiện qua lại; các nguồn gây ô nhiễm gặp điều kiện phát tán thuận lợi sẽ tác động trên phạm vi rộng, lâu dài và rất khó kiểm soát. Trong khi đó, việc phân bố trong phạm vi xa- gần 20 - 30 km không ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất của khu, cụm công nghiệp, chỉ có chi phí cho giao thông là tăng lên, nhưng không đáng kể.

70% trong số 1 triệu m3 nước thải/ngày đêm từ các KCN được xả ra môi trường mà không qua xử lý.

Một khuyến nghị quan trọng khác là không nên phân tán các cơ sở sản xuất công nghiệp mà nên tập trung lại để gom nguồn gây ô nhiễm về một khu vực, tạo thuận lợi cho quản lý về mặt môi trường, giảm chi phí xây dựng các cơ sở hạ tầng có liên quan. (Chính TPHCM và Hà Nội lại là những phản ví dụ điển hình, do việc quy hoạch KCN theo kiểu phân tán, tạo thành vành đai công nghiệp bao vây thành phố!).

“Lỏng” cả từ quy định đến thực thi 

Dẫu cho những khoảng trống pháp lý là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” thì vẫn cứ phải nói lại. ĐB Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh: “Luật pháp hiện nay đã coi việc vi phạm nghiêm trọng các quy định về môi trường là một tội phải xử lý hình sự, nhưng thế nào là nghiêm trọng? Chưa có định nghĩa rõ ràng. Còn phạt hành chính thì dù có nâng khung lên tới 500 triệu đồng, trong nhiều trường hợp cũng vẫn là quá nhẹ, doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt và tiếp tục trục lợi”.

Hành lang pháp lý đã vậy, thực thi lại càng là chuyện đáng bàn. Liên quan đến phản ứng có phần thái quá (bịt cống nước thải của KCN Quang minh, Hà Nội) của một số người dân trong khu vực bị ảnh hưởng, ông Xuân chia sẻ: “Theo tôi thì biết người dân đã khiếu nại nhiều lần, đã thông báo với cơ quan chức năng, nhưng việc đó đã không được cơ quan chức năng thực hiện kịp thời. Trách dân một phải trách chính quyền hai”. Ông Xuân ví von, sự việc gần giống như khi nạn trộm cướp gia tăng mà chính quyền không dẹp được thì mỗi người dân phải sắm cho mình một cây gậy để tự vệ!

Rõ ràng, câu chuyện về môi trường KCN hẳn là chuyện còn phải bàn và tiếp tục xử lý lâu dài với thái độ kiên quyết, nếu không cái giá phải trả để cải thiện môi trường trong tương lai sẽ là vô cùng lớn.

* Theo Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tại QĐ1107/2006), từ nay đến năm 2015, tổng diện tích các KCN cả nước sẽ tăng thêm 20- 25.000 ha.

* Tại một Quyết định khác (QĐ1440/2008), Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các điều kiện và tiêu chí hình thành KCN mới. Theo đó, đối với các địa phương đã phát triển KCN, việc thành lập mới các KCN chỉ được thực hiện khi tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN hiện có đã được cho thuê ít nhất 60%. Việc mở rộng các KCN hiện có chỉ được thực hiện khi tổng diện tích đất công nghiệp của khu đã được cho thuê ít nhất 60% và đã xây dựng xong công trình xử lý nước thải tập trung. 

* Tính chung cả nước, tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện mới đạt 46% với 17.107 ha đất đã cho thuê.

(Theo Anh Phương // Báo Doanh nhân)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Tràn lan sâm Ngọc Linh giả
  • Hơn 3.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường bị phát hiện
  • Xử lý nghiêm vụ "cướp" than tại mỏ than Mạo Khê
  • Vedan lại cù cưa mặc cả!
  • Xung quanh việc cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang: Bán vốn nhà nước sai luật
  • Hoa hậu và ma túy
  • Ngăn chặn hận thù
  • Trừng trị tội ác
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%