Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vedan lại cù cưa mặc cả!

Các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều chứng cứ rõ ràng, xác định Công ty CPHH Vedan Việt Nam (trụ sở đóng tại tỉnh Đồng Nai - gọi tắt là Vedan) là thủ phạm chính “giết” sông Thị Vải, gây thiệt hại cho hàng ngàn hộ nông dân tại TPHCM, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, vào “phút chót”, Vedan lại chơi trò hứa hẹn và mặc cả, trong khi thời hiệu khởi kiện của nông dân sắp hết.

 

Vedan - hứa và hẹn

Tháng 9-2008, Vedan bị cơ quan chức năng bắt quả tang xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải gây ô nhiễm môi trường, làm thiệt hại cho hàng ngàn người dân nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Ngay sau đó, Tổng giám đốc Vedan Yang Kun Hsiang đã xin lỗi người dân và hứa sẽ bồi thường khi có kết luận của cơ quan chức năng và kết quả thống kê thiệt hại.

Thế nhưng, sau đó 1 năm, với kết quả khảo sát, tổng hợp thiệt hại của người dân, Hội Nông dân (HND) TPHCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Vedan bồi thường 569 tỷ đồng. Lập tức, Vedan “trở bài”, cho rằng kết quả thống kê của HND 3 tỉnh, thành trên không khách quan, không có cơ sở bồi thường. Vedan đề nghị phải có một cơ quan chuyên môn điều tra khảo sát, đánh giá tác động môi trường và thiệt hại về kinh tế do ô nhiễm sông Thị Vải do Vedan gây ra… để làm cơ sở bồi thường cho người dân. Vedan hứa lần thứ 2.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ TN-MT, Viện TN-MT (Đại học Quốc gia TPHCM) cùng các cơ quan khoa học có liên quan đảm nhận trách nhiệm tổ chức điều tra xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm, thiệt hại... Kết quả, 90% ô nhiễm sông Thị Vải là “phần đóng góp” của Vedan. Dẫu vậy, các cơ quan chức năng thống nhất, chỉ yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại cho 77% ô nhiễm sông Thị Vải.

Thêm một lần nữa, Vedan lại chơi trò mặc cả khi đưa các nhà khoa học của mình ra để phản bác kết quả xác định mức độ, phạm vi gây ô nhiễm sông Thị Vải do chính các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thực hiện.

Tháng 5-2010, Bộ TN-MT gởi công văn hỏa tốc yêu cầu Vedan phải khẩn trương làm việc với UBND các tỉnh, thành liên quan để bồi thường thiệt hại cho người dân.
 

Sông Thị Vải ô nhiễm nặng nề vì chất thải của Vedan xả ra.

Chỉ bồi thường 1/10 thiệt hại của người dân

Đầu tháng 6-2010, UBND TPHCM gởi văn bản yêu cầu Vedan phải bồi thường 45,7 tỷ đồng cho 839 hộ dân làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản ở Cần Thạnh, huyện Cần Giờ.

Theo Chủ tịch HND TPHCM Nguyễn Văn Phụng, việc UBND TPHCM yêu cầu Vedan bồi thường số tiền như trên dựa theo kết quả thẩm định về vùng thiệt hại, giá trị thiệt hại do Viện TN-MT (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hiện.

Trước đó, kết quả đánh giá của viện này cũng đã xác định có 2.123,2 ha diện tích nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của huyện Cần Giờ nằm trong vùng bị ô nhiễm nghiêm trọng và vùng bị ô nhiễm với trị giá thiệt hại 45,7 tỷ đồng. Thế nhưng, ngày 8-6, Vedan gởi văn bản trả lời UBND TPHCM, chỉ đồng ý hỗ trợ các hộ nông dân bị thiệt hại tại huyện Cần Giờ 7 tỷ đồng.

Theo ông Phụng, số tiền Vedan đề nghị hỗ trợ chỉ bằng 1/10 thiệt hại của người dân, nên bà con không thể chấp nhận. Vấn đề pháp lý nêu ra là nông dân yêu cầu Vedan bồi thường chứ không phải hỗ trợ.

Tương tự, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi Viện TN-MT xác định vùng ô nhiễm trên sông Thị Vải, các ngành chức năng của tỉnh đã thống kê có tổng cộng 1.255 hộ dân bị thiệt hại 216,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh chỉ yêu cầu Vedan bồi thường hơn 53 tỷ đồng, bằng 1/4 thiệt hại của dân. Vậy mà Vedan lại tiếp tục mặc cả và chỉ đồng ý chi 10 tỷ đồng (!).

Theo Bộ TN-MT, việc các cơ quan chức năng xác định vùng ô nhiễm và con số thiệt hại là kết quả của quá trình làm việc khoa học, cũng như việc TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ yêu cầu Vedan bồi thường số tiền bằng 1/4 thiệt hại của dân là rất có lý, có tình, theo sự chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên, việc Vedan cứ mặc cả, kéo dài thời gian không chịu bồi thường, trong khi thời hiệu khởi kiện của người dân sắp hết là điều không thể chấp nhận. Do đó, Bộ TN-MT đã báo cáo vụ việc để Thủ tướng quyết định.

 
 

 Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo giải quyết vụ Vedan

Ngày 8-6, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả khắc phục hậu quả vi phạm và giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân của Vedan. Theo đó, trên cơ sở kết quả nghiên cứu, đánh giá của các cơ quan khoa học và ý kiến thống nhất của Hội Nông dân Việt Nam, UBND TPHCM, tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, Bộ TN-MT đã có công văn số 4774 /BTNMT-TCMT ngày 18-12-2009, xác định rõ phạm vi và mức độ ô nhiễm do Vedan gây ra, làm cơ sở để UBND các địa phương thống kê thiệt hại của người dân, yêu cầu Vedan bồi thường thiệt hại.

Trong báo cáo gởi Thủ tướng, Bộ TN-MT nêu rõ: Vedan cam kết chịu trách nhiệm chi trả bồi thường thiệt hại về kinh tế và môi trường. Đồng thời hỗ trợ người dân trong khu vực bị ảnh hưởng do chất thải của công ty gây ra theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thái độ và tinh thần trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại cho người dân của Vedan chưa thật sự nghiêm túc.

Để yêu cầu Vedan giải quyết dứt điểm bồi thường thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng, tạo sự đồng thuận giữa các địa phương trong quá trình giải quyết vụ việc, Bộ TN-MT kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chặt chẽ với UBND TPHCM, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, Hội Nông dân Việt Nam và Bộ TN-MT giải quyết dứt điểm vụ việc...

(Theo LÊ LONG // SGGP online)

  • Một khu đất - hai chợ
  • Tung gói cước tỷ phú, Beeline vi phạm luật cạnh tranh
  • Vi phạm an toàn các công trình dầu khí: Hiểm họa khôn lường (1)
  • Khổ vì con dấu!
  • Kinh hãi công nghệ làm tương ớt ... đóng can
  • Xung quanh việc cổ phần hóa Công ty Du lịch Tiền Giang: Bán vốn nhà nước sai luật
  • Hoa hậu và ma túy
  • Ngăn chặn hận thù
  • Trừng trị tội ác
  • Khởi tố Giám đốc Công ty CP chứng khoán Bảo Minh
  • Công khai bán gia cầm giống nhập lậu
  • Hơn 70.000 đối tượng vi phạm kinh tế
  • Ém 2 tấn hàng quá “đát”
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%