![]() |
Nhóm lao động ký hợp đồng với Petromanning tập trung trước Cục Quản lý lao động ngoài nước để đòi quyền lợi. Ảnh: Phan Long |
Theo hợp đồng được ký giữa người lao động và Petromanning, họ sẽ sang Rumani làm việc cho Công ty E.R.C Development S.R.L (gọi tắt là E.R.C). Tổng số chi phí mà người lao động phải nộp là hơn 99 triệu đồng, với mức thu nhập khoảng 380 euro/tháng.
“Trước khi ký kết hợp đồng, Petromanning còn cho chúng tôi xem rất nhiều ảnh, phim về công trường lao động, nơi ăn chốn ở, mà theo lời họ, là đích thân người của Công ty sang tận Rumani chụp”, anh Đinh Bá Nam (quê Hải Dương, một trong số 18 lao động trên) cho biết.
Với hy vọng đổi đời, nhiều lao động đã phải vay mượn, thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng lấy tiền nộp cho Petromanning. Tuy nhiên, theo phản ánh của người lao động, trong 3 tháng ở Rumani, họ không có việc để làm. Người làm nhiều nhất cũng chỉ vỏn vẹn 15 ngày, có người chỉ làm 3 ngày và công việc chủ yếu là sửa chữa tòa nhà chung cư.
Khi người lao động thắc mắc, thì được trả lời là do thời tiết mùa đông, nên chưa tìm được việc làm ổn định. Theo hợp đồng ký kết, nếu không có việc làm do thời tiết, thì người lao động được chủ trả 15 euro/ngày. “Tuy nhiên, ngay cả tiền công những ngày làm việc của chúng tôi cũng không được chi trả, chỉ được chủ tạm ứng tiền ăn, không có tiền thuê nhà, cuộc sống rất khó khăn”, anh Liêu Văn Lý (quê Hà Nam, cũng là một trong số 18 lao động phải về nước) bức xúc và cho biết, đến ngày 3/3/2010, thì chủ nhà không cho người lao động vào ở.
Trong khi đó, Công ty E.R.C lại yêu cầu 18 lao động trên chuyển sang làm nghề… phân loại rác trong 6 tháng. Số lao động này không chấp nhận và yêu cầu Petromanning phải đưa họ về nước. Sau nhiều lần yêu cầu, ngày 19/3/2010, 18 lao động trên được về nước và yêu cầu Petromanning phải bồi thường vì vi phạm hợp đồng.
Ngày 26/3/2010, Petromanning cho biết sẽ trả 18 lao động mỗi người 53,2 triệu đồng, trừ 21 triệu đồng tiền vé máy bay từ Rumani về Việt Nam, mỗi người còn 32,2 triệu đồng. 18 lao động trên không chấp nhận bồi thường và tiếp tục yêu cầu Petromanning trả lại cho họ số tiền đã nộp.
Trong buổi làm việc với báo chí, ông Bùi Hải Hòa, Phó tổng giám đốc Petromanning cho rằng, trình độ tay nghề của 18 lao động nói trên kém, không đáp ứng được công việc xây dựng, nên thay vì cho nghỉ, Công ty E.R.C đã đề nghị 18 lao động chuyển sang làm công việc phân loại rác. Do vậy, theo ông Hoà, Petromanning không vi phạm hợp đồng và số tiền mà Công ty trả cho người lao động là sự “giúp đỡ”, vì thấy người lao động gặp khó khăn, chứ không phải là tiền bồi thường hợp đồng.
Thế nhưng, theo phản ánh của 18 lao động nói trên, trước khi sang Rumani làm việc, tất cả đều phải trải qua thi tuyển ngoại ngữ, tay nghề tại Trường cao đẳng Xây dựng đô thị (đóng tại Dốc Vân, Hà Nội). Thậm chí, E.R.C còn cử người sang tận Việt Nam để kiểm tra tay nghề của người lao động, nên không thể có chuyện họ không làm được việc.
“Chúng tôi như đang ngồi trên lửa, vì những khoản nợ chồng chất khi phải về nhà tay trắng. Mức tiền mà Petromanning đưa ra là không thể chấp nhận. Chúng tôi sẽ nhờ đến sự can thiệp của Cục Quản lý lao động ngoài nước”, anh Đinh Bá Nam khẳng định.
Theo nhận định của Cục Quản lý lao động ngoài nước, sự việc cần điều tra làm rõ thêm. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, việc Petromanning ký hợp đồng đưa lao động đi làm nghề xây dựng nhưng lại chuyển sang… nhặt rác là sai, vì Petromanning không được phép chuyển chủ, chuyển nghề cho người lao động.
(Theo Phan Long // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com