![]() |
Theo cam kết 3 bên, đến đầu tháng 1/2009, dự án phải xong hạ tầng, nhưng trên thực tế, hiện còn rất ngổn ngang |
Ngày 19/3/2010, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố thêm 5 bị can nguyên là cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí toàn cầu (GP Bank) về hành vi vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gồm: Đỗ Như Phụng, nguyên Phó tổng giám đốc GP Bank; Vũ Thị Ngoan, nguyên Phó phòng phụ trách Phòng Hỗ trợ tín dụng GP Bank; Bùi Đức Hạnh, Tống Xuân Mạnh và Nguyễn Đình Thi đều nguyên là cán bộ Phòng Hỗ trợ tín dụng GP Bank.
Những bị can này có liên quan trong vụ việc bà Trần Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại tổng hợp quốc tế D&T (gọi tắt là Công ty D&T) bán cho khách hàng, các nhà đầu tư 47 căn biệt thự (thu về gần 100 tỷ đồng), trong khi những lô đất này đã được dùng làm tài sản thế chấp tại GP Bank để vay 66 tỷ đồng. Giúp sức cho bà Hạnh còn có bà Nguyễn Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH Cao Cường. Bà Phương đã dùng pháp nhân của 3 công ty Cao Cường, Thanh Tùng và Thăng Long để lập hồ sơ vay vốn ngân hàng với các hồ sơ, hợp đồng mua bán khống.
Tháng 1/2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt giam bà Hạnh. Giám đốc Công ty D&T về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (và đến nay vẫn bị tạm giam). Tháng 4/2009, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Vũ Ngọc Toàn, nguyên Phó tổng giám đốc GP Bank. Cùng bị khởi tố với ông Toàn còn có 2 cán bộ khác của GP Bank khi đó là Nhữ Đình Hiếu, Trần Anh Tuấn và 5 giám đốc các công ty tư nhân liên quan. Vụ việc vẫn đang trong quá trình được cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục khoanh vùng, làm rõ.
Chiêu lừa tinh vi
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, vụ lừa đảo bán tài sản thế chấp của bà Hạnh bắt đầu từ Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh số 01/2007/HĐNT- BS- D&T ký ngày 5/12/2007 giữa Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (gọi tắt là Công ty Bảo Sơn - bên A) và Công ty D&T (bên B), các bên thống nhất ký hợp đồng hợp tác đầu tư và chuyển giao quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để đầu tư, xây dựng, kinh doanh nhà tại Dự án Làng kiến trúc phong cảnh, khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội).
Để có tiền trả cho chủ đầu tư, sau khi ký hợp đồng với Công ty Bảo Sơn, bà Hạnh (Giám đốc Công ty D&T) đã vay 66 tỷ đồng của GP Bank. Do không có tài sản thế chấp nên việc vay vốn của Công ty D&T được thực hiện bằng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 47 căn biệt thự tại dự án kể trên).
Sau khi vay GP Bank 66 tỷ đồng, bà Hạnh đã chuyển nhượng những căn biệt thự trên cho hàng chục cá nhân khác. Khi đặt bút ký hợp đồng mua bán những căn biệt thự trên, nhiều người dân cũng không hề hay biết là họ đã mua phải tài sản thế chấp của GP Bank. Tuy nhiên, có một chi tiết đáng lưu ý là, trong cam kết 3 bên giữa Công ty D&T, Công ty Bảo Sơn và GP Bank ký ngày 05/12/2007 lại có quy định rằng: “Trong thời gian cam kết ba bên có hiệu lực, các bên không được phép tiết lộ các thông tin liên quan đến cam kết ba bên này”. Bất động sản thế chấp ngân hàng đáng lẽ phải được công khai, nhưng trong hợp đồng này đã được các bên liên quan và chủ đầu tư giữ kín.
Hy vọng mong manh...
Theo Luật sư Trần Đỉnh Triển, Văn phòng Luật sư Vì dân (Hà Nội), cơ quan chức năng cũng cần làm rõ đây là hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai hay là tài sản đã có. Vấn đề ở đây là, tài sản thế chấp là tài sản đã có, là đất của Công ty Bảo Sơn, chứ không phải là tài sản hình thành trong tương lai nữa. Nếu tài sản thế chấp đã hiện diện thì hợp đồng thế chấp đó phải được qua công chứng nhà nước. Ở đây, GP Bank, Công ty D&T và Công ty Bảo Sơn không thực hiện hợp đồng bảo lãnh tín dụng, mà lại thực hiện hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai. Đây là một hợp đồng trái pháp luật. Hợp đồng này không được công chứng, không được đăng ký giao dịch đảm bảo đối với bất động sản, do đó hợp đồng này đươc coi là vô hiệu.
Theo nguyên tắc, đã là hợp đồng vô hiệu thì tài sản đâu phải trả về đó. Nghĩa là vốn của GP Bank cho Công ty D&T vay, trong cam kết tín dụng là chuyển cho Công ty Bảo Sơn thì Bảo Sơn phải có trách nhiệm chuyển trở lại 66 tỷ đồng đó về GP Bank. Những lợi nhuận từ khoản vay này là lợi nhuận bất hợp pháp phải được sung vào công quỹ nhà nước. Còn về phần đất đai dùng làm tài sản thế chấp, UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) đã có quyết định giao cho Công ty Bảo Sơn, Công ty Bảo Sơn lại ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 01/2007/HĐNT-BS- D&T (ngày 5/12/2007) với Công ty D&T thì những hợp đồng giữa Công ty D&T với những người dân mua ở đây là hợp đồng hợp pháp, cần hoàn thiện hồ sơ để đảm bảo quyền lợi cho người mua.
Với động thái tích cực của Cơ quan Cảnh sát điều tra, khách hàng, nhà đầu tư có thiệt hại trong vụ việc này lại đang “nhen nhóm” lên hy vọng thu về khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng trong vụ lừa đảo này.
(Theo Hà Quang // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com