“Làm rõ sự “chuyển hóa” 270.871m² kho bãi còn hơn 64.000m²”, là ý kiến của Phó trưởng đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch trong buổi giám sát của Đoàn ĐBQH TPHCM tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn (Resco) vào chiều 9-7.
“Cương quyết... không trả kho bãi!”
Theo ông Trần Du Lịch, với một khối lượng tài sản rất lớn của TP mà Công ty Kho bãi TP (trực thuộc Resco) được giao quản lý, cần phải làm rõ quá trình chuyển hóa 158 cơ sở nhà đất kho bãi (270.871m²) xuống còn 2 cơ sở (hơn 64.000m²) để thấy có hiệu quả thực sự hay không.
Thông tin từ ông Nguyễn Tín Trung, Tổng Giám đốc Resco, hiện đơn vị này đang thu hồi các kho bãi để triển khai các dự án theo chỉ đạo của UBNDTP. Sau khi thực hiện xong việc xử lý các mặt bằng, đến nay Công ty Kho bãi TP chỉ quản lý 2 mặt bằng tại 22 Kinh Dương Vương, quận 6 (số cũ 530 Hùng Vương) với diện tích 843m² và Tổng kho Thủ Đức với 63.314m².
Cũng theo ông Nguyễn Tín Trung, trong số 156 cơ sở kho bãi được xử lý, sắp xếp có 60 cơ sở được bàn giao và giải tỏa trắng theo quyết định của UBNDTP; 9 cơ sở đã xử lý theo kết luận của UBNDTP; 16 cơ sở tiếp tục quản lý cho thuê; 31 cơ sở bán theo quyết định của UBNDTP; 11 cơ sở chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng theo chỉ đạo của chính quyền TP…
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Tín Trung cũng thừa nhận: Khi thực hiện phương án xử lý nhà đất theo Công văn số 6650 ngày 27-10-2008 của UBNDTP, Công ty Kho bãi đã tổ chức thu hồi các kho bãi đang cho thuê để triển khai bán, chuyển giao, chuyển mục đích theo phương án đã được TP phê duyệt. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp đã “phản ứng không chịu giao trả và xin được tiếp tục thuê nhằm sử dụng lâu dài”(!?). Hiện đã có một số trường hợp ra tòa giải quyết.
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Bé “có bao nhiêu trường hợp đã chuyển ra tòa”, lãnh đạo Resco cho biết có 3 trường hợp đã có bản án của tòa. Đó là cơ sở số 49 Pasteur quận 1 đã được UBNDTP thông qua phương án bồi thường và giao quận 1 thực hiện bồi thường cho 1 hộ trong công viên; cơ sở số 15 Lương Ngọc Quyến và 481 Bến Ba Đình quận 8 đã được Ban Chỉ đạo 09 làm việc với đơn vị thuê về phương án di dời.
Resco và các đơn vị thành viên còn đang quản lý 57 mặt bằng tài sản với tổng diện tích 97.518m², trong đó có 34 mặt bằng được TP giao tài sản cố định để cổ phần hóa với diện tích 61.378m². Đáng chú ý, rất nhiều cơ sở trong số các công ty cổ phần được giao đất thuê có diện tích đất lớn, ở những vị trí đắc địa hiện lại chỉ để… làm văn phòng! Điển hình như mặt bằng số 236 Điện Biên Phủ quận 3 (787,4m²); số 199 Nam Kỳ Khởi Nghĩa quận 3 (1.091m²) của Công ty cổ phần Địa ốc 3; số 211 Điện Biên Phủ quận 3 (553,8m²) của Công ty cổ phần Địa ốc 7…
Ông Trần Du Lịch đã đề nghị Resco làm rõ việc sử dụng khối tài sản rất lớn này của các công ty cổ phần vì “nếu không quản lý tốt, sẽ gây thất thoát rất lớn”!
Thất thoát, sử dụng sai mục đích vì “vướng” quy hoạch
Sáng cùng ngày, Đoàn ĐBQH TPHCM cũng đã giám sát tình hình quản lý và sử dụng đất của Tổng Công ty Lương thực miền Nam.
Với cơ sở nhà đất khá lớn trên địa bàn TPHCM (hiện có 359 cơ sở nhà đất với 476.951m² đất, 312.851m² nhà), nhiều năm qua Tổng Công ty Lương thực miền Nam bị đánh giá là đơn vị sử dụng tài sản không hiệu quả hoặc sai mục đích.
Tại buổi giám sát, ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, biện minh rằng, đó là do việc xử lý, sắp xếp nhà đất theo phương án kinh doanh của doanh nghiệp thường bị “vướng” quy hoạch của địa phương và chưa được phê duyệt phương án tổng thể sử dụng nhà đất.
Đưa ra tự nhận xét “tiến độ thực hiện xử lý phương án tổng thể rất chậm (riêng tại TPHCM từ năm 2006 đến nay mới có 118 cơ sở có quyết định xử lý - khoảng 38% tổng số cơ sở nhà đất của tổng công ty)”, tại buổi giám sát, hàng loạt cơ sở nhà đất đã được tổng giám đốc Trương Thanh Phong “tha thiết đề nghị giải quyết cho tổng công ty được mua chỉ định”! Đó là các khu nhà đất ở số 159 Bến Chương Dương quận 1; số 289 Hai Bà Trưng quận 3; số 142 X Nguyễn Khoái quận 4; số 176 Kinh Dương Vương Bình Tân; số 117 Bà Hom quận 6; số 497 Hậu Giang quận 6. Lý do đề nghị được mua chỉ định ở những khu nhà đất “rất có giá” này là “để quy hoạch sử dụng ổn định”.
Ông Trần Du Lịch thẳng thắn: Chúng ta đều biết “chỉ định giá” là như thế nào. Rất lôi thôi. Giá chỉ định nhưng tùy thuộc rất nhiều yếu tố, nay thế này, mai có thể lại thế khác. Cũng là một khu đất nhưng nếu chỉ được xây khống chế 3 tầng thì chắc chắn giá sẽ khác với giá của khu đất được xây mười mấy tầng.
“Tạm sử dụng” nghĩa là… cho thuê lại” (!?)
Ngoài những khu nhà đất tiếp tục sử dụng để sản xuất kinh doanh, hiện Tổng Công ty Lương thực miền Nam có tới 20 khu nhà đất được chính đơn vị này báo cáo là đang “tạm sử dụng chờ thực hiện quy hoạch”. Nhiều cơ sở ở tại vị trí trung tâm các quận huyện với diện tích khá lớn như 196 Tôn Thất Thuyết quận 4 (847m²); 986 Bùi Huy Ích quận 8 (1.133m²); 165 Nguyễn Trãi quận 5 (122m²)…
Ông Trần Du Lịch gay gắt: Đề nghị làm rõ thế nào là tạm sử dụng? Các cơ sở này đang sử dụng để làm gì, có ai ở? Không lẽ cả 20 khu nhà đất này cứ để hoang đó hay sao? Ông Trương Thanh Phong thừa nhận: “Là… cho thuê ngắn hạn, chứ không phải để không”! Ông Trần Du Lịch đề nghị: “Các anh làm rõ là cho thuê thì thuê như thế nào? Bao nhiêu tiền? Phải làm rõ để bổ sung trong báo cáo”.
Tổng Công ty Lương thực miền Nam đang có 165 cơ sở nhà đất “chỉ còn trên sổ, sách; tạm chờ quyết định xử lý, thực tế do các đơn vị khác sử dụng” với gần 70.000m² đất. Trong đó, có 56 cơ sở “trả về thành phố quản lý”, 65 cơ sở “đã chuyển giao nhà ở, đất ở cho thành phố quản lý”, 8 cơ sở “đã chuyển giao thành phố quản lý theo diện nhà ở” …
Trước đề nghị của đoàn giám sát phải làm rõ: “Giao cho thành phố là giao cho ai? Trả về thành phố là trả thế nào, theo cơ chế nào? Hay là lấy của ông này cho ông kia?”, lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam cho biết: TP chỉ định ai thì tổng công ty giao cho đơn vị đó. Mỗi cơ sở có quyết định riêng. Một số cơ sở giao nhưng chưa có quyết định thì… không biết (!?).
Lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam thừa nhận: “Do tổng công ty không quản lý mà chỉ dựa trên sổ sách nên có một số cơ sở đã được giao cho người khác bao nhiêu năm rồi, tổng công ty sẽ xem lại”. Ông Trần Du Lịch lắc đầu: “Một loạt nhà cửa, đất đai giao qua 8 đời rồi, các anh không biết người ta mua, bán thế nào mà nay vẫn còn để trên sổ sách?”…
(Theo LÊ MINH // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com