Hôm qua 19/4, hàng trăm khách hàng đã ùn ùn kéo đến Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại 1/5 có trụ sở giao dịch tại B11, lô B, khu đô thị mới Trung Hoà - Nhân Chính (Hà Nội) để đòi lại tiền mà trước đó họ đã nộp để "mua đất" từ dự án đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (Hà Đông) do Cienco 5 làm chủ đầu tư. 10h sáng cùng ngày, Công ty đã có thông báo đóng cửa mọi giao dịch với khách hàng.
Nhà đầu tư nhốn nháo đòi lại tiền...
Các nhà đầu tư cá nhân bức xúc sau khi xem thông báo ngừng tất cả mọi giao dịch từ 10h hôm qua 19/4 |
Như ĐS &PL đã có bài viết đăng tải trên số 8 ra ngày 15/4/2010, phản ánh về tình trạng thời gian gần đây các "cò" đất đã công khai rao bán và ký các hợp đồng bán đất thuộc dự án khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 do Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) được giao thực hiện dự án với giá từ 19- 24 triệu đồng /m2. Chỉ 5 ngày sau báo đăng, những dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong mua bán đất ở đô thị Thanh Hà - Cienco 5 đã bắt đầu bị lật tẩy.
Hôm qua 19/4, chúng tôi tìm đến Công ty Cổ phần xây dựng và Dịch vụ 1/5 (Công ty có hợp đồng cho Cienco 5 Land vay 200 tỷ đồng để thực hiện dự án) có địa chỉ giao dịch tại Nhà 11, lô B, Khu đô thị mới - Trung Hoà - Nhân Chính (Hà Nội). Cách đây không lâu, khi mà Cienco 5 Land khẳng định với chúng tôi, chưa bán bất kỳ một lô đất nào thuộc dự án. Vậy mà từ nhiều ngày nay, Công ty Cổ phần xây dựng và Dịch vụ 1/5 (Cty CPXDDV 1/5) lại ký một loạt hợp đồng dưới dạng giao vốn với hàng trăm khách hàng (thực chất là bán đất). Đúng như những gì đã phản ánh, khi đến công ty, chúng tôi chứng kiến cảnh ngay từ 8h sáng đã có tới cả trăm khách hàng đang nhốn nháo đứng vòng trong vòng ngoài tại trụ sở Cty CPXDDV 1/5 để yêu cầu trả lại tiền, mà trước đó họ đã nộp vào công ty, mỗi trường hợp cả 1 tỷ đồng để mua 1 lô đất dự án Thanh Hà.
ông Đặng Văn Minh ở Vân Đình, ứng Hoà (Hà Nội), một trong số khách hàng đó cũng có mặt ở công ty để đòi lại tiền cho biết: Do có nhu cầu mua một lô đất (khu biệt thự) tại dự án Thanh Hà, và được biết Cty CPXDDV 1/5 rao bán, nên ngày 12/4/2010, ông có ký một hợp đồng với tên gọi "Hợp đồng giao vốn" với Công ty do ông Lê Hoà Bình Chủ tịch Hội đồng quản trị làm đại diện. Giá được thoả thuận là 19 triệu đồng / m2, thế nhưng trong hợp đồng giao vốn chỉ ghi 13 triệu đồng /m2 và nộp trước 30% giá trị của lô đất đó. Để thực hiện hợp đồng, ngay trong ngày 12/4, ông Minh đã phải nộp 990 triệu đồng cho công ty (có phiếu thu). Lẽ ra, 30% giá trị hợp đồng giao vốn chỉ là 390 triệu đồng, nhưng thực tế ông phải nộp thêm 600 triệu đồng (số tiền này ngoài hợp đồng với Cty CPXDDV 1/5), ông Minh giải thích, đây là số tiền chênh lệch mà nhà đầu tư nào khi "mua đất" cũng phải trả ngay sau khi ký hợp đồng. ông Minh cho hay, sau khi có thông tin hợp đồng vay vốn giữa Cienco5 Land và Cty CPXDDV 1/5 bị huỷ, ông đến đây để đòi lại tiền vì Cty CPXDDV 1/5 không hề có đất để bán (được ngụy trang dưới hình thức hợp đồng giao vốn).
Được biết, sau khi khách hàng phản ứng dữ dội và yêu cầu Cty CPXDDV 1/5 trả lại tiền các nhà đầu tư, thì khoảng 10h sáng hôm qua 19/4, công ty cho dán một thông báo tại tầng 1, với nội dung: Do một số thông tin đại chúng có đưa tin về sự hợp tác giữa Cty CPXDDV 1/5 với Cienco 5 Land, gây ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng: Cty CPXDDV 1/5 thông báo: Cty CPXDDV 1/5 và Cienco 5 Land đang tiến hành đàm phán, ký kết mới để thực hiện dự án khu đô thị Thanh Hà. Và công ty cam kết bảo vệ quyền lợi khách hàng.
Thông báo này cũng ghi rõ, hiện Chủ tịch HĐQT đang đi công tác, không thể trực tiếp làm việc để giải thích với khách hàng. Mọi giao dịch tạm ngừng đến khi có thông báo mới. Và Hội nghị khách hàng sẽ được tổ chức vào ngày 22 và 25/4/2010.
Không có chức năng tín dụng, vẫn ký hợp đồng vay vốn...
Theo điều tra của phóng viên, không phải ngẫu nhiên mà Cty CPXDDV 1/5 ký các hợp đồng nêu trên với khách hàng. Để thực hiện được việc này, trước đó ngày 19/1/2010 Cty CPXDDV 1/5 đã ký một hợp đồng vay vốn với Cty Cienco 5 Land số tiền 200 tỷ đồng, lãi suất 1% tháng, thời hạn vay 18 tháng. Thời hạn giải ngân rất nhanh, chỉ trong vòng 23 ngày. Kể từ ngày ký, Cty CPXDDV 1/5 phải chuyển hết số tiền đó cho Cienco 5 Land. Kèm theo hợp đồng góp vốn, đó là một phụ lục hợp đồng với nội dung, Cienco 5 Land sẽ phải ưu tiên cho Cty CPXDDV 1/5 hợp tác đầu tư đất biệt thự tại A2, khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 với diện tích khoảng 55.000 m2 và đơn giá được ấn định giá không quá 12 triệu đồng /m2 (bao gồm đã có thuế giá trị gia tăng). Sau khi có được hợp đồng trong tay, Cty CPXDDV 1/5 thực hiện ngay việc ký các hợp đồng giao vốn (thực chất đây là hình thức lách luật để bán đất) với những người có nhu cầu đầu tư đất mua đất tại dự án Thanh Hà - Cienco 5. Khách hàng, ngay sau khi ký hợp đồng, Cty CPXDDV 1/5 đã thu 30% giá trị lô đất và số tiền chênh khoảng 5-6 triệu đồng /m2 và phải nộp đủ 100%.
Để làm sáng tỏ trước những búc của các nhà đầu tư, hôm qua 19/4, phóng viên chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Mạnh Cường Tổng giám đốc Cty CPXDDV 1/5. Khi được hỏi về về hợp đồng vay vốn giữa Cty CPXDDV 1/5 và Cienco 5 Land với số tiền 200 tỷ đồng, Cty CPXDDV 1/5 có chức năng kinh doanh tài chính không?. ông Cường khẳng định, về chức năng này công ty không có (theo quy định kinh doanh tiền tệ là loại hình kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép). ông Cường cũng khẳng định, hợp đồng vay vốn đã ký, nhưng cho đến nay, công ty chưa hề chuyển tiền cho Cienco 5 Land vay theo hợp đồng. Trả lời về hợp đồng vay vốn giữa Cty CPXDDV 1/5 và Cienco 5 Land đã bị huỷ, ông Cường cho hay, việc huỷ hợp đồng là từ phía Cienco 5 Land đã có thông báo gửi công ty ông. Còn về nguyên nhân thì ông Cường rất dè dặt, nhưng cũng tiết lộ, có chuyện khi phía Cty CPXDDV 1/5 yêu cầu việc ông Phan Văn Mạnh tổng giám đốc Cienco 5 Land đại diện ký vay vốn phải cung cấp giấy uỷ quyền của Chủ tịch HĐQT Cienco 5 Land (tức là ông Thân Đức Nam đồng thời cũng là Tổng giám đốc, Tổng công ty công trình giao thông 5) cho Cty CPXDDV 1/5, nhưng không hiểu vì lý do gì lại bị từ chối.
Thế nhưng, tại sao Cty CPXDDV 1/5 không có chức năng kinh doanh tín dụng, mà hai bên vẫn ký hợp đồng? Và khi hợp đồng đã có công văn yêu cầu huỷ, mà Cty CPXDDV 1/5 vẫn ký hợp đồng giao vốn đối với khách hàng về dự án Thanh Hà? Hai vấn đề nêu ra, ông Nguyễn Mạnh Cường đều không trả lời, và nói là khi ông Lê Hoà Bình đi công tác về sẽ trả lời cụ thể.
Những thông tin về Cienco 5 Land và Cty CPXDDV 1/5 trong việc gây bức xúc cho khách hàng, từ hợp đồng vay vốn, đến hợp đồng giao vốn với khách hàng của Cty CPXDDV 1/5 đang có dấu hiệu của sự đổ vỡ. Được biết, Cienco 5 Land không phải ký hợp đồng duy nhất với Cty CPXDDV 1/5 mà còn được ký các hợp đồng tương tự để vay vốn với một số công ty khác. Và các công ty đó cũng rao bán đất dự án tương tự như trường hợp với Cty CPXDDV 1/5. ĐS &PL sẽ tiếp tục có những bài viết vào các số báo tiếp theo, để làm sáng tỏ vụ việc.
(Theo Ngô Hậu // Đời sống pháp luật)
Bài học nhãn tiền từ bán nhà đất Tháng 1/2009, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố, bắt giam bà Hạnh. Giám đốc Công ty D &T về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản (và đến nay vẫn bị tạm giam). Tháng 4/2009, cơ quan điều tra đã khởi tố ông Vũ Ngọc Toàn, nguyên Phó tổng giám đốc GP Bank. Cùng bị khởi tố với ông Toàn còn có 2 cán bộ khác của GP Bank khi đó là Nhữ Đình Hiếu, Trần Anh Tuấn và 5 giám đốc các công ty tư nhân liên quan. Vụ lừa đảo bán tài sản thế chấp của bà Hạnh bắt đầu từ Hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh số 01/2007/HĐNT - BS- D&T ký ngày 5/12/2007 giữa Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng và du lịch Bảo Sơn (gọi tắt là Công ty Bảo Sơn - bên A) và Công ty D &T (bên B), các bên thống nhất ký hợp đồng hợp tác đầu tư và chuyển giao quyền sử dụng đất sau khi hoàn thành đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để đầu tư, xây dựng, kinh doanh nhà tại Dự án Làng kiến trúc phong cảnh, khu du lịch sinh thái cao cấp An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội). Để có tiền trả cho chủ đầu tư, sau khi ký hợp đồng với Công ty Bảo Sơn, bà Hạnh (Giám đốc Công ty D &T) đã vay 66 tỷ đồng của GP Bank. Do không có tài sản thế chấp nên việc vay vốn của Công ty D &T được thực hiện bằng hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai (là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của 47 căn biệt thự tại dự án kể trên). Sau khi vay GP Bank 66 tỷ đồng, bà Hạnh đã chuyển nhượng những căn biệt thự trên cho hàng chục cá nhân khác. Khi đặt bút ký hợp đồng mua bán những căn biệt thự trên, nhiều người dân cũng không hề hay biết là họ đã mua phải tài sản thế chấp của GP Bank. Hậu quả là khách hàng mất tiền oan. Một vụ việc khác mới bị phát hiện ở TP. Hồ Chí Minh. Dự án này do Cty Cổ phần Dịch vụ May mặc xuất nhập khẩu Ngân Thanh (gọi tắt Cty Ngân Thanh) làm chủ đầu tư và khởi công xây dựng từ 12/2008, dự kiến giao nhà vào tháng 10/2010 Được quảng cáo là căn hộ cao cấp nhiều tiện ích, vị trí đắc địa và nhất là căn hộ mẫu tiện nghi và đẹp so với giá tiền 16,5-19 triệu đồng /m2 nên bán khá chạy. Ngoài Cty Ngân Thanh thì trong mọi giấy tờ giao dịch, bảng, biển quảng cáo đều ghi rõ đồng chủ đầu tư là Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Lilama SHB và được Tiếp thị - Phân phối - Quản lý bởi Cty TNHH một thành viên BĐSê Đen (Eden Real). Tuy nhiên, đến tháng 2/2010, khách hàng của dự án này nhận được thông tin dự án ngừng xây dựng, đến tìm gặp Tổng Giám đốc Cty Ngân Thanh là ông Phan Tất Phát thì ông đã biến biệt tăm được hơn một tháng. |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com