Tờ San Diego Union Tribune ngày 20.11 cho biết, William Doyle - cựu chỉ huy Lực lượng Mãnh hổ, đã tàn sát dân thường trong chiến tranh Việt Nam - vừa chết ở tuổi 75.
Doyle là chỉ huy Lực lượng Mãnh hổ hồi năm 1967, thời điểm lực lượng này tàn sát hàng trăm dân thường người Việt gồm phụ nữ và trẻ em trong cuộc thảm sát đẫm máu kéo dài suốt 7 tháng. Doyle chưa bao giờ hối hận về việc làm của mình và tự coi là bị mất trí tạm thời, tự biện minh rằng trong chiến tranh, người ta phải làm bất kỳ điều gì tệ hại chỉ để sống sót - Doyle nói với tờ báo The Blade ở Toledo, bang Ohio, trong loạt phóng sự điều tra phanh phui về Lực lượng Mãnh hổ. Loạt bài này của The Blade sau đó đã được giải Pulitzer.
Họ hàng của Doyle nói rằng có hai mặt trong con người sẵn sàng phát biểu trên truyền hình về việc giết người. Doyle sinh ra ở Kansas City. Năm Doyle 12 tuổi, bà mẹ bị chết bởi một người lái xe say rượu, sau đó Doyle được ông bố nuôi dạy nhưng suốt ngày bị đánh đập. Doyle sống trong nhà nuôi dưỡng trẻ em tới khi gia nhập quân đội năm 1950. Lúc đó, quan toà ở Kansas City đặt ra hai lựa chọn cho Doyle: Hoặc đăng lính, hoặc bị tù vì đã dùng xích sắt đánh một thiếu niên. Chị gái của Doyle là Barbara Doyle nói: “Chưa bao giờ cậu ấy được sống bình thường. Chính điều đó đã liên quan rất nhiều đến những gì cậu ấy đã làm trong chiến tranh”.
Vài năm sau khi nhập ngũ, Doyle được xung vào Lực lượng Mãnh hổ - một đội quân tinh nhuệ của lính Mỹ ở Việt Nam. Nhưng đến năm 1967, lực lượng này vượt khỏi tầm kiểm soát của các quan chức quân đội Mỹ và đã gây ra vụ thảm sát máu lạnh nói trên. Mãi mấy năm sau, một cựu binh - bị sức ép quá khứ ám ảnh - đã kể với điều tra viên về việc thành viên Mãnh hổ chặt đầu một bé sơ sinh. 4 năm tiếp theo, quân đội dò theo dấu vết của hơn chục thành viên cũ của Mãnh hổ để mở cuộc điều tra. Vụ này đã lên tới các cấp cao nhất của chính phủ, kể cả Nhà Trắng và Lầu Năm góc và là cuộc điều tra kéo dài nhất về chiến tranh Việt Nam, nhưng đến năm 1975, Lầu Năm góc lặng lẽ khép hồ sơ vụ này lại.
Doyle và 17 người khác bị kết luận đã phạm các tội ác chiến tranh, kể cả tội giết người và tra tấn, nhưng không bao giờ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Sự việc nằm trong bóng tối suốt 28 năm cho tới khi tờ The Blade tìm được các hồ sơ mật đã bị Lầu Năm góc giấu nhẹm. Điều bất công là Doyle chưa bao giờ bị trừng phạt. Ông ta sống đủ lâu, có gia đình, 9 người con và 3 cháu.
(Theo báo lao động )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com