Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vấn đề đảng cầm quyền và thẩm quyền quản lý nhà nước ở các nước tư bản

1. Hiến pháp các nhà nước tư bản không quy định vai trò lãnh đạo của đảng

Trong tác phẩm Lôgic chính trị Mỹ (The Logic of American Politic), với tiêu đề Đảng là đứa con ngoài ý muốn của Hiến pháp, tác giả Samuel Kernell và Gary Jacobsson viết: “Hiến pháp không hề đề cập đến các đảng phái chính trị. Trong suốt thời kỳ lập quốc, các đảng phái bị đông đảo người dân coi là mối đe dọa đối với một chính phủ tốt và trật tự công, đặc biệt là những người Cộng hòa. Trong một bầu không khí như vậy, không một nhà lãnh đạo tự trọng nào lại công khai kêu gọi thành lập đảng phái chính trị”.

Trong những năm đầu của việc thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, quan điểm chung của mọi người là phản đối kịch liệt các đảng phái chính trị. Benjamin Franklin đã phát biểu chống lại “sự lạm dụng lẫn nhau vô hạn định của đảng phái, phá hủy tan tành những đặc trưng tốt đẹp nhất” (1). Trong bài Những người liên bang số 10, J. Madison đã gọi đảng là những biến thể của các bè phái, có những ý định đi ngược lại các quyền của các công dân khác, hoặc ngược với lợi ích chung và vĩnh cửu của cộng đồng. G. Washington đã dùng bài diễn văn từ nhiệm của mình để cảnh báo - theo cách thức trọng thể nhất - về các tác động tai hại của tinh thần đảng phái nói chung, và ngườikế nhiệm ông, J. Adams đã khẳng định rằng việc chia nền cộng hòa thành hai đảng phái lớn phải bị coi là điều đáng ghê sợ nhất về chính trị theo hiến pháp của chúng ta. Ngay cả T. Jefferson cũng có lần tuyên bố: “Nếu tôi không thể tới thiên đường vì không mang theo một đảng phái, tôi thà không tới đó còn hơn” (2). “Bị tất cả mọi người coi thường, nhưng các đảng phái vẫn phát triển rầm rộ. Tu chính án thứ nhất của hiến pháp bảo đảm quyền tự do nói, viết và hội họp đã xác định rằng, các hoạt động của đảng phái là hợp pháp. Ngoài ra, các khung thể chế được thiết lập bởi hiến pháp đã tạo ra những động lực mạnh mẽ để tiến hành các hoạt động giúp cho sự ra đời và duy trì các đảng phái”.

Tuy nhiên, cơ chế bầu cử quy định trong hiến pháp đã là một trong những nguyên nhân chính của việc sinh ra các đảng phái. Chính nhu cầu của các cuộc bỏ phiếu với mục đích thành lập ra từ nhân dân các cơ cấu nhà nước đã là nguyên nhân cho sự ra đời các tập hợp có đồng quan điểm, hoặc có thể cùng chấp nhận một sự liên hợp các chương trình, quan điểm cho hành động. Đó là nguyên nhân ra đời của các đảng phái chính trị để có thể có quyền lực. Họ quan niệm một cách rõ ràng rằng, quyền lực chính trị là một loại quyền lực xã hội quan trọng nhất. Như vậy, động cơ chính trị để tạo ra đảng phái là rất rõ ràng.

Trong mọi hệ thống mà sự lựa chọn tập thể được thực hiện thông qua bỏ phiếu, một tổ chức bao giờ cũng có lợi thế. Hiến pháp quy định việc thông qua các đạo luật và bầu ra các nhà lãnh đạo bằng bầu cử hay biểu quyết với đa số phiếu đã khiến cho việc xây dựng các liên minh đa số trong những thể chế và đơn vị bầu cử trở nên hết sức quan trọng. Các đảng phái xuất hiện từ những nỗ lực của các tác nhân chính trị nhằm xây dựng những liên minh như vậy và điều phối hoạt động tập thể cần thiết để giành quyền kiểm soát và dụng bộ máy chính quyền. Và việc một đảng có quyền lực lãnh đạo hay không phụ thuộc vào lá phiếu của người cử tri.

2. Sự lãnh đạo của đảng cầm quyền không phân biệt với thẩm quyền của nhà nước

Thủ lĩnh của đảng cầm quyền phải là người đứng đầu hành pháp

Cho đến nay, vấn đề đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo, đảng bố trí cán bộ chủ chốt của mình vào các cương vị của bộ máy nhà nước đã trở thành một tất yếu của chế độ chính trị dân chủ hiện nay. Đó là một trong những đặc điểm của nhà nước pháp quyền hiện đại. Nhưng điều đáng nói là, sự lãnh đạo, sự bố trí đó không được quy định trong hiến pháp - đạo luật tối cao của mỗi quốc gia tư bản.

Có hai điều cần phải chú ý ở đây là sự lãnh đạo đó của đảng cầm quyền cần phải có sự đồng ý thông qua một cuộc đầu phiếu của nhân dân. Đảng chiếm đa số ghế ở Quốc hội - nếu nhà nước được tổ chức theo mô hình của chế độ đại nghị - là đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền đứng ra thành lập Chính phủ. Về nguyên tắc, người của đảng nào chỉ biết bỏ phiếu cho người của đảng đó. Vì lẽ đó, mặc dù hiến pháp quy định là Quốc hội thành lập Chính phủ, nhưng chính đảng cầm quyền mới là người đứng ra thành lập Chính phủ. Thủ lĩnh của đảng cầm quyền sẽ là người đứng đầu cơ quan hành pháp. Các bộ trưởng đều là người thân cận với Thủ tướng hoặc là người có chân trong ban lãnh đạo của đảng cầm quyền.

Như vậy, như một quy luật, thủ lĩnh của đảng cầm quyền bao giờ cũng nắm chức vụ đứng đầu hành pháp. Cách thức tổ chức nhà nước tạo nên mô hình chính thể của mỗi quốc gia phụ thuộc căn bản vào cách thức nắm giữ và điều hành nhà nước của người đứng đầu hành pháp. Chính cách thức bố trí nhân sự này đã làm tăng tính chịu trách nhiệm thực sự của bộ máy nhà nước.

Không có sự phân biệt giữa sự lãnh đạo của đảng và sự quản lý của nhà nước

Sự phân biệt không được đặt ra, vì người có quyền hạn cao nhất sẽ phải là người có trách nhiệm cao nhất. Sở dĩ Nữ hoàng Anh không chịu trách nhiệm gì bởi vì Nữ hoàng không có quyền lực thực tế. Nữ hoàng được quyền bổ nhiệm Thủ tướng, nhưng không thể bổ nhiệm một người khác, nếu người đó không là thủ lĩnh của đảng cầm quyền. Cách thức tổ chức nhà nước như vậy là một quy luật khách quan, một biểu hiện của nhà nước pháp quyền tư sản.

Hiến pháp các nước phát triển không hề quy định về vấn đề đảng lãnh đạo. Có chăng chỉ là sự ghi nhận về quyền được tự do hội họp và lập hội. Mà đây là một trong những đảm bảo nhân quyền. Trong khi đóH, đảng cầm quyền là đảng nắm hành pháp. Thủ lĩnh của đảng cầm quyền là người đứng đầu hành pháp. Vì thế, vai trò của đảng cầm quyền là rất lớn, nó làm cho các quy định của hiến pháp trở nên rất hình thức, nếu chúng ta chỉ phân tích các biểu hiện bên ngoài của chúng. Hiến pháp các nước tư sản phát triển là bản văn phân chia quyền lực, nhưng khi có đảng, mọi sự phân chia đều có thể trở nên vô nghĩa.

Ở Anh, sau mỗi một cuộc tuyển cử, tân Nghị viện nhóm họp để các chính đảng tổ chứcra cơ cấu của Hạ viện. Nữ hoàng bổ nhiệm lãnh tụ đảng chiếm đa số làm Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng bắt tay vào việc bổ nhiệm các cộng sự của mình vào các chân trong Chính phủ. Thủ tướng sẽ bổ nhiệm 17 đến 24 bộ trưởng vào một nhóm thân cận, chuyên việc hoạch định ra các chính sách của Chính phủ gọi là Nội các. Nội các là Chính phủ của nước Anh, là trung tâm của toàn thể nhà nước Anh, nên nhiều người đã định danh nhà nước Anh là “chính thể Nội các”. Vì vậy, nói Chính phủ chịu trách nhiệm tức là nói đến Nội các phải chịu trách nhiệm.

Sinh hoạt chính trị ở Anh dựa trên hai chính đảng có tổ chức, kỷ luật, đủ khả năng đảm bảo hoạt động thống nhất của đảng mình trong Chính phủ cũng như ở Quốc hội. Hệ thống lưỡng đảng này đã làm thay đổi hẳn ý nghĩa phân quyền của chế độ đại nghị.

Ở chính thể này, trong các cuộc bầu cử Hạ viện (Nghị viện), cử tri toàn quốc không những bầu ra các nghị sĩ làm đại diện cho mình, mà còn tìm ra một đảng cầm quyền. Thủ lĩnh của đảng cầm quyền nghiễm nhiên sẽ là người đứng đầu bộ máy hành pháp của nhà nước. Việc đặt vấn đề tín nhiệm của Quốc hội đối với Chính phủ, chính là đặt vấn đề tín nhiệm đối với chính đảng đang cầm quyền. Nhưng trên thực tế, khi đảng đối lập đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ thì không bao giờ thu được số phiếu ủng hộ quá bán tổng số Hạ nghị viện, nếu như không có một vấn đề nào đó gây nên sự khủng hoảng của đảng đang cầm quyền.

Như vậy, chế định Chính phủ - hành pháp phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội - lập pháp, cũng như chế định tín nhiệm Chính phủ về nguyên tắc được đặt ra với mục đích để kiểm tra, giám sát Chính phủ, nhưng với đảng cầm quyền, Chính phủ đã sử dụng các chế định này để kiểm tra, giám sát lại Quốc hội, và mưu tính có lợi cho việc cầm quyền của Chính phủ - hành pháp. Và các đảng đối lập chỉ còn cách bày tỏ sự phản đối, chỉ trích đảng cầm quyền. Sự đối nghịch nhau giữa hai đảng phái chính trị đã được lịch sử hình thành một cách dần dần và được định chế hoá, bằng con đường hoà bình.

Chế độ ở Anh quốc là chế độ điển hình của loại hình chính thể đại nghị, kể cả ở cộng hoà đại nghị lẫn quân chủ đại nghị. Mối tương quan giữa lập pháp và hành pháp đã biến thành mối tương quan giữa “hai cơ quan” của một đảng cầm quyền. Nhiều người còn cho rằng đây là mối quan hệ giữa Ban chấp hành trung ương (những thành viên của Chính phủ) với các đảng viên, quần chúng (những nghị sĩ trong Hạ nghị viện).

Các đảng cầm quyền ở Anh quốc luôn có hai vấn đề phải lo ngại. Thứ nhất, đảng đối lập luôn luôn tìm cách đánh bại đảng cầm quyền để có cơ hội thay thế Chính phủ của đảng đang cầm quyền; thứ hai, các cuộc tuyển cử có thể thay đổi đảng đang cầm quyền bằng đảng đối lập.

Chính phủ dân chủ nào cũng phải tìm cách dung hoà các quyền lợi đối lập với nhu cầu phải giữ sao cho được Chính phủ. Nhiều chính thể, trong đó có chính thể cộng hoà tổng thống của Mỹ thực hiện sự dung hoà này bằng cách phân chia quyền hành cho các cơ quan riêng và ngang quyền nhau theo quy định của Hiến pháp. Quyền hạn của mỗi cơ quan đều bị tiết chế, kiểm soát bằng các cơ quan khác. Ngược lại, các nhà nước theo chế độ đại nghị không có sự tiết chế nói trên, nhưng thay vì như vậy, cơ quan tối cao trong chính thể đại nghị là Hạ nghị viện thì lại bị tiết chế ngay trong nội bộ của nó, bằng hoạt động của các đảng đối lập.

“Các chính đảng được sáp nhập vào cơ cấu nghị viện. Vai trò của phái đối lập cũng như trách nhiệm của đa số được chính thức thừa nhận, và các chức trách của người lãnh đạo đa số và thiểu số, thông thường do các quỹ dự trữ cho hoạt động của các cơ quan lập pháp đài thọ. Các chính đảng có quan hệ mật thiết với nhau tới mức, mặc dù ở thế đối lập, thiểu số vẫn dành một sự ủng hộ đầy đủ cho những đường lối do đa số thông qua, để đảm bảo thế liên tục cần thiết và hành động trong thế “đối lập trung thực” cho tới khi đến lượt mình, thiểu số ấy lên nắm quyền” (3).

Đối lập của chính thể đại nghị Anh quốc cũng như của các nhà nước tư sản khác được tổ chức theo chế độ đại nghị là đối lập có tổ chức chặt chẽ, luôn luôn thường trực, thậm chí còn tổ chức thành “Chính phủ mờ”. Đối lập là sự chuẩn bị, là dự phòng để sẵn sàng thay thế Chính phủ đang cầm quyền. Nếu Chính phủ cầm quyền thất bại trong tuyển cử, thì đảng đối lập lên thay. Vì có thể lên thay nên đảng đối lập phải có thái độ ôn hoà khi chỉ trích cũng như khi phải hứa hẹn. Đảng đối lập có trách nhiệm phải tham dự vào các cuộc tranh luận, chống đối các chính sách dở, không hay của Chính phủ đang cầm quyền bằng tiếng nói, bằng việc bỏ phiếu, hay dùng các phương pháp đúng đắn khác buộc Chính phủ phải thay đổi... Mục tiêu lớn của phe đối lập là gây cho cử tri sự nghi ngờ rằng chính sách của Chính phủ đương quyền là sai lầm, để có cơ hội trong cuộc bầu cử tới đảng đối lập giành được nhiều phiếu bầu cử hơn.

3. Kết luận

Việc không phân biệt giữa sự lãnh đạo của đảng và sự quản lý của nhà nước tại các nước tư bản có lý do chính là để tăng cường sự hợp pháp và sự chịu trách nhiệm của đảng cầm quyền. ở các chính thể này cũng không có sự phân biệt giữa các quan chức cao cấp của đảng với các quan chức cao cấp của nhà nước. Người đứng đầu đảng và đứng đầu hành pháp hầu như là một. Họ là các chính khách. Điều tối quan trọng là đảng chính trị có lấy được phiếu của người dân để trở thành đảng cầm quyền hay không.

(1) Richard Hofstadter, The idea ofa Party System, Lan ce Banning(belmont , Calif.: Wadsworth, 1989), 20.

(2) Richard Hofstadter, The Idea of a Party System: The Rise of Legitimate Opposition in the United States,1780 – 1840(Berkeley: University of California Press, 1970), 123.

(3) Xem, Caronline F. Ware K.m. Panikkar và J.m. Eomein, Lịch sử Văn minh Nhân loại Thế kỷ XX, Nxb. Văn hoá thông tin, 1999, tr. 621.

(Theo PGS, TS Nguyễn Đăng Dung - Đại học Quốc gia Hà Nội. // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)

  • Quyền lập quy của Chính phủ Liên bang Nga
  • Nội dung cơ bản của Luật tiếp cận thông tin một số nước
  • Quyền tiếp cận thông tin trong các văn kiện quốc tế (**)
  • Vi phạm hành chính, mời học lại luật
  • Vận động hành lang trong nền chính trị Mỹ và một số liên hệ tới Việt Nam
  • Mô hình bộ máy quốc gia về nhân quyền ở một số nước và suy nghĩ về cơ chế bảo đảm quyền con người
  • Một số bình luận từ thực tiễn giải quyết vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh (Phần 1)
  • Trường hợp chia tài sản chung không phải nộp lệ phí trước bạ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%