4. Quy định hình phạt của hai luật
Thứ nhất, về hình phạt tiền. Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 của Việt Nam không quy định các hình phạt khi có hành vi tham nhũng xảy ra. Do đó, khi xử phạt hành vi tham nhũng, chúng ta phải dẫn chiếu các quy định trong BLHS. Trong BLHS tại Chương XXI mục A quy định về các tội phạm về chức vụ, cụ thể là từ Điều 278 đến Điều 291 BLHS tương ứng với các hành vi được mô tả trong Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 của Việt Nam. Theo đó, đối chiếu các mức hình phạt quy định từ Điều 278 đến Điều 291 BLHS với Điều 28 của BLHS thì mức hình phạt lần lượt từ thấp đến cao là phạt tiền, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình. Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore quy định mức hình phạt đối với tội tham nhũng là hình phạt tù và phạt tiền, đơn cử như tại khoản c Điều 6 “bất kỳ người nào cố ý đưa hối lộ cho cá nhân, hoặc cá nhân cố ý nhận hối lộ nhằm cố ý làm sai trái với thủ trưởng của mình về chứng từ, tài khoản và các tài liệu khác mà thủ trưởng của mình đang xem xét giải quyết hoặc báo cáo sai sự thật, sẽ bị coi là tội phạm và chịu hình phạt lên đến 100.000 đô la Singapore hay phạt tù lên đến 5 năm hoặc cả hai”.
Mặc dù đều quy định chế tài là phạt tiền nhưng đối với Việt Nam và Singapore cách quy định về mức phạt tiền là hoàn toàn khác nhau.
BLHS Việt Nam thì quy định về hai dạng: một là phạt tiền ở một mức cụ thể, hai là mức phạt tiền không cố định gồm phạt tiền gấp bao nhiêu lần số tiền mà người phạm tội đã có được do hành vi phạm tội của mình gây ra hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với mức phạt tiền cố định, tùy vào từng loại tội phạm mà có mức phạt tiền khác nhau. Nhưng nhìn chung, các mức phạt tiền cố định được tập trung vào các tội danh tham ô tài sản (Điều 278), tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282), tội giả mạo trong công tác (Điều 284) và các mức phạt ở các tội danh đều khác nhau, nhưng mức thấp nhất là ba triệu đồng và mức phạt cao nhất là năm mươi triệu đồng.
Đối với các mức phạt tiền không cố định, mức phạt tùy thuộc vào số tiền mà người phạm tội có được do hành vi phạm tội của mình gây ra. Các hình phạt này tập trung vào các tội như Tội nhận hối lộ (Điều 279), tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi (Điều 283).
Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore, hình phạt quy định mức phạt tiền cụ thể và mức phạt tiền là 100.000 SGD (tương đương khoảng 1,2 tỷ VNĐ), thêm vào đó người phạm tội còn bị phạt thêm khoản vụ lợi là tiền hoặc nếu vật có thể định giá được thì người phạm tội phải nộp thêm khoản tiền phạt đó theo khoản 1 Điều 13 “Khi toà kết tội tham nhũng một người theo quy định của luật này, sau đó, nếu khoản hối lộ là tiền hoặc nếu giá trị của vật hối lộ có thể định giá được, thì toà có thể áp dụng thêm hình phạt khác đối với người đó, bắt người đó phải nộp tiền phạt, hay một khoản tiền tương ứng với vật hối lộ, theo quyết định của toà, giá trị của khoản hối lộ và mọi khoản tiền phạt có thể tịch thu như tiền phạt”.
Qua đó, chúng ta thấy mức phạt tiền quy định trong pháp luật Việt Nam và Singapore có khác nhau. Ở Việt Nam, tùy vào loại tội phạm mà BLHS quy định mức phạt tiền tương ứng. Còn Singapore quy định mức phạt các tội đều ở mức 100.000 SGD.
Đối với một số loại tội phạm, mức phạt tiền 100.000 SGD mà luật pháp Singapore quy định là cao, nhưng dễ đạt mục đích trừng phạt và ngăn ngừa tội phạm. Ở Việt Nam, quy định mức phạt tối đa cố định ở mức năm mươi triệu đồng là thấp, rất thấp đối với một số tội như tội tham ô tài sản, người phạm tội có thể nhận được số tiền rất lớn so với mức phạt mà điều luật quy định. Còn đối với khoản tiền phạt không cố định thì quy định lại quá cao, vì người phạm tội phải trả gấp từ một đến năm lần số tiền mà mình có được do hành vi phạm tội gây ra, như quy định tại khoản 5 Điều 283 BLHS “Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi”. Như vậy, việc quy định mức tiền phạt trong BLHS hiện nay là không hợp lý. Vì thế, các nhà lập pháp nên quy định áp dụng một mức chung đối với các loại tội phạm như pháp luật phòng, chống tham nhũng Singapore đã quy định. Nhưng mức phạt này phải phù hợp với tình hình kinh tế của đất nước, bảo đảm không được ở mức quá thấp hoặc là ở mức quá cao như hiện nay.
Biện pháp tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản của người phạm tội có thể làm cho người phạm tội sợ mà không dám thực hiện hành vi của mình, đồng thời giúp Nhà nước có thể thu lại khoản tiền mà người phạm tội có được từ hành vi phạm tội của mình. Biện pháp này mang tính khả thi hơn việc tịch thu gấp bao nhiêu lần số tiền mà người phạm tội có do hành vi của mình. Quy định này cũng tạo thuận lợi cho cơ quan thi hành án trong việc thi hành bản án, vì số tiền này là số tiền có thực mà người phạm tội sẽ bị mất. Nhưng còn một số khó khăn trong việc thực hiện quy định này, đó là về vấn đề kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản đã được quy định từ rất lâu trong Pháp lệnh năm 1998 về việc kê khai tài sản nhưng đến nay, việc kê khai vẫn chưa được thực hiện tốt. Do đó, để thi hành biện pháp tịch thu tài sản, cần phải thực hiện nhanh chóng việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức, đồng thời phải kiểm tra tính chính xác của việc kê khai tài sản. Điều 44 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: “Người có nghĩa vụ kê khai tài sản phải kê khai tài sản, mọi biến động về tài sản thuộc sở hữu của mình và tài sản thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên”.
Thứ hai, về hình phạt tù. Cả Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore và BLHS của Việt Nam đều quy định hình phạt tù đối với hành vi tham nhũng. Nhưng mức phạt tù quy định trong BLHS của Việt Nam cao hơn so với mức phạt tù quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng của Singapore. Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore quy định mức hình phạt tù thấp nhất là 5 năm và cao nhất là 7 năm. Còn BLHS Việt Nam quy định mức phạt tù thấp nhất là 1 năm và mức cao nhất là chung thân. Song, dù mức phạt tù của BLHS Việt Nam cao hơn mức phạt tù của Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore, nhưng do chính sách nhân đạo của Đảng và của Nhà nước ta, đến nay chưa một tội phạm nào phải chịu mức hình phạt tù chung thân phải thụ án chung thân, mà đều được tha trước thời hạn.
Thứ ba, về hình phạt tử hình. Luật Phòng, chống tham nhũng Singapore không quy định hình phạt đối với các hành vi tham nhũng có mức hình phạt là tử hình, mà chỉ quy định mức hình phạt là phạt tù và mức phạt tiền, nhưng BLHS Việt Nam thì ngoài quy định mức hình phạt là phạt tiền, phạt tù có thời hạn và phạt tù không thời hạn, còn có quy định mức hình phạt tử hình. Có thể thấy, tử hình là mức hình phạt cao nhất trong hệ thống khung hình phạt của nước ta. Hiện nay đang có hai luồng ý kiến về việc có nên hay không bỏ án tử hình đối với hai tội danh là tham ô được quy định tại Điều 278 BLHS và tội danh hối lộ được quy định ở Điều 279 BLHS.
Ý kiến thứ nhất đồng ý với việc nên áp dụng mức tử hình đối với hai tội phạm trên vì cho rằng đây là tội phạm nguy hiểm cho quốc gia. Do đó, phải áp dụng hình phạt tử hình. Đối với “tội nhận hối lộ và tội tham ô tài sản thì nhất thiết phải giữ án tử hình. Bởi vì đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chúng ta đối với việc chống tham nhũng hiện nay”1.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ mức tử hình đối với hai tội danh trên vì cho rằng, đây là tội phạm mang tính chất kinh tế, do đó chỉ cần phạt họ với hình phạt tù có thời hạn hoặc hình phạt tù không thời hạn kèm theo các biện pháp tịch thu tài sản khác, mà không cần phải thêm có hình phạt tử hình. “Tội tham ô tài sản và nhận hối lộ... là tội phạm có tính chất kinh tế... đối với những người này phạm tội này, chúng ta xử phạt tù chung thân, tù dài hạn nhưng thu hồi được kinh tế thì vẫn rất tốt, vẫn có tính chất phòng ngừa rất lớn”2.
Hiện nay, các nước trên thế giới đều đã bãi bỏ án tử hình trong pháp luật hình sự. “2/3 các quốc gia trên thế giới đã bãi bỏ án tử hình và trong số 59 quốc gia, nơi luật này vẫn duy trì hiệu lực thì chỉ có 25 nước vẫn đưa vào áp dụng”3. Việt Nam hiện nay đang trong quá trình hội nhập quốc tế, do đó cũng nên có xu hướng loại bỏ án tử hình đối với các tội danh.
5. Cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng
Cần cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng. Hiện nay, “có không ít người tố cáo đã rơi vào bi kịch - bị trù dập, mất việc làm, không còn đường thăng tiến, thậm chí bị thanh trừng, giết chết...”4. Mặc dù tại Điều 132 BLHS có quy định về việc bảo vệ người khiếu nại, tố cáo, và theo Quyết định số 13 tại điểm b khoản 1 Điều 13 “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và người có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, tham gia và thực hiện nhiệm vụ chống tham nhũng” nhưng như vậy vẫn chưa đủ, cần phải có một cơ chế thực sự rõ ràng để bảo vệ người dân, để tạo được niềm tin từ phía xã hội, từ đó mới có thể kêu gọi được sự tố giác tham nhũng từ phía người dân. Vì đa số các vụ tham nhũng lớn hiện nay đều do người dân cung cấp thông tin và tố giác, “ngày càng xuất hiện thêm nhiều người dân đứng ra tố cáo tiêu cực, tham nhũng. Đây là hành động xuất phát từ ý thức công dân trước “cơn bão” tham nhũng đe dọa quốc gia. Từ vụ “cá cược” 5 tỉ đồng của nhóm công nhân trên dự án đường liên cảng A5, đến phát hiện của một số người dân dưới các công trình cống hộp, rồi hiện tượng sụt lún ở hầm chui Văn Thánh 2...”5. Bên cạnh đó, để bảo vệ người tố cáo cần mở rộng thêm các điều kiện để người tố cáo tham nhũng có thể thực hiện. Hiện nay, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 35 Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo “c) Không xem xét, giải quyết những tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không có chữ ký trực tiếp mà sao chụp chữ ký hoặc những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới” theo đó những đơn tố cáo nặc danh sẽ không được giải quyết, và việc người dân tố cáo tham nhũng nêu rõ họ tên của mình trong đơn tố cáo sẽ làm tăng khả năng bị trả thù. Ngoài ra, theo Điều 335 của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành đã gây một số bất lợi cho người tố cáo đó là các quy định “nêu rõ họ tên địa chỉ của mình, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật”. Vô hình chung những quy định này đã đặt người tố cáo vào trong vòng nguy hiểm, từ đó làm hạn chế sự tích cực của người dân trong việc tố cáo tội phạm.
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới , trong đó có Trung Quốc, tiến hành xem xét cả đơn thư tố cáo nặc danh để phát hiện tham nhũng. Trung Quốc cho rằng, hiện nay pháp luật Trung Quốc chưa hoàn thiện, người tố cáo còn bị đe dọa, do đó cho phép người tố cáo được giấu tên và chấp nhận thư nặc danh. Trong thực tế, Trung Quốc có khoảng 60% đơn thư tố cáo là thư nặc danh và trong số đó có rất nhiều thông tin chính xác về tham nhũng. Theo một tài liệu của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung Quốc thì những năm gần đây, 80% các vụ án lớn ở nước này được xử lý là do nhân dân tố cáo. Thái Lan cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải xem xét tất cả các đơn thư tố giác của người dân về tham nhũng, dù có ký tên hay không ký tên. Singapore cũng xem xét đơn thư tố giác không ghi tên người gửi, thậm chí xem xét cả các cuộc điện thoại gọi tới6.
Theo chúng tôi, trước hết cần phải tiếp nhận các đơn thư nặc danh, vì việc đó có thể làm cho người dân tích cực tố cáo các hành vi tham nhũng, vì họ cảm thấy mình được bảo vệ an toàn. Nhưng để tránh tình trạng một số người cố tình tố cáo sai sự thật, nhằm mục đích gây hại đến danh dự của người khác, thì nên xem xét cách mà Singapore đang áp dụng “theo Luật 1960, người nào được Cục điều tra yêu cầu đều phải cung cấp thông tin trung thực. Nếu ai từ chối cung cấp thông tin hay đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt hay thậm chí bị phạt tù. Ngược lại, những người cung cấp thông tin sẽ được bảo vệ. Họ không nhất thiết phải nêu tên trong đơn tố cáo (với điều kiện các sự việc tố cáo đã được kiểm chứng là có thật). Các thông tin mà Cục điều tra hay tòa án cho rằng sẽ gây phương hại đến người tố cáo sẽ được giữ như thông tin mật (Điều 36)”7, còn đối với những đơn thư tố cáo chung chung, không có bằng chứng xác thực thìmới không giải quyết. Muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả, các cơ quan nhà nước cần phải giải quyết tất cả các đơn thư nặc danh.
(Theo ThS. Nguyễn Thanh Minh - Giảng viên khoa Luật Hành chính, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và nhóm nghiên cứu lớp Quốc tế 32B -Nguyễn Hồ Quảng Giang - Đinh Trương Anh Phương // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com