Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vi phạm hành chính, mời học lại luật

“Việc xử lý vi phạm hành chính (VPHC) ở Việt Nam hiện nay “không giống ai”. Chúng ta có hô nhiều khẩu hiệu như đẩy mạnh, tăng cường nhưng lại đầy rẫy vi phạm, cản trở sự phát triển kinh tế- xã hội”. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường tại cuộc họp ban soạn thảo Dự luật xử lý VPHC mới đây.

Hạn chế “đổ khuôn cứng” với mọi hành vi vi phạm

Sau tám năm ra đời và thực thi, sửa đổi, Pháp lệnh xử lý VPHC  bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập. Bên cạnh việc cho ra đời nhiều văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, một thực tế đáng lo ngại khác là tình trạng “xé rào” ở một số địa phương khi soạn thảo và văn bản QPPL về xử lý VPHC, sự vi phạm quy định thẩm quyền ban hành băn bản về xử lý VPHC.

So với pháp lệnh, dự thảo luật này gồm tám chương, 140 điều đưa ra nhiều quy định tiến bộ, như một số nguyên tắc mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức (nguyên tắc suy đoán không có lỗi, việc chứng minh lỗi của đối tượng vi phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền xử phạt...).

Tuy nhiên, trong dự thảo vẫn quy định các mức phạt tiền cụ thể đối với các hành vi vi phạm. Có ý kiến cho rằng, nên chăng đưa ra mức phạt tiền tính theo phần trăm của hàng hoá vi phạm để đảm bảo tính công bằng hơn là “đổ khuôn cứng”, cứ hành vi này là phạt bấy nhiêu tiền mà không kể là khối lượng hàng hoá vi phạm nhiều hay ít.

Thực tế, theo Pháp lệnh xử lý VPHC hiện hành, về thẩm quyền xử phạt có những hành vi VPHC “chồng” đến năm chức danh có thẩm quyền xử phạt. Ví dụ như đối với hành vi bán hàng rong, rất nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt như cảnh sát phường, cảnh sát giao thông, quản lý thị trường....

Trong khi đó lại có hành vi nhiều người biết nhưng lại không ai xử phạt vì không rõ thẩm quyền, hoặc “quên” chưa quy định. Ông Đặng Đình Luyến - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc Hội cho rằng, dự thảo cần quy định rõ một hành vi VPHC chỉ có một đến hai thẩm quyền xử phạt. Dự thảo bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt như Cục trưởng, Chi cục trưởng một số Cục như Cục vệ sinh an tòan thực phẩm, Cục Thú y, Cục bảo vệ quyền lợi thuỷ sản...để đảm bảo mọi hành vi vi phạm đều bị xử lý.

Khi vi phạm có quyền giải trình

Hiện nay theo Pháp lệnh xử phạt VPHC, có hai hình thức xử phạt chính là cảnh cáo, phạt tiền và hai hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để VPHC. Theo nhiều chuyên gia trong nước và nước ngoài, các hình thức này còn ít và đơn giản. Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, có nhiều biện pháp xử phạt theo tiêu chí chế tài lựa chọn, thay thế  ví dụ như lao động công ích hay học luật liên quan đến lĩnh vực mà mình vi phạm...

Theo dự thảo Luật xử lý VPHC, các hình thức xử phạt VPHC bao gồm cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc không thời hạn, tịch thu tang vật VPHC, phương tiện được sử dụng để VPHC; buộc lao động phục vụ cộng đồng, trục xuất, tước quyền lãnh đạo pháp nhân; tạm đình chỉ sản xuất và hoạt động; buộc học tập các quy định pháp luật liên quan đến hành vi vi phạm (áp dụng hạn chế đối với một số lĩnh vực).

 

Đây là những biện pháp xử phạt hết sức linh hoạt song cũng có ý kiến cho rằng, nếu đưa ra quá nhiều hình thức xử phạt thì sẽ khó cho việc xây dựng và thi hành. Trong khi đó, trên thực tế  thời gian qua nhiều biện pháp xử phạt chính lại nặng hơn cả hình phạt bổ sung, ví dụ như phạt tiền là phạt chính còn tịch thu ô tô hay tước giấy phép kinh doanh là hình phạt bổ sung. Do đó, trong lần xây dựng này, dự thảo cũng ấn định khá rõ các biện pháp  nào là xử phạt chính và đảm bảo tính răn đe nặng hơn so với các hình phạt bổ sung.

Đối với những đối tượng vi phạm có mức xử phạt lớn, hoặc liên quan đến các cá nhân khác như tạm đình chỉ sản xuất, kinh doanh ... thì có quyền giải trình hoặc mở phiên xử phạt công khai để đối tượng có thể đưa ra lập luận của mình. Việc giải trình có thể bằng văn bản hoặc tại cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính…Đây chính là quy định đảm bảo tính khách quan, dân chủ, hạn chế việc khiếu nại.

Giao thêm việc cho Tòa Hành chính - Tòa lo không “gánh” được”  

Các biện pháp xử lý hành chính bao gồm giáo dục tại địa phương, đưa vào cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng. Tuy nhiên, theo thống kê tại Trường giáo dưỡng số 1 Hà Nội, có hơn 50% các em chưa được áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương trước khi bị áp dụng biện pháp này vì chính quyền địa phương muốn làm “trong sạch” địa phương nơi họ quản lý. Hiện có hai luồng ý kiến về việc có nên chuyển các biện pháp xử lý hành chính như đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục xem xét quyết định theo trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp hay chỉ sửa đổi thủ tục cũ theo hướng hiệu quả hơn.

Có ý kiến cho rằng, việc áp dụng các biện pháp trên liên quan đến quyền con người nên phải được xử lý bằng một thủ tục tư pháp, nói cách khác phải bằng một phán quyết của  tòa án. Theo quan điểm cá nhân của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, việc đưa một ai đó vào trường giáo dưỡng nên bằng một quy định hành chính nhưng theo thủ tục tư pháp, tức là phải có sự tham gia của luật sư, đương sự có quyền khiếu nại về quyết định đó. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, họ có thể khởi kiện ra  tòa hành chính, phán quyết của  tòa hành chính có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, đại diện Tòa hành chính cho rằng, nếu giao phần xử lý VPHC  cho họ là khó khả thi vì không phù hợp với thực tế ngành tòa án. Nếu muốn thực hiện thì trước hết phải sự nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến của các tòa án địa phương. Vụ trưởng Vụ pháp chế Văn phòng Quốc hội nhận định, nếu tính về lâu dài, đối với mức phạt trên 100 triệu đồng là các biện pháp xử lý hành chính thì giao cho Tòa là hợp lý còn nếu áp dụng ngay thì cần phải cân nhắc, năng lực của Tòa án Hành chính. Ông Trần Thế Quân- Vụ pháp chế Bộ Công an lo ngại, nếu cải cách tòan diện thì Tòa Hành chính có đủ năng lực để gánh hay không khi mà mỗi năm có khoảng 25.000 trường hợp bị đưa vào cơ sở giáo dục, 14-15.000 trường hợp đưa vào trường giáo dưỡng.

Có đại biểu tham dự “hiến kế”, đối với những vụ việc vi phạm nhỏ chưa đến mức xử lý hình sự thì có thể thành lập tòa án riêng, thí dụ như tòa vi cảnh để xử lý.

(Theo Hương Nguyên // Báo Nhân dân)

  • Vận động hành lang trong nền chính trị Mỹ và một số liên hệ tới Việt Nam
  • Mô hình bộ máy quốc gia về nhân quyền ở một số nước và suy nghĩ về cơ chế bảo đảm quyền con người
  • Một số bình luận từ thực tiễn giải quyết vụ việc về hành vi hạn chế cạnh tranh (Phần 1)
  • Trường hợp chia tài sản chung không phải nộp lệ phí trước bạ
  • Mô hình bộ máy quốc gia về nhân quyền ở một số nước và suy nghĩ về cơ chế bảo đảm quyền con người (phần II)
  • Các hệ thống tố tụng hành chính trên thế giới
  • Lập pháp ở Hồng Kông với chính sách "Một quốc gia, hai chế độ"
  • Tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn trong tư pháp hình sự thế giới
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%