Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đề nghị chỉnh sửa 4.000/5.000 thủ tục hành chính được rà soát

Mặc dù đã có những con số rất thuyết phục về việc cắt giảm thủ tục hành chính, song nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tin tưởng vào những thay đổi.

Hàng loạt văn bản pháp luật sẽ được sửa đổi trong khoảng thời gian 1 năm, kể từ tháng 6/2010, được dự kiến sẽ có tác động tích cực đến môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ.

Các con số ấn tượng

Trong buổi làm việc vừa được tổ chức giữa cộng đồng doanh nghiệp với đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ông Ngô Hải Phan - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ, Văn phòng Chính phủ, Tổ phó Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho biết trong số hơn 5.000 thủ tục hành chính mà Tổ công tác vừa hoàn tất việc rà soát, có tới trên 4.000 thủ tục được đề nghị chỉnh sửa, 526 thủ tục được đề nghị bãi bỏ và 179 thủ tục khác được đề nghị thay thế bằng những hình thức quản lý khác.

Cho tới tháng 6/2011, nếu toàn bộ hệ thống văn bản liên quan đến các thủ tục hành chính này được sửa đổi theo đúng yêu cầu thì hệ thống thủ tục hành chính của Việt Nam sẽ có những thay đổi đáng kể.

Đương nhiên, sự thay đổi này còn phụ thuộc vào một lượng công việc khổng lồ từ phía các cơ quan liên quan các cấp. Đó là việc sửa đổi 1.190 văn bản pháp luật, trong đó có 58 luật, 22 pháp lệnh, 235 nghị định, 415 thông tư, 349 quyết định của bộ trưởng, 73 văn bản ở các hình thức khác. Theo quy định của Nghị định 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính, trước ngày 31/12/2010, các cơ quan đã ban hành văn bản sẽ sử dụng phương pháp dùng một văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính quyết định trong những văn bản do cơ quan đó ban hành. “Riêng các địa phương sẽ phải sửa đổi khoảng 3.000 văn bản thuộc thẩm quyền của mình, có nghĩa là mỗi địa phương sẽ phải sửa đổi khoảng 50 văn bản. Đây thực sự là khối lượng công việc rất lớn” - ông Phan thừa nhận.

Rào cản phối hợp

Trên thực tế, không chỉ khối lượng công việc lớn mà còn là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Chỉ cần một số trong những đầu mối phải sửa đổi không đạt tiến độ, kế hoạch cải thiện thực tế về một thủ tục hành chính cũng chịu hệ lụy. Mặc dù ông Phan khẳng định rằng, cơ chế giám sát tiến độ sửa đổi, thay thế thủ tục hành chính cũng như giám sát việc ban hành thủ tục hành chính theo quy định của Nghị định 63 (có hiệu lực từ 14/10 tới) sẽ giải quyết những lo ngại về vấn đề này, song các doanh nghiệp vẫn đang chờ đợi các động thái tích cực hơn nữa!

4.000/5.000 thủ tục hành chính qua rà soát đã được đề nghị chỉnh sửa.

Một đại diện doanh nghiệp thẳng thắn cho biết, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến thủ tục về thuế tuy được chấp nhận là hợp lý, song dường như vẫn chưa đến được đúng địa chỉ giải quyết. Có công ty mua đất làm chi nhánh văn phòng tại Hà Nội không làm được sổ đỏ vì hỏi thành phố, thành phố nói chỉ cần chứng nhận KT3 là được, nhưng quận lại trả lời phải có hộ khẩu. Vị giám đốc doanh nghiệp này bức xúc, chỉ cần thống nhất thực hiện được các quy định pháp luật về thủ tục hành chính cũng đã là một bước tiến.

Một ví dụ khác: Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Nam Định đã có hẳn một văn bản gửi Đoàn giám sát của UBTVQH để phản ánh việc bị các chủ đầu tư quản lý vốn nhà nước nợ khối lượng hoàn thành. Từ đó, doanh nghiệp bị mang tiếng nợ thuế. “Cục Thuế căn cứ vào khối lượng hoàn thành để làm căn cứ tính thuế trong khi doanh nghiệp bị nợ khối lượng thanh toán. Có doanh nghiệp nhận thông báo phạt thuế hàng trăm triệu đồng. Chúng tôi đề nghị khi thực hiện các dự án có nguồn vốn nhà nước thì việc nộp thuế phải căn cứ trên khối lượng thực thanh toán”, đại diện Hiệp hội nói. Đó là chưa kể cùng một nghĩa vụ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, có địa phương yêu cầu căn cứ vào địa điểm nơi doanh nghiệp thực hiện dự án, có địa phương lại căn cứ vào địa điểm đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là lý do khiến cho Công ty kinh doanh bất động sản của Tập đoàn Than - Khoáng sản vẫn chưa làm được thủ tục quyết toán thuế năm 2009…

Ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, mọi việc sẽ thuận chiều hơn, nếu doanh nghiệp nhìn nhận việc xem xét cải thiện thủ tục hành chính dựa trên lợi ích của xã hội, của cả cộng đồng chứ không chỉ vì lợi ích nhóm. Cộng đồng doanh nghiệp cần có trách nhiệm lên tiếng, phát hiện và đề xuất thay đổi, bởi nó thiết thân đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

(Theo Quốc Việt // Báo Doanh nhân)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Tranh chấp hợp đồng giữa công ty Việt Hàn và K.P.I: Bỏ cuộc vì bị xử ép!
  • Việc tố cáo trạm thu phí Xa lộ Hà Nội: Giải thích chưa thỏa đáng
  • Doanh nghiệp nào phải bỏ hơn 100 tỷ đồng mua vỏ bình ga?
  • Bồi thường “lãi mất hưởng”
  • “Bẫy” thầu giá rẻ: Không thể đổ lỗi do cơ chế
  • Thống nhất phương án chia tiền đền bù của Vedan cho nông dân TPHCM
  • Để di dời doanh nghiệp gây ô nhiễm, cần “thắt chặt” chế tài
  • Dự luật Phòng, chống mua bán người: Thiếu khả thi?
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%