Cán bộ kiểm định lấy mẫu nước thải củamột cơ sở sản xuất công nghiệpđể hoá nghiệm. |
Nội thành TP Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn 141 cơ sở gây ô nhiễm chưa thực hiện di dời. 88 cơ sở trong số này đã ngưng sản xuất hoặc được cho phép xử lý tại chỗ, 34 cơ sở đang triển khai di dời. Tuy nhiên, vẫn còn 19 cơ sở gây ô nhiễm (trong số này có sáu doanh nghiệp lớn do Trung ương quản lý) nằm trong diện di dời nhưng vẫn chưa xác định được thời gian, tiến độ di dời...
Chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác
Ngày 20-7, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh đã họp với 24 quận, huyện về việc lập danh sách và di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm. Theo đó, việc xác định doanh nghiệp gây ô nhiễm khác với đợt 1 (trước năm 2007) chỉ căn cứ vào ngành nghề và hiện trạng gây ô nhiễm của doanh nghiệp. Lần rà soát này còn căn cứ vào sức chịu tải của môi trường tại từng khu vực cụ thể.
Vì thiếu đất, không ít doanh nghiệp chọn vào các cụm công nghiệp tự phát như là nơi trú chân mới mà ít bị các cơ quan “dòm ngó”. Theo Sở Thương mại TP Hồ Chí Minh, 12 cụm công nghiệp như vậy đang hoạt động mà không có hệ thống xử lý chất thải. Trong số đó, huyện Củ Chi chiếm đến bốn cụm. Cụm công nghiệp Phú Mỹ (quận 7), hiện có 23 doanh nghiệp chuyên về sửa chữa tàu, kho cảng và dịch vụ cảng; cụm công nghiệp Bình Đăng (quận 8) rộng 28 ha hiện có 57 doanh nghiệp đang hoạt động trong điều kiện hạ tầng chưa có và cũng chưa có ban quản lý khu công nghiệp… Cụm công nghiệp Trần Đại Nghĩa (xã Lê Minh Xuân) và cụm công nghiệp Tân Túc (thị trấn Tân Túc) đều không có hệ thống xử lý nước thải. Tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi cho các cơ sở di dời từ nội thành ra cũng không có BQL. Tương tự, cụm công nghiệp Hiệp Bình Phước (Thủ Đức), nơi tập trung các doanh nghiệp kẹo, dệt , cơ khí hạ tầng vẫn chưa có gì…
Như vậy, việc xử lý vẫn chưa dứt điểm, ô nhiễm chỉ được dời từ địa điểm này qua địa điểm khác.
Doanh nghiệp than khó
Môi trường sống tại nhiều quận, huyện bị nhiễm bụi, ồn, xả thải của các cơ sở công nghiệp. Nhưng hàng loạt các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời ở các quận trọng điểm về môi trường như quận 8, Bình Thạnh, Thủ Đức… vẫn xin khất lần với điệp khúc thiếu cơ chế cho di dời. Các “ông lớn” như Công ty CP Dệt may Gia Định - Phong Phú và Công ty Dệt Sài Gòn than rằng, nguồn vốn di dời khá lớn. Việc thay đổi các quy định của Nhà nước đã làm cho cơ sở khó định hướng trong chiến lược kinh doanh: khi thì di dời trước cổ phần hóa sau, khi lại cổ phần hóa xong rồi mới di dời. Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn cũng than: “Đã khảo sát địa điểm để di dời, đã cam kết về môi trường, nhưng khi tổ chức lấy ý kiến thì nhân dân lại không đồng tình…”. Đối với Công ty TNHH cơ khí Ngôi sao (quận 8) thì lý do chậm di dời có đặc biệt hơn: “Chúng tôi cũng muốn di dời nhưng đi tới đâu để lựa địa điểm xây xưởng, khi lấy ý kiến dân địa phương cũng bị xua đuổi, thậm chí nhân viên khảo sát còn bị hành hung. Với đất trong khu công nghiệp thì khó thuê được do giá đắt, cơ sở không kham nổi”.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện tại giá thuê đất khu công nghiệp đã tăng 30% - 50% và hầu hết đã hết chỗ.
Chủ trương di dời các doanh nghiệp ô nhiễm ra ngoài nội thành đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2003 trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 74/2005/QĐ-TTg ngày 6-4-2005 về sử dụng tiền chuyển quyền sử dụng đất, tiền bán nhà xưởng và các công trình khác khi doanh nghiệp phải di dời trụ sở, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy hoạch.
Ông Lâm Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cho thuê tài chính Nam Đô, đường Hai Bà Trưng (quận 1) - đơn vị từng đứng ra mua những công ty không có khả năng di dời, sau đó tiến hành di dời và bán lại qua tay, cho biết: “Thay vì làm dàn trải, việc quan tâm hỗ trợ của Nhà nước nên có bậc thang rõ ràng vì quy mô các công ty khác nhau. Cơ chế bán đấu giá tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất với các cơ sở phải di dời là chưa khả thi. Không có doanh nghiệp nào muốn mang đất có giá trị sinh lời cao tại nội thành để bán đấu giá…”. Ông Dũng tiết lộ thêm, nhiều doanh nghiệp đăng ký bổ sung ngành nghề hoặc liên doanh (với những đơn vị như ông Dũng) chuyển mục đích sử dụng đất để “ôm” khư khư quyền lợi về đất. Tuy nhiên, việc này về cơ bản sẽ kích thích doanh nghiệp di dời sớm.
Theo ông Dũng, cần “nới” thêm trong cơ chế để doanh nghiệp “dễ thở”, có điều kiện di dời. Nhưng đồng thời cũng phải “thắt” lại các chế tài. Khi doanh nghiệp không di dời thì đình chỉ sản xuất ngay mà không cần có quyết định xử phạt hành chính trước đó. Có vậy việc di dời mới thành, tránh tình trạng “cù cưa” như hiện nay. Theo quyết định 09/2007, các cơ sở di dời được bán tài sản trên đất, chuyển quyền sử dụng đất thì được hưởng 50% số tiền chuyển nhượng nếu là doanh nghiệp Nhà nước. Trong khi đó các tổ chức kinh tế khác được hỗ trợ 30%, mức cao nhất là 5 tỷ đồng là chưa thỏa đáng. Vì, di dời một nhà máy cỡ lớn như hàng loạt các doanh nghiệp Nhà nước tại TP Hồ Chí Minh cần ít nhất hàng chục tỷ đồng.
(Theo Hoàng Liên Sơn // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com