VN hiện có 36 tàu container chủ yếu thuộc TCty hàng hải VN và chỉ mới đáp ứng được 20% nhu cầu của các nhà XNK |
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xung quanh việc giải quyết tình trạng các hãng tàu biển đang thu nhiều loại phụ phí gây khó khăn cho DN. Sau khi nhiều DN Việt “kêu cứu” khi có ít nhất 10 khoản phụ phí vô lý mà các DN Việt phải "ngậm ngùi" trả cho các chủ tàu nước ngoài trong thời gian dài.
Theo Bộ GTVT, để tránh tình trạng trên, Nhà nước cần phải có chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển đội tàu trong nước, phát triển đội tàu container, tàu có trọng tải lớn chạy tuyến quốc tế, tuyến xa để chiếm lĩnh thị phần vận tải, giảm phụ thuộc vận chuyển hàng hóa vào các hãng tàu nước ngoài. Nghiên cứu nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối với cảng, tránh tình trạng các hãng tàu lợi dụng sự yếu kém về cơ sở hạ tầng để thu thêm một số loại phí.
Bị ép trên sân nhà
Trước đó Bộ GTVT đã gửi Thủ tướng báo cáo kết quả kiểm tra việc chủ tàu nước ngoài áp phí vô lý với DN VN. Báo cáo này đưa ra sau hơn một tháng, các đơn vị chức năng vào cuộc để kiểm tra trước kiến nghị của DN tại hai cảng TP HCM và Hải Phòng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, thời gian qua, do bị động về phương tiện vận chuyển, nhiều DN VN đang chấp nhận bị chủ tàu nước ngoài áp thêm ít nhất 10 khoản phụ phí bên cạnh cước vận tải, gồm phí dịch vụ container, phí cân đối container, phí tắc nghẽn cảng, phí vệ sinh, phí sửa chữa vỏ container và phí làm lạnh, phí thủ tục, hóa đơn, kho bãi, cầu đường... Với các khoản phụ phí thu thêm này, chủ tàu đã kiếm được một khoản lợi khá lớn, lên tới hàng nghìn USD cho mỗi chuyến hàng.
Chưa hết, nhiều chủ tàu có đại lý ủy quyền tại VN, lại "đẻ" ra khoản phụ phí con khác để tranh thủ kiếm lời, khiến cho các DN Việt chịu thiệt hại rất lớn. Đây cũng là một trong số nguyên nhân khiến các mặt hàng nhập khẩu về thị trường VN bị đội thêm giá thành, chi phí, khiến giá bán ra bị tăng lên.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, các loại phụ phí do chủ tàu nước ngoài thu thêm thời gian qua thực chất là giá cước và được thỏa thuận trong hợp đồng giữa người thuê và người vận chuyển. Trong khi đó, các DN Việt chủ yếu nhập khẩu hàng hóa theo hình thức mua CIP bán FOB, không chủ động được quyền thuê phương tiện nên bị áp đặt một cách bị động, không được quyền lựa chọn hãng tàu. DN Việt thường bị ép khi phải qua trung gian và trả thêm cho người thuê tàu một khoản phụ phí quá lớn.
Theo ông Trần Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội chủ hàng VN, tình trạng lạm thu phí này đã phổ biến từ nhiều năm và xuất hiện theo mùa vụ cao điểm, tại thời điểm các cảng bị quá tải hay hàng hóa ách tắc nhiều.
Vì thiếu... đồng đội
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc DN bị ép thêm phí mà vẫn chấp nhận trả là do các phương tiện vận tải trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.
VN hiện có 36 tàu container chủ yếu thuộc TCty hàng hải VN và đáp ứng được 20% nhu cầu. Vì vậy, vào những đợt cao điểm, nhu cầu vận chuyển cao, trong nước không đáp ứng được nên chủ tàu nước ngoài càng có cớ để bắt chẹt DN Việt.
Hơn nữa, sự lép vế của chủ hàng VN khiến các hãng tàu hạ giá cước để giành hàng từ bên ngoài vào VN và khi lỗ lại tính bù lại từ phía chủ hàng VN, vì dễ áp đặt hơn các chủ hàng nước ngoài. Ngoài ra, việc thả lỏng cho chủ tàu nước ngoài tự do thu phí mà không có một cơ chế quản lý, giám sát từ phía Nhà nước khiến các chủ hàng VN càng yếu thế, đơn lẻ hơn.
Cũng cần phải nhìn nhận lại một phần lỗi chính từ DN xuất nhập khẩu trong nước. Như VN xuất khẩu gạo số một thế giới, nhưng Hiệp hội lương thực, các nhà xuất khẩu gạo cũng chưa chịu đầu tư một cảng gạo riêng như Thái Lan đã làm. Với các nhà xuất khẩu khác cũng trong tình trạng tương tự, khi không chịu thay đổi sang hình thức mua FOB bán CIF để tránh bất lợi cho chính mình.
Đặc biệt, mối liên kết giữa các chủ hàng VN với nhau và các cơ quan chức năng vẫn đang rất lỏng lẻo, dù đã có cơ quan đại diện chính thức là Hiệp hội chủ hàng VN (mới có 52 DN thành viên).
Chính vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng giao TCty Hàng hải VN chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, đội tàu container trình Thủ tướng xem xét. Giao Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, Hiệp hội chủ hàng chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan hiệp thương giá với các chủ tàu để tiến tới một thị trường giá cước và các loại phí vận tải đường biển minh bạch. Giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế chính sách để điều chỉnh, bổ sung quy định pháp luật về giá, phí, xây dựng thêm các văn bản để quản lý được thị trường phí và phụ phí. Giao Bộ Công Thương xem xét đánh giá các vấn đề cạnh tranh đối với hành vi thu phụ phí của các hãng tàu nước ngoài đối với hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu vào VN.
Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển đội tàu trong nước, nâng cao cơ sở hạ tầng để tránh việc đối tác nước ngoài vin vào cớ này để bắt chẹt DN Việt và thu phí vô lý.
(Theo Khánh Ly // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com