Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Bức bối hàng gian, hàng giả

Hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng gian, hàng giả ngày càng tinh vi, phức tạp. Ảnh: Thúy Hà

Trong những ngày vừa qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và thu giữ một lượng lớn hàng giấu nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái nhãn hiệu. Theo nhận định của cơ quan quản lý, tình hình này tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và việc kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Càng kiểm tra, càng phát hiện vi phạm

Mới nhất là vụ kiểm tra của đội Quản lý thị trường (QLTT) huyện Bình Chánh tại số G15/1 ấp 7, xã Lê Minh Xuân. Đội kiểm tra đã phát hiện tại đây đang san chiết, đóng gói một dung dịch màu xanh vào bao bì “Comfort một lần xả hương gió xuân thơm lâu”, trên bao bì có ghi “Sản phẩm của Công ty liên doanh Unilever Việt Nam, lô A2-3, KCN Tây Bắc Củ Chi, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TPHCM”. Chủ cơ sở san chiết bỏ trốn trong lúc kiểm tra. Đội tạm giữ 23.200 gói hàng giả mạo hiệu Comfort loại 24 ml cùng số lượng lớn bao bì của nhiều nhãn hàng khác như thùng giấy carton có in chữ “X-Men”, Comfort, băng keo in logo Unilever, ICP... và 125 kg nguyên liệu (nhiều loại không rõ nguồn gốc, nhãn hiệu).

Theo báo cáo của Chi cục QLTT TPHCM, trong 3 tháng đầu năm, đơn vị này đã phát hiện 997 vụ vi phạm trong tổng số 1.016 vụ kiểm tra chuyên ngành, số vụ vi phạm tăng gần 250 vụ so với cùng kỳ năm 2009. Các hành vi vi phạm phổ biến là hàng nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ, thời gian sử dụng, hàng giả, hàng nhái... trong đó, có hơn 100 vụ giả nhãn hiệu hàng hóa, không đảm bảo chất lượng. Các đơn vị chức năng cũng đã tịch thu hàng ngàn đơn vị hàng hóa ở nhiều mặt hàng như bình ga giả các thương hiệu lớn, dây nịt nhái hiệu Chanel, Gucci, Louis Vuiton; đồng hồ đeo tay; giầy dép các hiệu, mực in, mỹ phẩm, nón bảo hiểm, ổ khóa, quần áo, thực phẩm đóng gói...

Ông Lê Xuân Đài, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM khẳng định: “Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm có giá trị lớn, không chỉ là hàng nhập lậu mà có cả hàng đã hết hạn sử dụng được người kinh doanh sửa đổi hạn; giấu xuất xứ thật để đánh lừa người tiêu dùng. Đáng lo ngại nhất là việc giả mạo các mặt hàng thực phẩm đang gia tăng. Hành vi này vô cùng nguy hiểm vì thực phẩm là mặt hàng liên quan trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng. QLTT trong quý 1 đã thu giữ hơn gần 28 tấn thực phẩm đóng gói vi phạm chất lượng; hơn 1 tấn vi phạm nhãn hiệu”.

Cũng theo đại diện QLTT, ở một số mặt hàng, việ sản xuất kinh doanh đang “loạn”. Ông Đài lấy ví dụ mặt hàng nón bảo hiểm đang có hai điều đáng báo động. Một là, nhiều cơ sở sản xuất mua vật liệu, phụ tùng, decal để lắp ráp mũ bảo hiểm giả, nhái các nhãn hiệu của các công ty có sản phẩm mũ hợp quy và bán tràn lan trên thị trường với giá rất rẻ, chỉ từ 25.000-35.000 đồng/cái. Hai là chế ra nhiều loại mũ bảo hiểm với nhiều cái tên mới, kiểu dáng, chất liệu mới để thu hút người tiêu dùng hki chưa được cơ quan chức năng kiểm định, cấp phép. “Mới đây nhất là vụ mũ bảo hiểm bơm hơi, chỉ có thể sử dụng cho người đi xe đạp đã được cơ sở sản xuất công bố, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng là có thể sử dụng cho người đi mô tô-xe máy” - ông Đài nói.

Cần hợp lực từ nhiều phía

Ghi nhận thực tế thị trường cho thấy, hàng gian, hàng giả, hàng giấu xuất xứ bằng nhiều phương thức, cả công khai lẫn lén lút vẫn được lưu thông trên thị trường.

Tại nhiều trục đường, khu vực trên địa bàn thành phố, loại mũ bảo hiểm chất lượng kém với giá bán từ 30.000-50.000 đồng/cái được bày bán tràn lan. Những sản phẩm này cũng được dán nhãn CR (tem kiểm định chất lượng) nhưng theo các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm đã được chứng nhận đạt chuẩn, đây là tem được làm giả tinh vi và có thể mua dễ dàng tại các chợ Bình Tây (quận 6), Kim Biên (quận 5), Nhật Tảo (quận 10)... Bà Lương Thị Mỹ Tiên, đại diện Công ty Chí Thành Việt Nam, đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm, cho biết: “Loại mũ này chỉ có hai lớp, gáo nhựa và lớp lót do các cơ sở sản xuất hộ gia đình mua nguyên vật liệu bán sẵn tại các chợ về lắp ráp rồi cung cấp cho các cửa hàng với giá sỉ chỉ từ 15.000-20.000 đồng/cái”.

Tại nhiều chợ, nhiều loại rau, củ, quả do Trung Quốc sản xuất như hành, tỏi, cà rốt, cam, nho, táo... lại được người bán hàng khẳng định là hành Bắc, cà rốt Hà Nội hoặc dán nhãn táo Nhật, nho Mỹ, cam Úc... Một chủ sạp trái cây tại chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) thừa nhận: "Chỉ người bán mới biết thực sự hàng xuất xứ từ đâu. Vì lợi nhuận, vì tâm lý muốn bán được hàng trong khi người tiêu dùng đang sợ hàng Trung Quốc nên cũng có vài người bán nói quýt Trung Quốc thành quýt Thái, táo Trung Quốc thành táo Việt Nam"!

Kết quả là người tiêu dùng "lãnh đủ" vì không phải ai cũng đủ thông tin để tránh mua phải hàng giả, hàng dấu xuất xứ khi "công nghệ làm hàng" ngày càng tinh vi. Tuy nhiên, như nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhận định, nhiều người tiêu dùng đang trở thành người tiếp tay cho các hành vi này vì tâm lý ham rẻ, chủ quan. Chị Hải Châu (ngụ quận Tân Bình, nhân viên văn phòng) lý giải: “Với đồng lương của tôi thì không thể mua nổi một chiếc túi Gucci chính hãng. Trong khi đó thì hàng nhái Gucci bán tràn lan, giá chỉ vài trăm ngàn đồng mà cũng khá sắc sảo nên tôi dùng”. Tương tự, loại cà rốt Trung Quốc có màu đỏ tươi, nhẵn nhụi hay các loại hành, tỏi tép to cũng được các hàng ăn hay nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì giá rẻ hơn hẳn cà rốt Đà Lạt hay tỏi Lý Sơn và dễ sơ chế.

Nghiêm trọng hơn. cả những mặt hàng dù đã bị các cơ quan y tế cảnh báo về tính độc hại của nó như kẹo phát sáng có chất gây ung thư, hàng xi mạ, xí muội do Trung Quốc sản xuất nhiễm chì... vẫn được không ít người tiêu dùng mua bán vô tư, phớt lờ cảnh báo. “Vì vậy, việc phòng chống hàng gian hàng giả, hàng kém chất lượng, ngoài việc tăng cường kiểm soát, xử phạt của cơ quan quản lý; ý thức của người sản xuất kinh doanh còn cần ý thức tự bảo vệ mình của người tiêu dùng” - ông Đài của QLTT nói.

(Theo Minh Tâm // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Nhà siêu mỏng, dự án treo... và hệ lụy tầm nhìn
  • Chưa được phép đã phá rừng làm đường
  • Tái chế dầu nhớt thải: Công nghệ hủy diệt môi trường
  • Chờ giấy hồng, nhiều giao dịch án binh bất động
  • CCTTHC trong lĩnh vực giao thông vận tải: Tiết kiệm 75 tỷ đồng/năm
  • "Chơi vơi" trong thi hành án đối với tài sản là bất động sản
  • Phòng cháy chữa cháy tại các chung cư: Quản lý lỏng lẻo
  • Hậu vụ cháy chung cư JSC: Nhà sản xuất hệ thống thu rác phải dừng bán sản phẩm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%