Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cho thuê lao động nằm ngoài vòng pháp luật

Nghịch lý khi nhiều người thất nghiệp tìm việc còn doanh nghiệp lại thiếu lao động.

Hoạt động cho thuê lao động hiện nay đang khá sôi động, nhưng dường như vẫn nằm ngoài sự điều chỉnh của pháp luật. Những “chiêu thức” lách luật của một số doanh nghiệp có chức năng cho thuê lao động đang gây nhiều thiệt thòi cho người lao động, làm ảnh hưởng chất lượng lao động cũng như gây thiệt hại cho doanh nghiệp thuê lại lao động.

Cung - cầu là có thật

Nhu cầu sử dụng lao động (nhất là lao động thời vụ) hiện đang khá cao trong các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp tư nhân. Để chuẩn bị cho mùa Trung thu 2010, một doanh nghiệp sản xuất bánh mứt kẹo thay vì đăng thông báo tuyển nhân viên bán hàng thời vụ đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp dịch vụ việc làm để có được 50 nhân viên bán hàng trên địa bàn Hà Nội. Cũng để đáp ứng nhu cầu về lao động, tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) hiện có rất nhiều doanh nghiệp phải tìm tới dịch vụ này để thuê nhân lực.

Dù chưa có một điều tra hay khảo sát chính thức nào, song có thể thấy hiện có rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê lao động. Anh Vũ Đình Chiến, Giám đốc một doanh nghiệp đã từng có nhu cầu về dịch vụ này cho biết, hiện hầu hết các công ty dịch vụ việc làm được thành lập với hoạt động chính là cho thuê nhân lực. Thực tế chứng minh, nếu các công ty chỉ có chức năng giới thiệu việc làm cho các cá nhân thì không mang lại nhiều lợi nhuận. Cho thuê nhân lực mới là hoạt động tạo nguồn thu lớn hơn cho các công ty này.

Tại nhiều khu công nghiệp nằm tập trung ở các quận, huyện ngoại thành Hà Nội, các mẩu quảng cáo về những công ty cho thuê lao động được dán khắp nơi. Thí dụ: Công ty nhân lực quốc gia DAHASHI có dịch vụ cung cấp, quản lý và cho thuê lao động phổ thông, lao động kỹ thuật các ngành nghề theo hợp đồng đồng ngắn hạn và dài hạn…

Ông Trịnh Đình Long, Tổng giám đốc Công ty Giải pháp phát triển doanh nghiệp AMICA, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn chiến lược nhân sự, cho biết, dịch vụ cho thuê lao động xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2001. Công ty dịch vụ thực hiện trách nhiệm tuyển dụng, đào tạo lao động, ký kết hợp đồng và thực hiện các trách nhiệm như chủ sử dụng lao động và cho các chủ sử dụng thuê lại. Theo ông Long, với sự phát triển của thị trường lao động thì loại hình dịch vụ này rất tiện ích, nó giúp doanh nghiệp sử dụng lao động giảm nhẹ được phần cơ cấu lao động không thuộc cơ hữu, chủ đạo của doanh nghiệp. Ngoài ra, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng chủ động được nguồn lao động trong thời gian ngắn.

Ở những tỉnh, thành phố có thị trường lao động phát triển như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… dịch vụ này đang rất phát triển.

Vẫn ngoài vòng pháp luật

Nhìn từ góc độ cơ quan quản lý, ông Đặng Đức San, Vụ trưởng Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa nhận, tới thời điểm hiện tại, pháp luật vẫn chưa có các quy định cụ thể về loại hình dịch vụ cho thuê lao động. Vì thế, với tốc độ phát triển nhanh, nó đang góp phần làm méo mó thị trường lao động, gây thiệt hại về quyền lợi cho người lao động. Cũng chính vì lẽ đó mà người lao động khó có thể được bảo vệ khi quyền lợi, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Để kiếm được việc làm, không ít người lao động không cần biết hoặc chẳng quan tâm tới thỏa thuận giữa công ty dịch vụ và chủ sử dụng về mức lương, điều kiện làm việc của mình mà chỉ thỏa mãn với các thỏa thuận giữa họ với công ty làm dịch vụ. Đây là kẽ hở khiến người lao động bị ép do chưa đủ năng lực đàm phán, thỏa thuận với các bên.

Không ít doanh nghiệp hiện nay chỉ ký hợp đồng với đội ngũ lao động nòng cốt, còn lại là đi thuê từ các công ty dịch vụ cung ứng nhân lực. Làm như vậy, công ty tránh được các trách nhiệm phải thực hiện với người lao động được quy định tại Luật Lao động, như tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... Phần trách nhiệm đó đã được “bàn giao” cho phía công ty dịch vụ. Tuy nhiên, các công ty dịch vụ không dại gì thực hiện nghĩa vụ đó mà chỉ thực hiện trả lương theo kiểu khoán cho người lao động. Họ lảng tránh bất cứ một ràng buộc về quyền lợi nào đối với người lao động.

Để kiếm tiền trên công sức của người lao động, có những doanh nghiệp dịch vụ ký với chủ sử dụng một mức lương nhưng lại trả cho người lao động một mức lương khác và đứng giữa “ăn” khoản chênh lệch. Nhiều người trở thành người làm công cho các đơn vị “cò” lao động như vậy.

Sự “lũng đoạn” của một số công ty cho thuê lao động cũng là mối lo ngại hiện nay. Một chuyên gia trong lĩnh vực lao động khi bàn về vấn đề này đã cho rằng, việc cho thuê lao động nếu thiếu kiểm soát cũng sẽ khiến tình trạng khan hiếm lao động “ảo” xảy ra. Hiện tại, nhiều công ty cho thuê lao động đã, đang tham gia kích thích lao động “nhảy” việc nhiều để làm mất đi sự ổn định nhân sự của các doanh nghiệp. Bởi thế nên có nghịch lý là, lao động trên thị trường không thiếu, số người lao động thất nghiệp đông nhưng các doanh nghiệp sản xuất vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang rà soát hoạt động cho thuê lao động tại năm địa phương có thị trường lao động sôi động nhất cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Cần Thơ. Trên cơ sở rà soát, cơ quan quản lý sẽ đưa ra các quy định nhằm kiểm soát loại hình dịch vụ cho thuê lao động.

Hướng quản lý của cơ quan chức năng có thể là đưa ra các quy định chỉ cho phép một số ngành, lĩnh vực được áp dụng loại hình dịch vụ cho thuê lao động dưới dạng hợp đồng thời vụ, ngắn hạn. Các doanh nghiệp dịch vụ cũng phải đáp ứng các điều kiện cụ thể nếu muốn đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này.

(Theo MAI TÂM HIẾU // Nhandan Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Cần nghiêm trị việc xâm lấn đất rừng, chặt phá cao su ở Vũ Quang (Hà Tĩnh)
  • Một hướng dẫn... lãng mạn!
  • Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái
  • Nên cải tiến cách thức công khai thủ tục hành chính
  • Thời điểm chuyển giao rủi ro
  • Tỷ giá tính thuế theo quy định nào?
  • DN có vốn đầu tư nước ngoài: Cảnh giác khi thuê đại lý thủ tục hải quan
  • Rắc rối... khấu trừ
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%