Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Một hướng dẫn... lãng mạn!

Minh họa: Khều.

Thông tư số 14/2010/TT-BKH ngày 4-6-2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ra thời hạn bảy ngày cho các trình tự và thủ tục đăng ký giải thể doanh nghiệp.

Cụ thể, điều 26 của thông tư quy định, trong vòng bảy ngày sau khi doanh nghiệp đã hoàn tất việc giải thể và thanh toán hết các khoản nợ, phải nộp hồ sơ giải thể đến phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Trong vòng hai ngày sau đó, phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp cho cơ quan thuế và cơ quan công an cấp tỉnh, và ra thông báo về việc doanh nghiệp đã giải thể.

Các chủ doanh nghiệp và chuyên gia tư vấn đã từng trực tiếp thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp cho rằng, quy định nêu trên của Thông tư 14 là một hướng dẫn... đầy lãng mạn, thậm chí có thể xếp vào mục “khoa học viễn tưởng” trong nền hành chính ở nước ta hiện nay. Bởi lẽ, trên thực tế, hướng dẫn nêu trên khó có thể trở thành hiện thực.

Trước hết, hồ sơ giải thể doanh nghiệp quy định tại khoản 5 điều 158 của Luật Doanh nghiệp bao gồm: Quyết định giải thể hoặc quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc quyết định của tòa án tuyên bố giải thể doanh nghiệp; Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội; Danh sách người lao động hiện có và quyền lợi người lao động đã được giải quyết; Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư; Con dấu, giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế của doanh nghiệp; Số hóa đơn giá trị gia tăng chưa sử dụng; Báo cáo tóm tắt về việc thực hiện thủ tục giải thể và các cam kết của doanh nghiệp.

Những hồ sơ nêu trên mới chỉ chứng minh rằng, chủ doanh nghiệp đã hoàn thành các thủ tục cần thiết để giải thể doanh nghiệp. Việc giải thể doanh nghiệp chỉ được coi là kết thúc khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã nhận được thông báo về việc doanh nghiệp đã được giải thể và tên doanh nghiệp đã được xóa trong sổ đăng ký kinh doanh. Song, để cơ quan đăng ký kinh doanh ra thông báo giải thể doanh nghiệp và xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh trong thời hạn bảy ngày làm việc thì những thủ tục trên chưa thực sự đầy đủ. Cơ quan đăng ký kinh doanh còn cần những bằng chứng chứng minh rằng, các thủ tục đã có là đúng.

Thứ hai, để chứng minh rằng, các thủ tục do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp giải thể nộp là đúng, không chỉ căn cứ vào cam kết của chủ doanh nghiệp mà nhiều nội dung phải có xác nhận của các cơ quan có liên quan, trong đó quan trọng hơn cả là cơ quan thuế và cơ quan công an. Mặc dù, thông tư có quy định “Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp cho cơ quan thuế, cơ quan công an cấp tỉnh trong thời hạn hai ngày làm việc...” và “ra thông báo về việc doanh nghiệp đã giải thể và xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh nếu cơ quan thuế và cơ quan công an không có yêu cầu khác” nhưng khi cơ quan thuế và cơ quan công an im lặng thì phòng đăng ký kinh doanh cũng không dám ra thông báo vì sẽ bị “liên đới trách nhiệm” nếu có gian lận về thuế hoặc hành vi vi phạm pháp luật khác trong hồ sơ giải thể doanh nghiệp. Trong khi đó, việc cơ quan thuế có ý kiến “trong thời hạn bảy ngày làm việc” kể từ ngày nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp chỉ là một... ước mơ xa ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, chính vì những lý do nêu trên, việc giải thể doanh nghiệp trong thực tế hiện nay đã và đang thực hiện theo một quy trình hoàn toàn khác với những quy định của Thông tư số 14. Hồ sơ giải thể doanh nghiệp, ngoài những quy định đã nêu còn phải có:

- Xác nhận của cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc doanh nghiệp không còn nợ thuế;

- Quyết toán hóa đơn giá trị gia tăng;

- Xác nhận của cơ quan hải quan về việc doanh nghiệp không nợ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu (kể cả trong trường hợp doanh nghiệp không có bất kỳ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu nào cho đến khi giải thể);

- Thông báo của các ngân hàng có liên quan về việc đã đóng tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng;

- Biên bản hủy con dấu.

Với những “hồ sơ bổ sung” nêu trên, phòng đăng ký kinh doanh không cần gửi hồ sơ cho cơ quan thuế và cơ quan công an vẫn có thể yên tâm “thông báo giải thể doanh nghiệp” và “xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh” trong thời hạn bảy ngày làm việc. Song, để có những hồ sơ bổ sung ấy, chủ doanh nghiệp xin giải thể lại phải vượt qua những “cửa ải” vô cùng khó khăn với thời gian không ngắn, trong đó, “cửa ải” gian nan nhất vẫn là cơ quan thuế.

Doanh nghiệp phải gửi quyết định giải thể tới cơ quan thuế kèm theo công văn “tha thiết đề nghị giúp đỡ” trong việc kiểm tra, xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và quyết toán hóa đơn để được giải thể. Mặc dù vậy, việc kiểm tra thuế đối với doanh nghiệp giải thể “không nằm trong kế hoạch” và với hàng ngàn lý do khác, việc kiểm tra thuế để doanh nghiệp được giải thể không thể nhanh chóng. Thông thường, từ khi gửi công văn đề nghị đến khi “được kiểm tra thuế”, doanh nghiệp phải chờ đợi ít nhất là hai tháng. Với những doanh nghiệp có các chi nhánh ở các địa phương khác và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thời gian chờ đợi nói trên còn dài hơn nhiều lần.

Giải thể doanh nghiệp là điều không mong muốn của các chủ doanh nghiệp và xảy ra do nhiều nguyên nhân, phần lớn là những nguyên nhân chính đáng. Song, không loại trừ một số trường hợp giải thể doanh nghiệp để trốn nợ thuế, nợ lương người lao động và xóa dấu vết những thương vụ vi phạm pháp luật. Dù vậy, không thể “vơ đũa cả nắm” để “hành” cả những đơn vị muốn rút khỏi thương trường vì lý do chính đáng. Giải thể doanh nghiệp là hành vi không được khuyến khích và ở đời người ta chỉ “phù thịnh mấy ai phù suy”, cho nên tiếng kêu của những người giải thể doanh nghiệp thường bị chìm trong quên lãng!

Chính vì không thể kiên trì theo đuổi, không ít chủ doanh nghiệp đã không tiếp tục làm thủ tục giải thể doanh nghiệp mà lặng lẽ... ngừng hoạt động. Bản thân chủ doanh nghiệp thì đi làm công, ăn lương ở một nơi nào đó. Con dấu của doanh nghiệp thì được... cất vào hòm để làm kỷ niệm. Không biết trong danh sách các “doanh nghiệp bỏ trốn” có bao nhiêu doanh nghiệp loại này?

Rất mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chỉ đạo để Thông tư 14, Nghị định 139 của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc trong thực tế, không còn là những nội dung hướng dẫn đầy... lãng mạn.

(Theo Luật gia Vũ Xuân Tiền // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái
  • Nên cải tiến cách thức công khai thủ tục hành chính
  • Thời điểm chuyển giao rủi ro
  • Tỷ giá tính thuế theo quy định nào?
  • DN có vốn đầu tư nước ngoài: Cảnh giác khi thuê đại lý thủ tục hải quan
  • Rắc rối... khấu trừ
  • Có nên để doanh nghiệp tự in hóa đơn?
  • Nhanh và chậm
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%