Khi người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), điều mà họ mong đợi chính là có thể thụ hưởng quyền lợi chính đáng của mình. Tuy nhiên, trên thực tế thời gian qua, nhiều “thượng đế” đã không được hưởng quyền lợi đó chỉ vì sự bất cập trong ngôn từ văn bản chính sách, vì sự bàn bạc chưa đến hồi kết để tìm ra đâu là “cơ quan có thẩm quyền” của các cơ quan quản lý nhà nước.
![]() |
Lại thêm một thứ giấy : gây phiền hà cho dân
Đó chính là kết luận trong công văn số 50/KTrVB (ngày 12-4-2010) của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) sau khi kiểm tra tính hợp pháp của Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC ngày 14-8-2009 của liên Bộ Y tế và Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT.
Theo Điều 3 trong Thông tư hướng dẫn thực hiện BHYT của liên tịch Bộ Y tế và Bộ Tài chính (thông tư 09), những người bị TNGT đã xác định được là không vi phạm pháp luật thì mới được BHYT thanh toán. Nếu không, người bệnh phải tự thanh toán chi phí. Tuy nhiên theo lập luận của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) nội dung này không phản ánh đúng tinh thần và nội dung của Luật BHYT.
Theo quy định của Luật này, người tham gia BHYT sẽ chỉ không được hưởng khi người đó có hành vi vi phạm pháp luật chứ không hề phải “được xác định”. Như vậy, nếu không chứng minh được người này vi phạm pháp luật khi bị TNGT thì cơ quan bảo hiểm vẫn phải thanh toán. Trách nhiệm chứng minh này thuộc về cơ quan có thẩm quyền.
Với quy định gắn chặt với yếu tố “chứng minh” kiểu này của Thông tư 09, khiến nhiều người bệnh bó tay vì không biết tìm “cơ quan thẩm quyền” nào vào thời điểm đó để chứng minh trong khi việc họ cần làm là cấp cứu.
Khoản 3 Điều 8 TT 09 a) Trường hợp đã xác định được là không vi phạm pháp luật thì quỹ BHYT thanh toán theo quy định; b) Trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị TNGT tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền thì người bệnh mang chứng từ đến Bảo hiểm xã hội để thanh toán theo quy định. Thủ tục thanh toán và thời hạn thanh toán thực hiện theo quy định tại Điều 19 TT này”. Khoản 12 Điều 23 Luật BHYT: “Các trường hợp không được hưởng BHYT... khi khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra”. |
Mặt khác theo Thông tư 09, để được thanh toán BHYT, người bệnh cần phải có giấy xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, thông tư lại không làm rõ "cơ quan có thẩm quyền" là cơ quan nào, ai là người đưa ra giấy xác nhận này. Cách quy định như vậy dẫn đến sự hiểu nhầm là trách nhiệm này thuộc về "người bệnh", gây phiền hà, bế tắc cho người hưởng BHYT. Cũng theo Bộ Tư pháp, có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan có thẩm quyền xác nhận là Cảnh sát giao thông.
Mới đây, trả lời trên cơ quan báo chí, BS. Tống Thị Song Hương - Vụ trưởng Vụ BHYT- Bộ Y tế cho biết, trước hết phải khẳng định, nội dung hướng dẫn về thanh toán các trường hợp người tham gia BHYT bị TNGT quy định tại Thông tư liên tịch số 09 không trái với tinh thần và nội dung của Luật BHYT. Theo đó, Luật BHYT quy định Quỹ BHYT không thanh toán đối với các trường hợp vi phạm pháp luật và nêu rõ nếu trường hợp đó đã xác định là không vi phạm thì Quỹ BHYT sẽ thanh toán. Điều đó có nghĩa, người bị TNGT muốn được thanh toán BHYT phải có giấy xác nhận không vi phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Theo bà Hương, đây là quy định "mở" để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT. Liên Bộ chỉ quy định về nguyên tắc theo đúng tinh thần của Luật và các văn bản liên quan, không bó buộc và cũng không "tước bỏ quyền lợi" của người tham gia BHYT, nếu chưa thanh toán tại bệnh viện thì thanh toán sau tại cơ quan BHXH.
Cơ sở cấp xác nhận: chưa rõ ràng, bệnh nhân chỉ biết kêu trời
Sau khi thông tư 09 được ban hành, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có thêm hướng dẫn cụ thể để thực hiện thông tư này. Theo đó, cơ quan công an từ cấp huyện trở lên sẽ có thẩm quyền xác nhận cho người bị TNGT có vi phạm hay không. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu người bị tai nạn có đến xin giấy xác nhận thì cảnh sát giao thông cũng không có cơ sở để cấp loại giấy này. Nhiều trường hợp tai nạn xảy ra nhưng cơ quan có thẩm quyền không đến kịp, hiện trường bị xáo trộn, người gây tai nạn trốn, người bị hại không có người làm chứng thì cơ quan có thẩm quyền sẽ không thể kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn. Và cũng thường chỉ những vụ việc rất nặng, ảnh hưởng đến tính mạng thì hiện trường tai nạn mới được giữ nguyên. Còn tất cả những trường hợp ngã sứt chân, gãy xương thì hầu như không ai để hiện trường đợi công an đến. Thêm vào đó, biểu mẫu, văn bản giấy tờ của công an xác nhận đưa đến viện cũng chưa có mẫu thống nhất nên các bệnh viện khó làm, không biết giấy như thế nào là đạt yêu cầu. Như vậy nếu theo thông tư này sẽ có nhiều trường hợp bị TNGT sẽ không được thanh toán bảo hiểm ngay cả khi họ không có lỗi.
Theo ghi nhận của phóng viên NDĐT tại bệnh viện Việt-Đức, rất nhiều bệnh nhân khi bị TNGT đều không có ngay cảnh sát giao thông đến hiện trường, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Anh Trần Xuân Đạt- đang điều trị vết thương tại bệnh viện cho biết, xe ô tô của anh bị lật tại Mường La, Sơn La vào lúc 21.30 phút sau đó được chuyển thẳng từ bệnh viện tỉnh về Việt Đức điều trị. Vào thời điểm tai nạn xảy ra, không có cảnh sát nào xác nhận hiện trường vụ tai nạn và bản thân anh cũng không biết là đã có xác nhận hay chưa nữa. “Nếu cần thì điện là nhà bảo họ làm, chắc là được thôi mà”, anh Đạt nói.
Cũng có bệnh nhân hỏi về những điểm còn bất cập khi nhận BHYT sau TNGT đã tuyên bố thẳng rằng, “Mua bảo hiểm là để được hưởng khi cần chứ mua mà không được hưởng thì làm để làm gì”.
Theo nhân viên của bệnh viện tại nơi thường xuyên tiếp nhận ý kiến thắc mắc của người dân về vấn đề chi trả BHYT cho hay, rất nhiều người họ thắc mắc là tại sao họ không được hưởng quyền lợi theo BHYT. “Người nhà bệnh nhân khai thế nào thì bệnh viện ghi vào bệnh án như thế, và không thể sửa bệnh án. Đối với các vụ TNGT lớn thì cảnh sát giao thông đến ngay nhưng các vụ tai nạn nhỏ lẻ thì phần lớn không có cơ quan nào xác nhận cả. Đối tượng chịu thiệt chính là người bệnh mà thôi nếu các quy định của pháp luật hay chính sách không rõ ràng. Trên thực tế, cũng có nhiều bệnh nhân không biết phải khai như thế nào để được hưởng quyền lợi, nhất là những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa.”, nhân viên này cho biết.
Chưa Bộ nào xác định rõ khái niệm “cơ quan có thẩm quyền”
Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT- Bảo hiểm xã hội Việt Nam, “Hiện nay bản thân các Bộ Y tế và Bộ Công an đều chưa có câu trả lời về việc cơ quan có thẩm quyền theo khoản 3 điều 8 Thông tư 09 là cơ quan nào. Tuy nhiên, mới đây nhất, Bộ Y tế, Bộ Công An và Bộ Tài chính quyết định sẽ cùng ra một thông tư liên tịch quy định cụ thể hơn”.
Thực ra, trước và sau khi Thông tư 09 ra đời, đã có rất nhiều cuộc họp giữa các bên liên quan được tổ chức bàn về thẩm quyền trong các vụ TNGT. Theo cơ quan công an thì chỉ có công an cấp huyện mới có đủ thẩm quyền và họ cũng chỉ có văn bản về hiện trường giao thông chứ không có văn bản theo luật BHYT quy định. Như vậy là tính cho đến thời điểm này thì cũng chưa có bất cứ VBPL nào quy định một cách cụ thể về việc cấp có thẩm quyền nào xác nhận trường hợp có hay không hành vi vi phạm trong các vụ TNGT để cơ quan bảo hiểm căn cứ vào đó chi trả.
“Cơ quan Bảo hiểm xã hội hiện linh hoạt áp dụng trong những trường hợp công an cấp xã có thể lập biên bản hiện trường nhưng vẫn phải chờ công an cấp huyện ...xác nhận chữ ký, con dấu. Rõ ràng quy định trong Thông tư này là bất cập vì vậy các cơ quan liên quan cần xác định rõ thẩm quyền để đảm bảo tốt quyền lợi cho người dân, giúp việc chi trả bảo hiểm đúng người. Ngoài ra cũng cần có cơ chế “thông thoáng”. mang tính đặc thù cho vùng sâu, vùng xa để giúp người dân nơi đây được hưởng quyền lợi của họ khi tham gia BHYT. Điều quan trọng là các bên làm đúng chức trách của mình song không nên vô cảm với người bệnh.”, ông Sơn nói.
Về vấn đề này, luật sư Trịnh Quang Chiến - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, “Không bàn về tính hợp pháp hay phù hợp của Thông tư 09 đối với Luật BHYT nhưng quy định tại khoản 3 điều 8 của Thông tư 09 là không phù hợp với điều kiện ở nước ta hiện nay. Trường hợp người gây tai nạn bỏ trốn, người tự gây tai nạn… thì làm sao có thể xác định có hành vi vi phạm pháp luật về giao thông để cấp giấy chứng nhận không vi phạm hay có vi phạm luật giao thông? Trong thực tế, nhiều vụ án được đưa ra tòa án để yêu cầu bồi thường sau TNGT được xác định là do “lỗi hỗn hợp” nghĩa là cả hai bên đều có lỗi. Lúc đó sẽ xác định nạn nhân bị TNGT được hưởng BHYT như thế nào, hay chỉ được hưởng ½ mức chi trả bảo hiểm do cũng “tham gia” vào quá trình gây tai nạn?”.
Luật sư Chiến cho rằng, dưới góc độ nhân văn, quy định như vậy cũng không phù hợp với tiêu chí, mục đích của chính sách BHYT vì nếu người đó mua bảo hiểm thân thể thì chỉ cần có hồ sơ điều trị (sau khi điều trị tại cơ sở y tế) là được nhận tiền bảo hiểm, không cần có giấy chứng nhận của bất kỳ cơ quan có thẩm quyền nào (kể cả công an), hay như bảo hiểm tài sản đối với phương tiện, nếu bị hư hỏng do va chạm khi lưu hành (trừ lỗi cố ý của chủ tài sản) thì chủ tài sản cũng được trả bảo hiểm ngay. Vậy tại sao liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người mà lại phải chờ có giấy chứng nhận của cơ quan công an mới được bảo hiểm y tế? Ngoài ra, quy định như khoản 3 điều 8 Thông tư 09 cũng có thể dẫn đến những tiêu cực trong việc cấp giấy chứng nhận không vi phạm pháp luật giao thông. Như vậy, quy định này không phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính vì đã quy định thêm một loại giấy tờ nữa cho người dân khi làm thủ tục thanh toán BHYT.
Còn đây là quy trình “cứng” mà cơ quan công an áp dụng: TNGT xảy ra trên địa bàn quận, huyện nào thì do cơ quan CA nơi đó thụ lý giải quyết. Nếu xảy ra án mạng thì do đội điều tra tổng hợp thụ lý, nếu chỉ bị thương thì do đội CSGT thuộc công an quận, huyện đó thụ lý. Để có được giấy chứng nhận không vi phạm phải có hồ sơ thụ lý TNGT của bộ phận chuyên trách thuộc CA cấp huyện.
Vẫn biết rằng các cơ quan quản lý nhà nước sẽ nhanh chóng cùng nhau bắt tay để ra một văn bản chung giải quyết sự bất cập này song thế mới thấy, tuy quyền lợi của người dân luôn được đưa ra hàng đầu trong khi soạn thảo nhưng chính người dân lại luôn phải là đối tượng chờ... văn bản hướng dẫn.
(Theo HƯƠNG NGUYÊN // Nhandan Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com