Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cộng phí dỡ hàng vào trị giá tính thuế hàng NK: DN không đồng tình

Cộng phí xếp dỡ vào trị giá tính thuế hàng NK cần phải được quy định chi tiết và minh bạch

Vừa qua, báo DĐDN đã phản ánh quan điểm của TCHQ trong công tác tính thuế NK. Tuy nhiên, các DN không đồng tình với cách tính này. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của chuyên viên kế toán một DN về vấn đề này.

Câu chuyện mở đầu bằng việc trước đây khi nhà NK trả phí vận tải cho hãng tàu biển vận chuyển hàng bằng container thì phí này bao gồm cả phí bốc dỡ container (THC) nhưng bắt đầu từ năm 2008, các hãng vận tải biển đã tách phí vận tải biển và phí bốc dỡ container tại cảng đến làm hai phần, hãng vận chuyển chỉ thu phần phí vận chuyển còn phần phí THC sẽ do người mua trả cho đơn vị khai thác cảng. Và “mắc mớ” về phí xếp dỡ bắt đầu diễn ra.

Lập luận của Hải quan

Liên quan đến các khoản phải cộng vào trị giá tính thuế hàng NK (TGTTHNK) chính là điểm g khoản 2 mục VII phần II Thông tư 40/2008/TT-BTC ngày 21/05/2008: “chi phí vận chuyển và mọi chi phí khác có liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng NK đến địa điểm nhập khẩu như: chi phí bốc, dỡ, xếp và chuyển hàng,...phải bao gồm trong trị giá tính thuế hàng hóa NK”. Từ trước năm 2008, hải quan tất cả các cửa khẩu và các DN, kể cả những cơ quan kiểm tra việc thi hành thuế NK đều hiểu như sau: Tính chất của thuế NK, TGTTHNK là những chi phí của hàng hóa “tới” cửa khẩu nhập đầu tiên cộng thêm những chi phí khác liên quan trực tiếp đến vận chuyển hàng NK “đến” địa điểm NK. Trong quá trình vận chuyển từ cảng XK đến cảng NK qua cảng trung chuyển có thể có phí bốc dỡ tại cảng trung chuyển và tất nhiên phí bốc dỡ tại cảng trung chuyển này sẽ nằm trong TGTTHNK, còn chi phí bốc dỡ hàng hóa tại cảng đến được thực hiện trên lãnh thổ VN nên không nằm trong TGTTHNK. Bằng chứng cho vấn đề này là trước kia hải quan không cộng phí vào TGTTHNK.

Tuy nhiên, gần đây, Tổng cục Hải quan đã có “cách hiểu mới”: phí bốc dỡ hàng tại cảng đến là một phần của TGTTHNK. Trả lời trên báo chí, ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Phòng Nghiệp vụ của Cục Hải quan TP HCM khẳng định: Trước đây khi hãng tàu thu phí vận chuyển, trong khoản phí này đã tính đến phí bốc dỡ hàng tại cảng đến. Toàn bộ phí vận chuyển này nằm trong trị giá hàng để tính thuế NK và thuế GTGT.

Những năm gần đây, các hãng tàu đã tách khoản chi phí vận chuyển và phí bốc dỡ ra làm hai khoản phí khác nhau. Các hãng tàu chỉ tính cước vận tải từ nước xuất khẩu về đến nước NK và người bán hàng phải trả tiền cước. Phí vận chuyển hàng hóa từ nước xuất khẩu về đến nước NK bao gồm cước vận tải, cước từ tàu bốc dỡ xuống cảng tính luôn cả chi phí lưu kho lưu bãi.

Ví dụ trước đây phí vận chuyển một container hàng hóa về từ Singapore về cảng Cát Lái có mức chi phí trung bình là 1.000 USD, mức phí này bao gồm phí vận chuyển là 920 USD/container và phí bốc dỡ hàng tại cảng là 80 USD/container. Sau khi hãng tàu tách phí thì nhiều DN vẫn cứ khai chi phí gồm cước vận chuyển 920 USD/container mà không cộng phí bốc dỡ hàng tại cảng đến 80 USD/container. Vì vậy TCHQ quy định cộng phí bốc dỡ hàng tại cảng đến vào trị giá tính thuế là hợp lý.

Tương tự, trang web của Hải Quan tỉnh Đồng Nai đã trích dẫn: thuật ngữ FO có nghĩa là Free Out: là chủ tàu được miễn phí dỡ hàng tại cảng đến. Theo thông lệ mua bán quốc tế quy định thì điều kiện CNF là người bán phải chịu các khoản chi phí vận tải và các chi phí khác liên quan, kể cả chi phí bốc hàng lên tàu và dỡ hàng tại cảng đến mà người bán phải trả.

Do đó, nếu trong hợp đồng vận chuyển có thể hiện rõ hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến việc vận chuyển có thể hiện người mua phải thanh toán chi phí bốc, dỡ và chưa được tính trong giá thực tế phải thanh toán thì chi phí này phải được cộng vào trị giá tính thuế theo quy định. Cơ sở pháp lý của hải quan chính là điểm g khoản 2 mục VII phần II Thông tư 40. Nội dung điểm này cũng chính là điểm 2.7 mục VII Phụ lục 1 Thông tư 113/2005/TT-BTC. Như vậy là “nội dung” đã có từ rất lâu nhưng điều gây ngạc nhiên cho DN là hải quan có “cách hiểu mới” khác với trước đây.

Lập luận của DN

Nếu cộng phí dỡ hàng tại cảng đến sẽ vi phạm nghiêm trọng Luật thuế XNK và Nghị định 40/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 (NĐ 40). Căn cứ khoản 2 điều 9 chương II của Luật Thuế XNK số 45/2005/QH11 ngày 14/06/2005 về việc xác định trị giá tính thuế của hàng NK “Giá tính thuế đối với hàng hóa NK là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên theo hợp đồng, phù hợp với cam kết quốc tế”. Mục 1 điều 7 Nghị định 40/2007/NĐ-CP: Phương pháp xác định trị giá tính thuế theo trị giá giao dịch của hàng hoá NK: “Trị giá giao dịch là giá mà người mua thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho hàng hoá được bán để xuất khẩu tới Việt Nam, sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13 Nghị định này”. Điểm đ mục 1 điều 13 Nghị định 40/2007/NĐ-CP quy định các khoản phải cộng để xác định trị giá tính thuế: “đ) Chi phí vận tải, bốc hàng, dỡ hàng, chuyển hàng có liên quan đến việc vận chuyển hàng NK đến cửa khẩu nhập”. Khoản 2 điều 4 NĐ 40/2007/NĐ-CP: “Đối với hàng hoá NK, trị giá tính thuế là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên”. Điều đó chứng minh rằng những khoản mà nhà NK phải trả cho nhà XK và nhà vận chuyển (có cả phí bảo hiểm) để có hàng hóa “đến cửa khẩu nhập” không bao gồm phí dỡ hàng tại cảng đến.

Theo khoản 18 Điều 4 Luật Hải quan đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 có giải thích Lãnh thổ Hải quan bao gồm những khu vực trong lãnh thổ VN, trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của VN, nơi Luật Hải quan được áp dụng. Vì vậy tàu đến cảng là đã “đến cửa khẩu nhập” nên không thể cộng phí dỡ hàng tại cảng đến.

 Mặt khác, phí dỡ hàng tại cảng đến là khoản mà người mua trả cho đơn vị khai thác cảng. Chi phí này sẽ chịu thuế GTGT theo quy định của luật, nếu cộng khoản này thì phí dỡ hàng tại cảng NK phải chịu hai lần thuế GTGT.

Hơn nữa tại thời điểm khai báo cơ quan hải quan, các chi phí phát sinh tại cảng như chi phí dỡ hàng chỉ phát sinh sau khi tờ khai hải quan được thông quan, DN làm thủ tục nhận hàng để mang về thì phải đóng các khoản chi phí này nên khi đăng ký tờ khai DN không thể khai báo khoản chi phí này. Như vậy, việc cộng phí dỡ hàng tại cảng đến vừa mâu thuẫn với các luật hiện hành vừa sai về mặt bản chất kinh tế.

Bên cạnh đó, với giả định là “phí bốc dỡ từ tàu lên bờ cảng” là khoản phải cộng vào TGTTHNK, sẽ có hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Giả sử đơn vị nhập hàng xá về cảng Cát Lái, thuê đơn vị khai thác cảng với “phí bốc dỡ” từ tàu lên bờ cảng 20.000 đ/tấn. Sau đó DN đưa xe của mình đến và thuê đơn vị khai thác cảng bốc dỡ hàng từ trên bờ cảng lên xe của DN với giá 30.000 đ/tấn. Lúc này TGTTHNK chỉ được cộng thêm là 20.000 đ/tấn, với ý nghĩa là tính đến lúc “hàng đã lên bờ cảng”.

Trường hợp 2: Tương tự như trên nhưng lúc này DN thuê đơn vị khai thác cảng với “phí bốc dỡ” trực tiếp từ tàu qua xe của DN (bỏ qua giai đoạn bỏ hàng lên bờ) là 40.000 đ/tấn. Lúc này nếu TGTTHNK được cộng thêm là 40.000 đ/tấn thì DN hoàn toàn không đồng ý vì phí này bao hàm hai khoản: phí bốc dỡ từ tàu lên bờ cảng và từ bờ cảng lên thùng xe của DN. Nếu hải quan yêu cầu DN phải tách phí này làm hai phần thì DN NK không làm được và đơn vị khai thác cảng cũng không làm. Nếu hải quan chỉ lấy giá 20.000 đ/tấn để cộng vào thì cũng không phản ánh “trị giá các khoản điều chỉnh này được xác định trên cơ sở hợp đồng vận chuyển hoặc các chứng từ, tài liệu liên quan đến vận chuyển hàng hóa” vì mỗi lần nhập hàng các chi phí này biến động khác nhau.  Mặt khác, khi nói về phí bốc dỡ container (THC), trước năm 2008 nhà vận chuyển không tách phí này do phí đã nằm trong trong cước phí vận chuyển nên nhà NK không thể tự mình tách phí này ra.

Hơn nữa, cơ quan hải quan không thể dựa vào “thông lệ mua bán quốc tế quy định thì điều kiện CNF là người bán phải chịu các khoản chi phí vận tải và các chi phí khác liên quan, kể cả chi phí bốc hàng lên tàu và dỡ hàng tại cảng đến mà người bán phải trả theo hợp đồng vận tải” để cho rằng “phí dỡ hàng tại cảng đến” là phí mà người bán phải trả vì tùy theo hợp đồng ngoại thương giữa nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu qui định sẽ do ai trả tùy theo tình huống cụ thể.

Nếu phân tích bản chất của số tiền thuế NK thì phải được hiểu như sau:

Khi người mua trả “phí bốc dỡ tại cảng đến” cho các hợp đồng điều kiện C&F hay CIF thì việc tính thuế NK không cộng khoản “phí bốc dỡ” tại cảng đến đã phản ánh đúng bản chất của thuế NK là “tính đúng, tính đủ”.

Khi người bán trả “phí bốc dỡ tại cảng đến” mà thuế NK vẫn là C&F hay CIF (chú ý là vận chuyển - Freight trong trường hợp này có bao hàm phí bốc dỡ tại cảng đến) là nhà NK đã trả thuế NK cao hơn số mà đáng lẽ ra họ phải trả. Nhà NK có toàn quyền ký hợp đồng ngoại thương tách phí bốc dỡ tại cảng đến ra khỏi phí vận chuyển nếu họ muốn tự mình đàm phán chi phí dỡ hàng tại cảng đến với đơn vị khai thác cảng. Đối với các DN NK hàng bằng containers trước đây không phải trả phí THC thì riêng về phần thuế NK là họ đã trả cao hơn số mà đáng lẽ ra họ phải trả. Việc phí THC được tách ra và khi tính các khỏan phải cộng vào TGTTHNK không bao hàm phí này là đã trả về đúng bản chất của thuế NK. Như vậy cơ quan hải quan không cần phải lo lắng về việc tính thiếu thuế NK khi không cộng khoản phí này vào TGTTHNK.

Thay lời kết

 Việc thi hành chính sách thuế phải nhất quán và phải “minh triết”. Các đơn vị NK hàng xá rất nhiều và từ trước đến nay họ không phải cộng khoản phí dỡ hàng tại cảng đến vào TGTTHNK nay theo “cách hiểu mới” của TCHQ là họ phải cộng phí này vào TGTTHNK nhưng nó chỉ được trả lời bằng những “công văn” sau khi DN hỏi hoặc hải quan địa phương hỏi Tổng cục Hải quan là không thuyết phục. Chính sách thuế phải từ luật do Quốc hội ban hành và Chính phủ thi hành (nghị định), các thông tư từ các bộ liên quan chỉ là hướng dẫn chi tiết. Nếu cho rằng không cộng phí dỡ hàng vào TGTTHNK là sai tức là tất cả các cơ quan liên quan như Hải quan, Tổng cục Thuế... các DN đã “hiểu sai” và “thi hành sai” các văn bản pháp luật xuất NK hiện hành cho đến khi có “cách hiểu mới” của TCHQ.

Mặt khác, nếu “cách hiểu mới” này là đúng thì DN vẫn đề nghị nó phải được thể chế hóa bằng luật mới, nghị định mới và thông tư mới để cho DN được thông suốt!

Nguyễn Khả Phong - Phòng Kế toán Cty Chế biến bột mỳ MeKong

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Doanh nghiệp hụt hơi "chắn nước đầu nguồn"
  • Thủ tục hải quan điện tử: Cuộc cách mạng vì DN
  • Nông dân sắp được bảo hiểm rủi ro thiên tai, dịch bệnh
  • Triển khai Luật Nhà ở: Hạn chế đầu cơ
  • Thấy gì từ những văn bản thiếu tính khả thi?
  • Sự tường minh của chính sách
  • Đơn giản hóa thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá đóng mới
  • Những chính sách và mong muốn của người dân
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%