Có lẽ sự tranh cãi về thuế giữa Bộ Tài chính, cơ quan hải quan với các doanh nghiệp nhập khẩu dòng xe tiết kiệm nhiên liệu (hybrid) diễn ra đã vài tháng qua vẫn chưa thể chấm dứt khi mà mỗi bên đều có cái lý của mình.
Với Công văn 7109/BCT-CST ngày 3-6-2010, tại điểm 3, Bộ Tài chính cho rằng đối với loại xe chạy bằng động cơ xăng kết hợp sử dụng động cơ điện chạy bằng năng lượng điện do chuyển hóa từ nhiên liệu xăng (như các loại xe Lexus dòng h1, Prius, Camry hybrid, Honda Insight), hoặc xe sử dụng động cơ điện do máy phát điện chạy xăng là dòng xe hoàn toàn chạy bằng xăng, nên không thuộc diện áp dụng mức thuế suất ưu đãi theo quy định tại điều 7, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), tức là không được áp dụng mức thuế TTĐB bằng 70% mức thuế áp dụng cho xe cùng loại.
Trong khi đó, bảy doanh nghiệp nhập khẩu dòng xe hybrid lại cho biết họ căn cứ vào chủ trương của Nhà nước là khuyến khích nhập xe thuộc dòng tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường để nhập xe về. Cụ thể là họ căn cứ điều 7 Luật Thuế TTĐB số 27/2008/QH12 ngày 14-11-2008 có quy định đối tượng được ưu đãi là “xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng”.
Tiếp theo đó, Nghị định 26/2009/NĐ-CP ban hành ngày 16-3-2009 của Chính phủ để hướng dẫn thực hiện Luật Thuế TTĐB cũng có quy định tại khoản 2 điều 5 về việc dòng xe kết hợp động cơ điện với động cơ xăng (xe hybrid) được hưởng ưu đãi về thuế TTĐB.
Điều đáng lưu ý là doanh nghiệp mở tờ khai hải quan cho các lô xe nhập vào các tháng cuối năm 2009, tức là sau khi hai văn bản pháp luật nói trên có hiệu lực thi hành. Trong khi Công văn 7109 của Bộ Tài chính được ký vào đầu tháng 6-2010.
Ở đây không nói ai đúng ai sai, chỉ xin đề cập đến một vấn đề là sự tường minh của chính sách. Nếu như ngay trong Nghị định 26 đã có sự giải thích rõ ràng quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này (như đã nêu tại Công văn 7109) thì có lẽ đã không có sự tranh chấp giữa hai bên.
Thông thường, trước khi ban hành chính sách, pháp luật, cơ quan ban hành phải lường trước được những phản ứng của thị trường và phải có những phân tích, đánh giá ở góc độ quản lý rủi ro.
Trong trường hợp này, rủi ro nảy sinh là sự mâu thuẫn giữa cách hiểu của cơ quan quản lý với các doanh nghiệp. Và rủi ro này hoàn toàn có thể tránh được nếu như trước đó, cơ quan ban hành đã làm tốt khâu xác định rõ thế nào là xe hybrid (với sự giúp sức của các chuyên gia am hiểu trong lĩnh vực ô tô chẳng hạn); hoặc nó có thực sự là loại xe “tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường” trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.
Hay liệu các nhà làm chính sách có tính đến một rủi ro khác là dòng xe sử dụng động cơ hybrid chủ yếu là những dòng xe đắt tiền, nếu được nhập về nhiều Nhà nước sẽ bị “thất thu” một khoản thuế khá lớn, đồng thời lại mâu thuẫn với chủ trương hạn chế nhập siêu, vốn đang là bài toán căng thẳng của nền kinh tế.
Trên thực tế không ít văn bản pháp luật cho thấy cơ quan ban hành chưa làm tốt khâu xác định và đánh giá rủi ro. Tình trạng này nếu còn kéo dài thì những hệ lụy gây ra sẽ khiến môi trường kinh doanh ngày càng xấu đi dưới mắt các nhà đầu tư.
(Theo Phương Quỳnh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com