Một động thái của Bộ Tài chính đang được nhiều doanh nghiệp hết sức quan tâm và có thể tác động lớn đến thị trường ôtô Việt Nam trong thời gian tới, đó là dự kiến giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xe tải. Mức giảm trung bình tới 50%.
Bộ Tài chính: Thuế suất hiện hành quá cao
Theo Bộ Tài chính, căn cứ vào cam kết ASEAN thì năm 2018, các xe tải sẽ áp chung mức thuế suất thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi là 0%. Cùng với đó, theo cam kết WTO, đến giai đoạn cuối cùng, xe đông lạnh, xe thu gom phế thải, xe xitec, xe thiết kế chở bê tông hoặc xi măng dạng rời có mức thuế NK từ 20 - 35%, thời điểm cắt giảm cuối cùng là năm 2010; xe tải các loại có mức cam kết từ 50 - 70% vào năm 2014 hoặc 2017, tuỳ theo tổng trọng tải của xe.
Cơ quan này cho rằng, xe tải là tư liệu sản xuất của doanh nghiệp, sử dụng để vận chuyển hàng hóa nên mức thuế suất hiện hành là quá cao (loại dưới 5 tấn là 80%; từ 6 đến dưới 10 tấn là 54 - 55%). Trong khi đó, việc sản xuất của các doanh nghiệp trong nước mới chỉ dừng ở mức lắp ráp, những phần chính của ô tô như động cơ, chassi đều vẫn đang phải NK. Do vậy, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế NK xe tải theo hướng chỉ chênh lệch với bộ linh kiện, phụ tùng khoảng 10 - 15%.
Các loại xe tải khác có tổng trọng lượng có tải từ 20 đến dưới 45 tấn ( trừ xe tải tự đổ hiện có mức thuế NK 8%) được tách riêng để nâng từ mức 8% lên 15% (cao hơn bộ linh kiện 10%) để khuyến khích sản xuất trong nước. Cơ quan này cho rằng đây là mức chênh lệch phù hợp, vừa bảo hộ sản xuất trong nước, vừa không ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào. Bộ cũng khẳng định, việc giảm thuế tác động không đáng kể đến số thu ngân sách.
Doanh nghiệp nội địa: Có khả năng phá sản
Dự kiến giảm thuế lớn, nhanh và đột ngột, lại đi trước thời gian thực hiện cam kết hội nhập tới 7 năm của Bộ Tài chính nằm ngoài sự tính toán và chuẩn bị của doanh nghiệp. Ngay lập tức, Công ty Cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), doanh nghiệp lắp ráp xe tải lớn nhất trong nước hiện nay, đã có văn bản kiến nghị gửi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị, Hiệp hội gửi kiến nghị lên Bộ Tài chính. Doanh nghiệp còn gửi văn bản lên Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành chức năng để được “giúp đỡ”. Bà Bùi Thanh Xuân, Phó Giám đốc Công ty Vinaxuki cho biết thêm, doanh nghiệp được cấp phép sản xuất lắp ráp ô tô vào năm 2004, đến nay mới chỉ 6 năm. Trong 6 năm qua, từ mức vốn đầu tư ban đầu 300 tỷ đồng, nay Vinaxuki đã đầu tư chiều sâu lên tới gần 1.000 tỷ đồng; tăng dần tỉ lệ nội địa hoá từ 15% lên 40%; đã đầu tư để đến năm 2013 đạt tỉ lệ nội địa hoá 50%. “Nếu Bộ Tài chính hạ thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đột ngột sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp, gây khó khăn cho chiến lược đầu tư mạnh vào nội địa hoá phụ tùng ô tô mà Chính phủ đã phê duyệt, có khả năng khiến nhiều doanh nghiệp nội phá sản”, nữ doanh nhân này nhìn nhận.
Không chỉ Vinaxuki, các doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải, TMT… cũng đang nhấp nhổm không yên trước thông tin này. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Trường Hải, ông Trần Bá Dương cho rằng, việc giảm thuế NK xe nguyên chiếc ở mức lớn như vậy chắc chắn ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp sản xuất trong nước nhất là khi việc giảm thuế NK sản phẩm nguyên chiếc sẽ tạo thế cạnh tranh bất lợi cho sản phẩm sản xuất trong nước.
Tựu trung, các doanh nghiệp mong muốn Bộ Tài chính giữ nguyên mức thuế hiện hành để ổn định sản xuất trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay.
Bộ Công thương: Không đồng tình
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Công Thương cũng vừa chính thức có công văn trao đổi với Bộ Tài chính. Với quan điểm trái ngược với Bộ này, Bộ Công Thương khẳng định, hiện nay trong nước đã sản xuất được các loại xe tải nhẹ có tải trọng dưới 5 tấn và từ 5 - 10 tấn. Do vậy, đây thuộc Danh mục máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải trong nước đã sản xuất được ban hành theo Quyết định số 2840/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương.
Không những thế, đa số các doanh nghiệp trong nước sản xuất xe tải nói trên đều mới được thành lập trong thời gian 4 - 5 năm trở lại đây và đã đầu tư máy móc thiết bị để đáp ứng chủ trương và yêu cầu nội địa hoá của Chính phủ. Do mới được đầu tư nên giá thành sản phẩm còn cao, áp lực thu hồi vốn đầu tư lớn. Việc áp dụng mức thuế nhập khẩu hiện hành đối với xe tải nguyên chiếc là phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước, hạn chế nhập siêu. Đối với các loại xe tải có tải trọng từ 10 - 20 tấn, vẫn Bộ Công Thương cho biết, hiện nay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lắp ráp loại này trên cơ sở nhập khẩu phần lớn các loại phụ tùng từ nước ngoài với mức thuế nhập khẩu phụ tùng từ 10 - 15 %. Vì sản lượng lắp ráp còn hạn chế nên xe tải có tải trọng từ 10 - 20 tấn lắp ráp trong nước có giá thành chưa cạnh tranh so với xe tải nguyên chiếc cùng loại nhập khẩu. Việc áp dụng mức thuế nhập khẩu hiện hành là 30% cũng là phù hợp với tình hình thực tế.
Với những lý lẽ đó, Bộ Công Thương cho rằng, đề xuất giảm thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, cũng như việc lắp ráp sản xuất và đầu tư sản xuất phụ tùng linh kiện trong nước. Mặt khác, theo cam kết gia nhập WTO, đến thời hạn cuối cùng là năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc có tải trọng dưới 5 tấn là 70%, có tải trọng từ 5 - 10 tấn là 50%, có tải trọng từ 10 - 20 tấn là 50%. Đề xuất giảm thuế của Bộ Tài chính vào thời điểm hiện nay là quá sớm!
Từ những phân tích trên, Bộ Công Thương đề nghị giữ nguyên hầu hết các loại thuế NK xe tải như hiện nay với thời gian áp dụng hết năm 2011 để hỗ trợ sản xuất trong nước và hạn chế nhập siêu. Việc điều chỉnh nên xem xét vào sau giai đoạn 2011, tùy theo tình hình thực tế của việc sản xuất, lắp ráp trong nước và sự chấp nhận của thị trường.
( Doanh Nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com