Khai thác titan lậu ở tỉnh Bình Định.Nhiều dự án du lịch đã không triển khai được ở đây vì tồn tại ngay cạnh các dự án khai khoáng. Ảnh:TL |
Sau hai kỳ lấy ý kiến Quốc hội, Luật khoáng sản (sửa đổi) sẽ thông qua cuối kỳ họp này có nhiều điểm mới bổ sung như đấu giá quyền khai thác khoáng sản, yêu cầu doanh nghiệp phải xây dựng hạ tầng ở nơi khai khoáng và siết chặt quyền cấp phép của địa phương.
Một trong số các luật quan trọng được sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội lần này là Luật khoáng sản (sửa đổi). Để chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản lộn xộn ở các địa phương hiện nay, luật sửa đổi sẽ đưa vào quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản để hạn chế tình trạng “xin-cho” giữa địa phương và nhà đầu tư mà ngân sách nhà nước không thu được khoản kinh phí nào. Nhưng luật sửa đổi dự kiến không thông qua quy định đấu giá quyền thăm dò khoáng sản. Lý do là Ủy ban thường vụ Quốc hội, nơi giải trình và tiếp thu các ý kiến về luật này thấy rằng việc đầu tư vào hoạt động thăm dò khoáng sản là hoạt động đầu tư ban đầu, chưa mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư, lại có tính rủi ro cao. Nếu quy định đấu giá ngay từ khâu này sẽ không khuyến khích được các nhà đầu tư tham gia tìm kiếm, phát hiện tài nguyên. Tuy nhiên, để tránh tình trạng các nhà đầu tư không đủ năng lực, Quốc hội yêu cầu Chính phủ cần có quy định về điều kiện thăm dò để lựa chọn các tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản cho hiệu quả. Luật sửa đổi lần này cũng quy định về quyền lợi của nhân dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác theo hướng: nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai khoáng đề hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, quy định tổ chức, cá nhân khai khoáng phải có trách nhiệm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường ở nơi đầu tư dự án khai thác, hỗ trợ xây dựng các công trình phúc lợi cho địa phương đặt dự án. Riêng về vấn đề cấp giấy phép khai khoáng, việc phân cấp cho địa phương sẽ được hạn chế, siết chặt hơn theo hướng địa phương chỉ được cấp phép thăm dò, khai thác ở các khu vực đã được Bộ Tài nguyên Môi trường khoanh định và công bố. Trước đây, địa phương có quyền cấp phép các khu vực nằm ngoài quy hoạch khoáng sản của cả nước và ngoài khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia. Điều này đã khiến cho việc cấp phép ở nhiều nơi diễn ra lộn xộn, làm "chảy máu" tài nguyên quốc gia. Việc khoanh định các khu vực khoáng sản sẽ được tiến hành sớm và chặt để các địa phương chủ động và trung ương thống nhất được quản lý. Riêng về vấn đề xuất khẩu khoáng sản, Quốc hội yêu cầu Chính phủ có quy định cụ thể để phù hợp với từng thời điểm, từng loại khoáng sản sao cho hợp lý và có lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com