Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Lập di chúc - tại sao không?

(Minh họa: Khều)

Sinh - lão - bệnh - tử là quan niệm của đạo Phật về bốn khổ ải mà con người ai cũng phải trải qua trong cuộc đời. Mặc dù vậy, theo văn hóa Á Đông nói chung, nhiều người trong chúng ta thường tránh né, không muốn bàn bạc, chuẩn bị trước cho cái chết của mình, nhưng thật sự đó là điều cần thực hiện.

Nếu chúng ta chết mà được ma chay đàng hoàng, chôn cất tử tế, tài sản để lại được giao cho đúng người mà chúng ta muốn giao phó, biết bảo quản, duy trì và phát triển nó; con cái chúng ta được an toàn về tài chính để có thể học hành tới nơi tới chốn, được thành đạt thì hạnh phúc biết bao. Tuy nhiên, trong thực tế, sự việc đôi khi không diễn ra tốt đẹp như vậy.

Có rất nhiều trường hợp con cái không biết xử lý thế nào với khối tài sản cha mẹ để lại vì cha mẹ chết không để lại di chúc và phải lôi nhau ra tòa để phân chia tài sản; người giám hộ lợi dụng khối tài sản đó để phục vụ cho mục đích riêng; hay con cái không thể tìm được các giấy tờ sở hữu tài sản để làm thủ tục thừa kế, hoặc tiêu xài phung phí làm cho khối tài sản bị chia năm xẻ bảy, không theo ý muốn của chúng ta trước lúc qua đời.

Nếu chúng ta có thể thực hiện bảy bước đề nghị dưới đây khi sự nghiệp chúng ta còn đang ở đỉnh cao, sức khỏe còn dồi dào, tâm trí còn minh mẫn thì sẽ góp phần rất tích cực để tránh những vấn đề rắc rối sau đây, một khi chúng ta qua đời.

Bước 1: Lập di chúc

Di chúc là gì? Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Việc lập di chúc là việc làm nhân văn, không chỉ thể hiện tình cảm và nguyện vọng của chúng ta trước lúc qua đời mà còn tránh cho những người thân thích còn sống phát sinh những mâu thuẫn không đáng có.

Một di chúc được coi là hợp pháp phải hội đủ các điều kiện sau đây: (i) người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép; (ii) nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; và (iii) hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật. Di chúc phải được lập thành văn bản, hoặc có thể di chúc miệng trong các trường hợp đặc biệt. Trong trường hợp tài sản thừa kế là tài sản có đăng ký quyền sở hữu (như bất động sản, ô tô, xe máy…), di chúc nên được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực để tránh phức tạp về thủ tục thừa hưởng di sản thừa kế sau này.

Sau khi lập di chúc, người lập di chúc có thể nhờ người ký làm chứng hoặc công chứng tại các phòng công chứng, hoặc chứng thực di chúc tại UBND địa phương nơi người lập di chúc cư trú. Việc lập di chúc hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện của chúng ta, không cần có ý kiến của người được hưởng di sản, tuy nhiên, người được thừa hưởng có quyền từ chối nhận di sản. Việc người hưởng di sản có quốc tịch Việt Nam ở trong hay ngoài nước không hề ảnh hưởng đến quyền lợi thừa kế của họ và thậm chí ngay cả khi họ đang sinh sống ở nước ngoài, thủ tục lập di chúc không có gì khác biệt so với những nội dung đã được đề cập ở phần trên.

Di chúc có thể lập và hủy nhiều lần. Trường hợp muốn hủy thì phải có đơn xin hủy nơi đã công chứng, chứng thực trước đây. Trường hợp tồn tại nhiều di chúc thì bản di chúc sau cùng sẽ có hiệu lực.

Đa số người Việt chúng ta không có thói quen lập di chúc. Điều này trong một chừng mực nào đó là chưa đúng, vì dù chúng ta không có khối tài sản to lớn như những tỉ phú nhưng chúng ta vẫn có một gia sản chính đáng dành cho vợ, chồng, con cái và gia đình mình, và rồi phải có ai đó thực hiện các vấn đề tài chính của chúng ta sau khi chúng ta qua đời. Vì thế, việc soạn di chúc là thật sự cần thiết.

Chúng ta có thể tự lập di chúc dựa vào các mẫu được soạn sẵn ở các phòng công chứng, nhưng đôi khi các mẫu di chúc này không thể hiện được hết những gì chúng ta mong muốn, và vì thế đôi khi, chúng ta cần có một di chúc được soạn thảo theo ý riêng của mình. Trong trường hợp này, chúng ta cần nhờ một luật sư có chuyên môn hỗ trợ.

Bước 2: Trao đổi với những người giám hộ đương nhiên

Việc trao đổi trước những mong muốn của chúng ta với một trong những người giám hộ đương nhiên theo luật định (trước tiên là vợ, chồng, cha, mẹ, con đã thành niên, hoặc nếu không có thì là ông, bà, anh, chị, em ruột, và nếu không có nữa thì sẽ là bác, chú, cậu, cô, dì) khi chúng ta gặp những hoàn cảnh ngặt nghèo, nguy hiểm đến tính mạng là cần thiết, để trong trường hợp chúng ta còn sống nhưng không còn khả năng thực hiện ý chí của mình (ví dụ như bị bệnh tâm thần, mất khả năng nhận thức, làm chủ hành vi của mình…) thì người giám hộ đương nhiên có thể dựa trên mong muốn của chúng ta để quyết định các vấn đề có liên quan đến sức khỏe của chúng ta (ví dụ đồng ý hay không đồng ý để bác sĩ phẫu thuật trong trường hợp chúng ta bị bệnh hiểm nghèo cần phẫu thuật).

Bước 3: Đưa ra một định hướng trước

Nhiều người khi chết muốn được chôn cất đàng hoàng, có xây nhà mồ, người khác lại muốn được thiêu, đem tro vào để trong chùa hay rải xuống sông, biển. Có người lại muốn được làm đám tang dài ngày, người khác lại muốn được chôn ngay. Có người muốn phải có sư thầy cúng tế linh đình, người khác lại không… Do đó, để giúp cho ý nguyện của chúng ta được thực hiện trọn vẹn sau khi chúng ta qua đời, chúng ta có thể ghi phần ý nguyện này vào trong di chúc hay vào một văn kiện riêng lẻ có chỉ định người thực hiện (thường là những người được hưởng di sản thừa kế của chúng ta, có thể xem đây là điều kiện bắt buộc để họ được hưởng di sản thừa kế của họ) và lưu trữ chúng như các giấy tờ quan trọng khác được nêu ở bước 6 bên dưới.

Bước 4: Chắc chắn là chúng ta có mua đủ bảo hiểm nhân thọ

Nếu như chúng ta có con nhỏ mà chỉ có chúng ta là chỗ dựa hoàn toàn về mặt tài chính cho chúng thì chúng ta cần xem xét việc mua bảo hiểm nhân thọ. Tốt nhất là sản phẩm bảo hiểm trọn đời để bảo đảm rằng những khoản thu nhập bị mất sau khi chúng ta qua đời có thể được bảo hiểm chi trả đủ để nuôi nấng các con đến khi chúng trưởng thành.

Bước 5: Thường xuyên cập nhật tài sản thừa kế và danh sách người được thừa kế

Lập được di chúc là quan trọng nhưng việc thường xuyên cập nhật nội dung di chúc cũng không kém phần quan trọng. Lý do là bởi tài sản của chúng ta không phải bất biến mà nó luôn biến đổi theo thời gian. Ví dụ, hôm nay chúng ta có ba căn nhà nhưng ngày mai có thể chúng ta không còn căn nhà nào vì đã bán đi; hôm nay chúng ta có 1.000 cổ phiếu công ty A nhưng có thể ngày mai chúng ta chỉ còn có 100 cổ phiếu thôi và lại mua thêm 500 cổ phiếu của công ty B.

Bên cạnh đó, những người được thừa kế cũng không phải là bất biến, họ có thể sinh thêm (con hoặc cháu), ly dị, họ có thể qua đời trước chúng ta, hay họ có những hành vi làm cho chúng ta muốn tăng giảm phần thừa kế dành cho họ, do đó, chúng ta cần phải cập nhật lại di chúc đã lập.

Để tránh mất thời gian, việc cập nhật nội dung trong bản di chúc nên được làm 2-3 năm một lần hay nhân những dịp trọng đại của gia đình như đám cưới, thôi nôi, đầy tháng, ly dị.

Bước 6: Hệ thống lại các giấy tờ quan trọng

Các giấy tờ quan trọng sau khi chúng ta qua đời có nhiều loại liên quan đến nhân thân và quyền sở hữu/sử dụng tài sản. Quan trọng nhất vẫn là di chúc, kế đến là hôn thú, rồi đến các giấy tờ liên quan đến tài sản ví dụ như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà nếu chúng ta có bất động sản; hợp đồng hứa mua, hứa bán tài sản nếu chúng ta có ký thỏa thuận sẽ mua bất động sản hình thành trong tương lai; sổ tiết kiệm nếu chúng ta có tiền tiết kiệm trong ngân hàng; số tài khoản ngân hàng nếu chúng ta có tiền trong tài khoản vãng lai; hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nếu chúng ta có mua bảo hiểm nhân thọ; giấy chứng nhận cổ đông hay giấy xác nhận góp vốn do người đại diện theo pháp luật của công ty ký nếu chúng ta có mua chứng khoán của các công ty hay góp vốn vào các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; hợp đồng lao động và các phụ lục (nếu có); giấy xác nhận quyền mua cổ phiếu cho nhân viên (nếu có) và sổ bảo hiểm xã hội nếu chúng ta đang làm việc cho các công ty; giấy tờ sở hữu phương tiện đi lại nếu chúng ta có xe hơi, xe gắn máy; bản liệt kê các tài sản có giá trị (vàng, đá quý, kim cương, tiền mặt); các hợp đồng vay mượn mà chúng ta đã ký với bên thứ ba; sau cùng là thông tin về luật sư, kế toán, bác sĩ riêng của chúng ta.

Bên cạnh phần tài sản, đôi khi chúng ta có một số trách nhiệm tài chính đối với người thứ ba mà những người thừa kế phải gánh trách nhiệm nếu muốn được hưởng di sản thừa kế của chúng ta, và do đó chúng ta cũng cần phải chuẩn bị các giấy tờ liên quan. Chẳng hạn như hợp đồng vay công chứng nếu chúng ta có vay của ngân hàng, giấy mượn nợ nếu vay người ngoài; hợp đồng thế chấp tài sản; hợp đồng bảo lãnh thanh toán nếu chúng ta có bảo lãnh cho ai đó.

Vì sự quan trọng của các giấy tờ này nên việc chúng ta cần thiết phải làm khi còn khỏe mạnh là liệt kê các giấy tờ quan trọng, xác định nơi cất giữ hiện tại và tập hợp lại để thực hiện bước 7 dưới đây.

Bước 7: Để các giấy tờ quan trọng ở nơi an toàn

Chuẩn bị được các giấy tờ quan trọng đã là điều tốt, nhưng có thể giữ chúng ở nơi an toàn cũng không kém phần quan trọng. Mặc dù các giấy tờ quan trọng có thể để ở trong ngăn tủ hay tủ sắt trong nhà nhưng cũng không loại trừ khả năng nhà chúng ta bị rủi ro như cháy, nổ hay trộm, cướp. Do đó, cách tốt nhất vẫn là duy trì tối thiểu ba bản chính, một bản giữ tại nhà, một bản gửi cho luật sư riêng và một bản gửi trong két sắt của ngân hàng nơi có cung cấp dịch vụ cho thuê ngăn tủ sắt.

Bên cạnh đó, chúng ta có thể quét tất cả các giấy tờ cần thiết bỏ vào hồ sơ lưu trữ của gia đình trên máy vi tính tại nhà. Chúng ta cần cho mọi người thân trong gia đình biết về việc lưu trữ các giấy tờ này để trong trường hợp cần thiết thì người thân của chúng ta biết tìm chúng ở đâu.

(Theo Luật sư Nguyễn Hữu Phước // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Sản xuất thủy điện, nước sạch phải trả phí môi trường
  • Chưa sờ đến gốc
  • Tràn lan hàng Trung Quốc núp bóng hàng Việt
  • Đặt in hóa đơn: Làm sao tránh hóa đơn giả?
  • Những nghịch lý trong khai thác khoáng sản - Bài 1: Thất thoát quá lớn
  • Đề xuất giảm thuế nhập khẩu ôtô tải: Nhiều doanh nghiệp “choáng”
  • Xe lễ tân nhà nước sẽ được phép cho thuê?
  • Bát nháo thị trường thực phẩm chức năng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%