Khai thác đá vôi trên cao nguyên Đồng Văn, tình Hà Giang - Ảnh: La Anh. |
Trong báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc trước Quốc hội tuần rồi có nhấn mạnh: “Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản” và “tiến tới chấm dứt xuất khẩu khoáng sản thô”. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhất là trong bối cảnh việc khai thác bauxite đang là vấn đề được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, liệu hai dự thảo luật có liên quan là Luật Thuế bảo vệ môi trường và Luật Khoáng sản (sửa đổi) đang được Quốc hội thảo luận có giúp thực hiện chủ trương nói trên?
Mỗi lần làm luật hay sửa luật Quốc hội đều nhắm đến mục đích để chính sách sát với thực tế và mang tính định hướng quản lý dài hơi. Tại kỳ họp Quốc hội lần này, dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (mới xây dựng) và Luật Khoáng sản (sửa đổi, bổ sung) sẽ được xem xét thông qua. Hai luật tách rời nhưng có chung một số mục đích và mang tính tương hỗ nhằm siết chặt hơn việc bảo vệ môi trường và khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên. Nhưng nhiều nội dung ở hai luật lại chưa sờ đến gốc. Nửa chặng đường của luật Luật Khoáng sản (sửa đổi) hướng đến năm thay đổi lớn nhất: 1. Cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân góp vốn trực tiếp tham gia vào hoạt động điều tra cơ bản. 2. Áp dụng cơ chế đấu giá quyền thăm dò và quyền khai thác khoáng sản. 3. Điều chỉnh lại thẩm quyền cấp phép trong lĩnh vực khoáng sản của UBND cấp tỉnh theo hướng UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản thông thường và là các mỏ nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường khoanh định và công bố; không cấp phép khai thác khoáng sản ngoài quy hoạch như trước. 4. Đổi mới thanh tra khoáng sản theo vùng. 5. Bãi bỏ giấy phép khảo sát và giấy phép chế biến khoáng sản. Năm thay đổi lớn nêu trên nhằm siết lại tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, bừa bãi ở nhiều địa phương trong những năm qua, gây hại cho môi trường tự nhiên và môi trường kinh tế - xã hội. Cũng do việc cấp phép, thăm dò, chuyển nhượng và khai thác không được quản lý chặt nên tình trạng xuất khẩu khoáng sản thô, dưới nhiều hình thức, có cơ hội phát triển, trong khi nguồn tài nguyên trong nước ngày một cạn kiệt và doanh nghiệp chế biến phải nhập khẩu khoáng sản nguyên liệu từ nước ngoài. Vậy, liệu những điểm mới nêu trên có giúp làm cho tình hình khai khoáng trở nên lành mạnh, hợp lý và hiệu quả hơn không? Câu trả lời là khó. Bởi vì, mấu chốt của vấn đề chủ yếu nằm ở khâu cấp phép khai thác ở các địa phương. Theo dự thảo luật, “UBND địa phương chỉ được cấp phép các mỏ phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên - Môi trường khoanh định và công bố”. Đây chỉ là sự thay đổi về từ ngữ vì thực tế ít có doanh nghiệp nào xin cấp phép ở các địa chỉ chưa từng được thăm dò trước đó, và vì mỗi địa phương không có quá nhiều các điểm mỏ nằm ngoài các kết quả thăm dò từ nhiều năm trước. Dự thảo luật sửa đổi lần này còn thoáng hơn là cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân góp vốn trực tiếp tham gia vào hoạt động điều tra phục vụ cho quy hoạch, áp dụng đối với cả các quy hoạch do địa phương và trung ương quản lý. Như vậy, có thể hiểu dự luật này đã trao cho địa phương cơ chế thực hiện quyền điều tra, thăm dò khoáng sản. Liệu việc xã hội hóa có làm nảy sinh tiêu cực khi doanh nghiệp và địa phương có lý do để khoanh vùng tài nguyên, gắn kết, chia sẻ quyền lợi với nhau và sự cho phép của bộ ở khâu cuối như quy định của luật xét cho cùng chỉ nhằm hợp thức hóa việc cấp phép cho địa phương. Một điều đáng nói ở dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi là chỉ điều chỉnh khâu khai thác mà không điều chỉnh toàn bộ hoạt động chế biến và sử dụng khoáng sản. Trong khi trên thực tế, tình trạng lộn xộn của ngành khai khoáng, xuất khẩu khoáng sản thô lại nằm ở khâu chế biến. Đã có nhiều doanh nghiệp khi được cấp phép khai thác mỏ có lập dự án, cam kết với địa phương về việc chế biến sâu và sử dụng trong nội địa. Song đó chỉ là “bài” để họ nhận được giấy phép khai thác. Khi khai thác được rồi, lý do quen nhất thường được đưa ra là trữ lượng và chất lượng tài nguyên không đủ điều kiện để chế biến sâu đem lại hiệu quả. Do vậy doanh nghiệp lại xin xuất khẩu để bù đắp quá trình đầu tư, khai thác khó khăn, rủi ro, nếu không sẽ thua lỗ và phá sản. Rất nhiều giấy phép xuất khẩu đã được cấp vì những lý do này dù đã có quy định của Chính phủ về việc cấm xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến. Như vậy có thể nói dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) mới chỉ đi được nửa chặng đường để sửa đổi những bất cập phát sinh từ thực tế. Sửa luật để hạn chế phần nào việc cấp phép bừa bãi mới chỉ điều chỉnh đến địa phương. Còn muốn điều chỉnh mục đích sử dụng khoáng sản sau khai thác, để tránh doanh nghiệp lách luật cần có những điều khoản rõ ràng hơn. Nếu giao cho Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng những quy hoạch chế biến khoáng sản riêng thì khó tránh khỏi vết xe cũ là vỡ quy hoạch như các quy hoạch xi măng, thép... đã từng diễn ra. Doanh nghiệp sẽ không ngại thuế bảo vệ môi trường? Lần đầu tiên Việt Nam xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường nên dư luận hy vọng sắp tới việc bảo vệ môi trường sẽ được luật hóa thông qua công cụ thuế, thay vì chỉ thu phí các hoạt động sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường. Song đây không phải là mục đích hướng đến của luật này. Sự ra đời của Luật Thuế bảo vệ môi trường nhằm “đánh” vào hành vi sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường của người tiêu dùng, nhằm hạn chế và định hướng xu hướng tiêu dùng có lợi cho môi trường hơn. Thuế này người tiêu dùng trả ngay từ đầu thông qua người sản xuất và người nhập khẩu. Dự thảo luật không hướng đến điều chỉnh quá trình sản xuất có hại cho môi trường vì cho rằng quá trình sản xuất gây hại nhiều nhất là xả thải đã được quy định thông qua việc thu phí là phù hợp. Nguồn thu phí hiện được để lại cho ngân sách địa phương đầu tư và bù đắp trực tiếp chi phí khắc phục hậu quả môi trường, nơi doanh nghiệp đang khai thác, sản xuất gây ô nhiễm. Nói đến hoạt động gây hại môi trường thì các hoạt động khai khoáng nằm trong danh sách đầu tiên. Ví dụ như khai thác than của tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (TKV) hàng chục năm qua, dù là doanh nghiệp lớn nhưng công tác hoàn thổ kém nên hậu quả để lại cho môi trường ở vùng Đông Bắc là rất lớn. 1.400 doanh nghiệp hiện đang kinh doanh trong lĩnh vực khai khoáng như TKV, ít nhiều đều gây ra những tác động rất lớn đến môi trường. Tuy nhiên nguồn thu của Nhà nước chủ yếu từ thuế doanh thu, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế tài nguyên thực tế là không đáng kể. Còn việc thu phí môi trường thì còn nhiều bất cập, số thu rất hạn chế, không tương xứng với yêu cầu đặt ra, không đủ khắc phục hậu quả môi trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận như vậy khi giải trình về dự luật thuế nói trên và cho biết nhiều đối tượng thuộc diện phải thực hiện nghĩa vụ tài chính do gây ô nhiễm môi trường nhưng do pháp luật chưa có quy định điều chỉnh nên môi trường ngày càng ô nhiễm. Điều này cho thấy, mục đích thu phí bảo vệ môi trường đã có kết quả rất thấp. Nay, thu thuế qua Luật Thuế bảo vệ môi trường lại không hướng đến đối tượng và hành vi gây hại từ đầu là các nhà sản xuất và công nghệ sản xuất, đặc biệt là ngành khai khoáng, nên các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nặng nhất lại không hề hấn gì. Và không biết phải đợi đến luật nào thì việc hạn chế khai thác tài nguyên bừa bãi nhằm bảo vệ môi trường mới được điều chỉnh trực tiếp, thông qua cách đánh thẳng vào chi phí khai thác, sản xuất gây hại? Xuất khẩu khoáng sản qua các năm 2007 2008 2009 10 tháng 2010 Số lượng (triệu tấn) Trị giá (triệu USD) Số lượng (triệu tấn) Trị giá (triệu USD) Số lượng (triệu tấn) Trị giá (triệu USD) Số lượng (triệu tấn) Trị giá (triệu USD) Than đá 32 1.000 19,4 1.388 25,2 1.326 15,5 1.260 Dầu thô 15 8.488 13,8 10.357 13,4 6.210 6,7 4.040 Quặng và khoáng sản khác không có số liệu không có số liệu 2,1 212 2,13 136 1,5 102 Nguồn: Bộ Công ThươngCả hai luật nói trên đều chưa có quy định cụ thể về việc phân chia nguồn thu giữa trung ương và địa phương trong khi việc phân định này là cần thiết nhằm khuyến khích địa phương có trách nhiệm trong việc cấp phép khai thác khoáng sản gắn với việc bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, việc phân chia nguồn thu trong đó có tỷ lệ phân chia, thẩm quyền quyết định phân chia, mục tiêu sử dụng... thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN). Song, Luật NSNN lại chưa có quy định về việc phân chia nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường nên khả năng Quốc hội sẽ phải có phần quy định riêng trong bản Nghị quyết về NSNN năm tới. Nếu không, người dân ở địa phương chịu tác hại xấu về việc ô nhiễm môi trường không nhận được khoản tái đầu tư nào cho những tổn thất mà họ phải nhận.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com