Nhân viên một số doanh nghiệp thực hiện việc khai báo từ xa tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công, dù chi cục đã áp dụng hải quan điện tử. Ảnh: Minh Tâm. |
Từ ngày 1-1-2011, ngành hải quan TPHCM áp dụng hải quan điện tử (HQĐT) đồng loạt cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu ở ba loại hình là kinh doanh, sản xuất xuất khẩu và gia công tại tất cả các chi cục.
Doanh nghiệp chưa mặn mà
Sáng 4-1-2011, TBKTSG đã có cuộc khảo sát nhỏ với 10 đại diện doanh nghiệp đang làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công. Một điều khá ngạc nhiên là tất cả các doanh nghiệp này đều cho biết chưa áp dụng khai báo HQĐT. Anh Phước, nhân viên xuất nhập khẩu công ty M.P nói: “Áp dụng HQĐT, cái lợi là nếu hàng hóa của mình phân luồng xanh thì biết ngay, chỉ cần chạy thẳng xuống cảng lấy hàng. Nhưng nói thật, mấy khi được luồng xanh? Chúng tôi vẫn đang tiếp tục khai báo từ xa, khi nào bị bắt buộc hẵng hay”.
Trong khi đó, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 - cảng Cát Lái và Hải quan cửa khẩu Tân Cảng, hai chi cục áp dụng khai báo HQĐT đồng loạt từ ngày 15-12-2010, có gần 100% doanh nghiệp áp dụng khai báo HQĐT. Ở đây hình thức khai báo từ xa, khai báo thủ công đã được “khai tử”.
Ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, lý giải việc áp dụng HQĐT sẽ tùy vào tình hình cụ thể của từng chi cục hải quan mà quyết định bắt buộc doanh nghiệp tham gia hay từng bước chuyển đổi.
Theo các doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến họ không hào hứng với HQĐT là do tình trạng nghẽn mạng thường xuyên xảy ra, đúng như dự đoán của họ trước đó. Trong những ngày tháng 12-2010, ở những chi cục có số lượng doanh nghiệp thông quan đông như Cát Lái, Tân Cảng, không ít doanh nghiệp “mướt mồ hôi” vì sự chập chờn của đường truyền.
Anh M., nhân viên xuất nhập khẩu công ty N.H làm thủ tục tại Hải quan Tân Cảng, kể: anh bắt đầu truyền dữ liệu từ 8 giờ 30 phút nhưng đến tận 11 giờ vẫn chưa có số tờ khai dù đã có số tiếp nhận. Sốt ruột, anh lên cảng hỏi nhân viên hải quan về tờ khai thì được biết đang chờ xử lý. Đợi đến lúc có số tiếp nhận, anh lại phải quay về công ty, in tờ khai rồi quay lại cảng để làm nốt thủ tục, thông quan và nhận hàng. “So với khai báo từ xa như trước đây, tính ra doanh nghiệp mất thời gian, công sức hơn nhiều”, anh M. nói.
Ông L.N.C, phó giám đốc công ty N.K.C chuyên nhập khẩu nguyên liệu thực phẩm, cho hay công ty ông đã mất đến bốn ngày mới có thể hoàn thành thủ tục thông quan cho hai container phụ gia thực phẩm tại Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 4 (ICD Phước Long). Ông N. kể, lần đầu tiên, ông thực hiện khai báo nhưng không thể gửi dữ liệu đi nên liên hệ với Công ty Thái Sơn, đơn vị cung cấp phần mềm HQĐT. Các nhân viên kỹ thuật của Thái Sơn thực hiện thao tác từ 9 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều cũng không được, đành xếp lại vì hết giờ làm việc. Ngày thứ hai, ông N. liên hệ được với phía hải quan thì được chuyển sang bộ phận IT của cảng và khai được nhưng lại bị hải quan trả về do không chấp nhận một số chi tiết trong tờ khai.
Sau khi điều chỉnh, ông N. gửi đi thì lại thấy dữ liệu “biến mất”. Liên hệ với Thái Sơn, ông được hướng dẫn nên bỏ hồ sơ, thực hiện khai báo lại từ đầu và ghi chú rõ: đề nghị hải quan dùng bản này và bỏ bản cũ nếu tìm thấy. Lúc này, ông N. thao tác như hướng dẫn nhưng mạng FPT rồi VNPT đều không kết nối được, cuối cùng ông chuyển sang mạng của Viettel. Ông N. kết luận: “May mà chúng tôi dự báo trước tình hình nên đi làm sớm, chưa bị lố thời gian lấy hàng”.
Đại lý không nhận, dịch vụ tăng giá gấp đôi
Với tình trạng trên, một phương án mà nhiều doanh nghiệp nghĩ đến là thuê đại lý hải quan làm thay mong tiết kiệm thời gian và nhân lực. Tuy nhiên, chính các đại lý này cũng từ chối làm dịch vụ.
Anh Thành, đại diện đại lý khai thuê hải quan - Công ty Safi có trụ sở tại quận 4, TPHCM, cho biết: “Chúng tôi không dám nhận thêm khách hàng mới đến yêu cầu làm HQĐT vì doanh thu không nhiều mà phải đầu tư phần mềm, máy móc tốn kém. Đó là chưa nói tốn thời gian gấp nhiều lần vì HQĐT thường xuyên nghẽn mạng. Có vài khách hàng cũ yêu cầu chuyển lên HQĐT nhưng chúng tôi vẫn đang lúng túng, chưa biết làm thế nào”. Cũng theo anh Thành, giá trọn gói cho dịch vụ khai HQĐT chắc chắn sẽ cao hơn khai báo từ xa nhưng mức cao hơn là bao nhiêu thì chưa thể trả lời. Giá khai báo từ xa được Safi báo ở mức 5,5 triệu đồng/lô hàng một container giao trong nội thành.
Anh Duy, nhân viên làm thủ tục hải quan của đại lý M.P, thừa nhận đại lý cũng ngán làm HQĐT vì đường truyền trục trặc. “Đại lý hay hải quan đều phụ thuộc vào mạng Internet. Nếu mạng không ổn định làm trễ tiến độ lấy hàng, khách hàng phạt thì chúng tôi biết kêu ai?”, anh Duy phân tích.
Các đại lý cũng cho biết, họ không hào hứng với khách hàng mới vì những người này thường không hiểu hết thủ tục, nguyên tắc làm việc, hay phàn nàn, chê bai đại lý mà doanh số thu về không đáng kể. “Với khách hàng cũ, chúng tôi đã làm hết công suất. Quan trọng là hiểu nhau, làm việc thoải mái. Có khách mới trong bối cảnh này chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian”, anh Duy cho biết thêm.
Trong khi đó, tại các điểm làm dịch vụ truyền dữ liệu hải quan, phí thực hiện thông quan điện tử đã tăng gần gấp đôi so với hình thức khai báo từ xa. Tại điểm khai thuê hải quan Hoàng Huệ trên đường Hải Triều, quận 1, TPHCM (gần Cục Hải quan TPHCM), giá truyền dữ liệu HQĐT được niêm yết rất rõ: 100.000 đồng/bộ hồ sơ. Mức giá này mới được đưa ra hồi trung tuần tháng trước khi nhiều doanh nghiệp đến thuê truyền dữ liệu. Trước đó, giá mỗi lần truyền dữ liệu từ xa tại đây chỉ từ 30.000 - 50.000 đồng/bộ tùy vào việc doanh nghiệp có in tờ khai hay không, cung cấp thông tin để người khai thuê nhập hay tự nhập. Nhân viên tại đây giải thích ngắn gọn: “Khai HQĐT phức tạp hơn thì giá dịch vụ cao hơn”.
Tại đây, mỗi ngày đều rất đông khách hàng đến thuê làm dịch vụ. Từ thời điểm áp dụng HQĐT, cửa hàng có tổng cộng tám người làm việc bên máy vi tính (tăng 4 người so với lúc khai báo từ xa).
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com