Theo dự kiến Luật thuế nhà, đất sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, tuy nhiên theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế nhà, đất dự án luật này được chỉnh lý tiếp thu rất nhiều, nội dung còn được hơn nửa so với trước và tên dự án luật cũng thay đổi. Trong quá trình thảo luận, rất nhiều ý kiến khác nhau xoay quanh vấn đề mức thuế suất và việc có đưa thuế nhà vào luật hay không ? Thậm chí có ý kiến còn đề nghị nên “treo” dự án luật này lại...
Thuế nhà chưa ngã ngũ
Đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) nhận xét: Ban soạn thảo và Ban thẩm định chưa đánh giá được có bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu chung cư, bao nhiêu nhà phố, bao nhiêu nền đất bỏ hoang, đầu cơ để đó và bao nhiêu người dân không có chỗ ở. Tôi nghĩ Luật thuế nhà, đất phải dùng công cụ tài chính để đánh vào đầu cơ, đánh vào người có nhiều nhà, đất và dùng nó để điều tiết xã hội, để bình ổn thị trường BĐS. Nếu mục tiêu như vậy thì tôi nghĩ rằng dự luật này không đạt được.
Theo ông Trần Du Lịch, Luật thuế nhà, đất bản chất là đánh vào BĐS, nhưng không đánh vào toàn dân, chỉ đánh vào những người có nhiều nhà đất và đầu cơ nhà đất. Đối với người có một nhà nếu không đánh thuế đất, thuế nhà, 90% dân số không ảnh hưởng gì hết. Còn theo dự thảo một cán bộ có diện tích kiểu như nhà vườn do cha mẹ để lại thuộc định mức, nhà cấp 4, nhưng đất thuộc định mức theo thuế suất này vượt 3 lần định mức đánh thuế bằng người đầu cơ đất là 0,1%. Như vậy đánh vào những người chỉ có 1 nhà ở dù cha mẹ để lại, dù cán bộ hưu trí nhưng thuế suất bằng người đầu cơ đất thì ta có chấp nhận được không? Thực sự dự án luật này cũng không cải thiện nhiều so với Pháp lệnh đang có, không cần đạo luật của Quốc hội, sửa là thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Tôi đề nghị treo lại và tiến hành điều tra nghiên cứu tình trạng sở hữu nhà ở hiện nay. Quốc hội nên tiến hành một cuộc giám sát về tình trạng bỏ đất hoang, bao nhiêu dự án công nghiệp, du lịch, nhà ở, khu dân cư mới, tình trạng chiếm và bỏ đất hoang tạo sự ức chế trên thị trường là tình trạng phổ biến hiện nay, cần có một cuộc giám sát để xử lý tình hình. Tôi cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu để đẩy giá đất VN lên cao bất thường” - ông Trần Du Lịch nhấn mạnh. Đồng quan điểm với ông Trần Du Lịch, Đại biểu Vũ Hồng Anh (TP Hà Nội) cũng đề nghị đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, để đảm bảo cho luật này không ảnh hưởng tới những người đang sử dụng những nhà ở có giá trị không lớn, những người có thu nhập thấp và trung bình, thì cần xây dựng phương án để đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn, ở những khu đô thị loại 4, loại 5 không phải nộp thuế. Còn đối với nhà ở đô thị loại 3 trở lên, nhà mới xây, biệt thự, căn hộ trung, cao cấp ở các đô thị lớn thì cần phải nộp thuế.
Thuế suất chưa hợp lý?
Theo đại biểu Phạm Lễ Chi (Quảng Ninh): Về thuế suất, tôi cho rằng với mức thuế suất 0,06% hoặc 0,1% đối với người có đất sử dụng vượt hạn mức, chúng tôi cho rằng mức này chưa đủ tầm điều tiết đối với hoạt động đầu cơ, nhất là đối với những đối tượng sử dụng nhiều đất ở những khu quy hoạch, khu mới quy hoạch, mới đầu tư, khu đô thị mới.
Đại biểu Vũ Hồng Anh cũng cho rằng cần tăng mức thuế suất bởi: Thứ nhất, một trong những mục tiêu hàng đầu của dự án Luật thuế nhà, đất đặt ra là nhằm đưa dự án luật này trở thành công cụ quản lý vĩ mô để điều tiết, hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, khuyến khích thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh nhưng với mức thuế suất thấp như dự án luật tôi cho rằng khó có thể đạt được mục tiêu nêu trên. Thứ hai, việc nâng mức thuế suất sẽ góp phần hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí đất đai như hiện nay. Việc nâng mức thuế suất sẽ là biện pháp quan trọng khuyến khích người dân sử dụng đất một cách tiết kiệm và có hiệu quả. Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới cho thấy mức đầu tiên trong hạn mức tính thuế là 1%, trong khi mức lũy tiến cao nhất của dự án luật thuế này đề xuất là 0,1% là quá thấp. Có ý kiến cho rằng nếu đánh thuế cao sẽ là lực cản cho sự phát triển của thị trường BĐS. Tôi cho rằng việc đánh thuế cao đối với những phần nhà, đất vượt định mức sẽ tác động tích cực đến thị trường BĐS, nắn thị trường BĐS phát triển một cách lành mạnh và bền vững.
Riêng với đất sử dụng không đúng mục đích, đất chưa sử dụng theo đúng quy định, đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng: Khoản 4, Điều 7 quy định mức thuế suất 0,1% đối với loại này là không cần thiết vì nếu sử dụng đất không đúng mục đích hoặc chưa sử dụng theo đúng quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Chính phủ
Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch Quốc: Một số đại biểu đề nghị với các loại đất khác như đất sử dụng không đúng mục đích, đất chậm sử dụng, đất lấn chiếm thì phải thu cao hơn. Chúng tôi sẽ cân nhắc, có thể xin bằng phiếu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này, đây là quy định của pháp luật hết sức quan trọng. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề đặt ra là đất lấn chiếm cũng bàn mãi là có thu thuế hay là không? Cũng tính đến quan điểm đây là tài sản của Nhà nước, anh dùng của tôi là anh phải nộp thuế, cùng với nộp thuế anh phải xử lý bằng các biện pháp khác nữa ở các quy định pháp luật khác. Đương nhiên anh sử dụng tài sản của tôi không hợp pháp thì không có nghĩa là qua việc thu thuế này mà tôi chấp nhận anh là hợp pháp. Cho nên trong luật thể hiện ý này làm sao cho rõ ràng hơn.
Cũng về giá thuế nhưng ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) kiến nghị: Ở Khoản 2, Điều 6 quy định: giá tính thuế được tính ổn định theo chu kỳ 5 năm, vậy chúng ta lấy giá của năm nào để tính ổn định, cho nên chỗ này đề nghị nghiên cứu kỹ. Có thể năm 2010 chúng ta công bố giá đất nhưng đến năm 2012, 2013 tôi mới nhận được quyền sử dụng đất thì chúng ta tính giá đất của năm nào trong chu kỳ 5 năm này, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm chỗ này. Nên chăng chúng ta có thể sửa Khoản 2 là: giá tính thuế đất được ổn định theo chu kỳ 5 năm và theo giá công bố của năm đầu tiên của chu kỳ, như vậy mới rõ được.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com