Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế: Doanh nghiệp còn lúng túng

Công cuộc đổi mới, mở cửa đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh hoạt động thương mại quốc tế (TMQT). Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm giao thương, đầu tư quốc tế, phần lớn DN Việt Nam đã rất lúng túng khi phải đối mặt với việc xử lý các tranh chấp. Các vụ kiện về chống bán phá giá đối với cá ba sa, giày da, phụ tùng xe đạp, các vụ kiện liên quan đến Vietnam Airlines, Công ty Daso… thời gian qua là những ví dụ điển hình.

Với mục tiêu nắm bắt thực tế tranh chấp và giải quyết tranh chấp TMQT của DN Việt Nam trong quá trình tham gia các hoạt động TMQT; đồng thời, đánh giá vai trò của các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp trong việc giải quyết các tranh chấp này, Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp đã thực hiện Dự án điều tra cơ bản: Thực trạng tranh chấp và giải quyết tranh chấp TMQT của DN Việt Nam và vai trò của các thiết chế tư pháp, bổ trợ tư pháp. Kết quả cho thấy, sự hiểu biết về pháp luật TMQT và nhận thức về những rủi ro pháp lý trong hoạt động TMQT của DN còn thấp. Nhiều DN, kể cả những DN có đội ngũ cán bộ pháp chế được đào tạo cơ bản cũng không ý thức được hết những rủi ro pháp lý trong hoạt động TMQT; không nắm được các hiệp định hay tập quán TMQT trong giao nhận hàng hóa, thanh toán. Chính vì nhận thức về pháp luật và rủi ro trong hoạt động TMQT còn hạn chế, cùng với thói quen không tận dụng vai trò của luật sư và các thiết chế bổ trợ tư pháp khác nên năng lực phòng ngừa của DN Việt nam còn thấp. Cụ thể, có tới 867/1.918 DN được hỏi cho biết chưa sử dụng dịch vụ pháp lý trong việc phòng, hạn chế tranh chấp TMQT.

Khi xảy ra tranh chấp thương mại, có tới 82,5% DN cho biết thương lượng với đối tác là phương thức đầu tiên được lựa chọn. Còn trong các cuộc trao đổi trực tiếp, tất cả các DN được phỏng vấn đều cho biết, thương lượng là biện pháp được áp dụng đầu tiên khi phát sinh tranh chấp cần giải quyết. Tuy nhiên, do DN Việt Nam gần như mới tham gia vào các quan hệ TMQT, kinh nghiệm còn ít, mức độ cọ xát không nhiều, tiềm lực tài chính ít, lại chưa biết sử dụng hiệu quả dịch vụ pháp lý nên năng lực thương lượng để giải quyết các tranh chấp khó có thể so được với đối tác nước ngoài. Biện pháp hòa giải cũng đã được áp dụng nhưng chủ yếu được tiến hành trong quá trình tố tụng tòa án, trọng tài, do thẩm phán, trọng tài viên chủ động tiến hành hoặc do các luật sư tư vấn đứng ra hòa giải. Trung tâm hòa giải với tư cách là tổ chức hòa giải thương mại chuyên nghiệp mới bắt đầu được hình thành, số vụ việc được hòa giải còn rất hạn chế.

Trọng tài thương mại mặc dù là hình thức giải quyết tranh chấp ưu việt trên thế giới cũng chưa được các DN Việt Nam sử dụng nhiều. Trong 1.403 DN trả lời câu hỏi về phương thức giải quyết tranh chấp được ưu tiên lựa chọn khi soạn thảo điều khoản tranh chấp, chỉ có 100 (7,12%) DN lựa chọn phương thức trọng tài. Từ 2003-2008, chỉ có 198 vụ được giải quyết tại VIAC – Trung tâm trọng tài hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam. Trong 367 doanh nghiệp ở các tỉnh, thành khảo sát cho biết đã gặp tranh chấp TMQT, chỉ có 34 (9,26%) DN đã giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Câu hỏi sâu dành cho 333 DN đã gặp tranh chấp TMQT về “lý do không chọn trọng tài” cho thấy có nhiều nguyên nhân như: DN nghi ngờ về giá trị thi hành của quyết định trọng tài; hệ thống pháp luật kinh tế của Việt Nam nói chung, pháp luật trọng tài nói riêng tuy đã được hoàn thiện nhưng còn bất cập, thiếu đồng bộ; DN thiếu hiểu biết về trọng tài…

So với các phương thức giải quyết tranh chấp khác là hòa giải, trọng tài, giải quyết tranh chấp bằng tòa án chiếm ưu thế hơn do bản án, quyết định của tòa án có giá trị thi hành và trình tự thủ tục giải quyết chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc đã giải quyết bằng phương thức khác nhưng không hiệu quả cũng là lý do để 72/367 DN được hỏi cho biết đã giải quyết tranh chấp TMQT ở tòa án. Thực tế khảo sát cho thấy, chất lượng xét xử của ngành Tòa án đã từng bước được nâng lên, nhiều bản án thể hiện những căn cứ pháp lý có tính thuyết phục, phong cách giải quyết của Tòa án chuyên nghiệp hơn. Ở một số tòa án bước đầu đã hình thành đội ngũ thẩm phán chuyên giải quyết tranh chấp TMQT (Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa). Tuy nhiên, thủ tục tố tụng phức tạp và thời gian giải quyết tại tòa kéo dài hơn quy định nhiều DN và cả luật sư tỏ ra quan ngại khi đưa vụ việc ra giải quyết tranh chấp tại tòa án.

Trong số các thiết chế bổ trợ tư pháp, luật sư là thiết chế có vai trò quan trọng hơn cả trong việc hỗ trợ DN phòng ngừa và giải quyết tranh chấp. Luật sư luôn được coi là người đồng hành với DN trong suốt quá trình đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng với đối tác nước ngoài; hỗ trợ DN giải quyết tranh chấp phát sinh, thông qua việc đưa ra những ý kiến tư vấn về mặt pháp lý. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia hoạt động TMQT, các DN Việt Nam cũng như giới luật sư chưa hình thành mối quan hệ thường xuyên và chặt chẽ. DN chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý như một công cụ hữu hiệu, trong khi bản thân các luật sư cũng chưa thực sự đủ năng lực đáp ứng những đòi hỏi của việc hỗ trợ về mặt pháp lý. Đội ngũ luật sư hiện nay thiếu về số lượng, trình độ tư vấn và tham gia giải quyết về TMQT còn hạn chế. Hiệu quả của các thiết chế bổ trợ tư pháp khác như công chứng, giám định… cũng còn thấp.

Thực trạng trên cho thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động TMQT của DN Việt Nam, vấn đề cần thiết và cấp bách là phải nâng cao năng lực phòng tránh và giải quyết tranh chấp TMQT cho DN. Vì vậy, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động TMQT của DN, tổ chức và hoạt động của các tổ chức tư pháp và bổ trợ tư pháp. Nâng cao nhận thức của DN về các rủi ro, các biện pháp có thể và cần được sử dụng để phòng ngừa các rủi ro làm phát sinh tranh chấp cũng như giải quyết tranh chấp phát sinh. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp hỗ trợ mang tính kỹ thuật để nâng cao năng lực phòng ngừa và giải quyết tranh chấp của DN. Đối với hệ thống tư pháp và bổ trợ tư pháp, cần năng cao năng lực của các tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại, đặc biệt là TMQT; tăng cường các thiết chế giải quyết tranh chấp bổ sung, nâng cao năng lực của các trọng tài viên, hòa giải viên; tăng cường đội ngũ luật sư và nâng cao năng lực tư vấn, tranh tụng trong lĩnh vực TMQT...

(Theo Nguyên Nhung // Báo Người đại biểu Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Dự thảo Luật Thuế môi trường: Điều tiết hành vi sản xuất
  • Buôn bán động vật hoang dã - Thuốc trị chưa đặc hiệu
  • Trở lại vụ “bức tử” rừng ở Quảng Nam: Có bao che phá rừng?
  • Chồng chéo thuế và phí
  • Hoạt động xuất khẩu lao động ở Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị
  • Năm 2010: Nguy cơ tăng cao số vụ kiện chống bán phá giá
  • Cần làm rõ một số điểm
  • Căn cứ pháp lý của biện pháp tạm giữ phương tiện giao thông
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%