Những năm vừa qua, trước tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ, Chính phủ và các cơ quan chức năng của nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng trên và nhằm thiết lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực an toàn giao thông nói chung và an toàn giao thông đường bộ nói riêng. Để đấu tranh với tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, ngoài những quy định chung của pháp luật, có tỉnh, thành phố đã đưa ra các biện pháp riêng để áp dụng cho địa phương mình. Một trong những biện pháp của các địa phương được cho là có tác dụng răn đe, phòng ngừa tốt nhất là biện pháp “tạm giữ xe” trong thời hạn 15 ngày. Biện pháp này sau đó đã được nhân rộng ở nhiều địa phương khác và cuối cùng đã được “luật hoá” vào Nghị định số 15/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ, theo đó, người điều khiển xe vi phạm ngoài việc bị phạt tiền là hình thức xử phạt chính còn chịu hình thức xử phạt bổ sung là tạm giữ xe 60 ngày.
Ngày 15/12/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/2005/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Nghị định này thay thế Nghị định số 15/2003/NĐ-CP, theo đó biện pháp tạm giữ xe không còn là hình thức xử phạt “ăn theo” hình thức xử phạt chính, mà được “nâng cấp” thành một biện pháp riêng, độc lập với các hình thức xử phạt khác, đó là biện pháp “tạm giữ phương tiện giao thông đường bộ” được quy định tại Điều 7 của Nghị định số 152.
Có thể nói, việc tạm giữ phương tiện giao thông không phải là biện pháp mới, mà theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính thì đây là một trong các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, theo đó, người có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm hành chính ngoài việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn có thẩm quyền tạm giữ người; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính ...
Mặc dù rất ủng hộ chủ trương của Chính phủ, nhưng ngay từ khi biện pháp tạm giữ xe và sau này là tạm giữ phương tiện giao thông được áp dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày, tức là từ khi áp dụng một biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trở thành một biện pháp riêng, độc lập với các hình thức xử phạt khác, đã có nhiều ý kiến về căn cứ pháp lý cũng nhưsự cần thiết của biện phápnày.
Theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 152 thì để ngăn chặn hành vi vi phạm hoặc xác minh tình tiết làm căn cứ cho việc xử lý, người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện vi phạmphải ra quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạmsau đây:
a) Tạm giữ phương tiện trong thời hạn 3 ngày đối với hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi trên đường quy định phải đội mũ;
b) Tạm giữ phương tiện trong thời hạn 10 ngày đối với các hành vi: vượt bên phải xe khác trong trường hợp không được phép; không chấp hành lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; điều khiển xe chạy quá tốc độ trên 20 km /h; không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông tại nơi ùn tắc giao thông; dùng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy...
c) Tạm giữ phương tiện trong thời hạn 30 ngày đối với các hành vi: điều khiển xe lạng lách, đuổi nhau trên đường bộ mà không chấp hành lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống đối người thi hành công vụ; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, xe chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; sử dụng xe có tay lái bên phải mà không được phép; xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép...
Qua nghiên cứu cho thấy, trước hết là theo quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính về các hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả, thì biện pháp “tạm giữ phương tiện” không được quy định trong các hình thức xử phạt chính (cảnh cáo hoặc phạt tiền) cũng như trong các hình thức xử phạt bổ sung (tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính). Mặt khác, cũng không thể coi đây là hình thức áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được, vì việc tạm giữ phương tiện giao thông hoàn toàn không liên quan đến việc khắc phục hậu quả do các hành vi vi phạm các quy định về giao thông đường bộ. Như vậy, biện pháp “tạm giữ phương tiện” là một chế tài mới, độc lập với các hình thức xử phạt khác và chưa được quy định trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Thứ hai là, Điều 46 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính quy định “Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp cần để xác minh tình tiết làm căn cứ quyết định xử lý hoặc ngăn chặn ngay vi phạm hành chính”. Đồng thời,theo khoản 3 Điều 57 thì có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp áp dụng hình thức phạt tiền mà người điều khiển phương tiện không có giấy phép lái xe hoặc giấy tờ có liên quan cần thiết khác. Căn cứ vào các quy định này, thì việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không phải là hình thức xử phạt hành chính, mà là biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính. Đây là biện pháp áp dụng chung không phải để áp dụng cho một hành vi cụ thể nào, do đó không thể quy định hành vi nào phải bị áp dụng biện pháp ngăn chặn này. Cũng theo quy định tại Điều 46 của Pháp lệnh, thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính nhìn chung được áp dụng hạn chế trong những trường hợp như điều khiển xe xảy ra tai nạn giao thông, đua xe trái phép, dùng xe để chở hàng cấm... mà việc tạm giữ phương tiện là cần thiết nhằm xác minh tình tiết vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm cho việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện. Vì vậy, việc Nghị định số 152 quy định biện pháp tạm giữ phương tiện giao thông đối với những hành vi vi phạm cụ thể, về mặt thực tế đã biến biện pháp ngăn chặn thành một biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Điều đáng lưu ý là Nghị định số 152 không coi tạm giữ phương tiện giao thông là một trong những hình thức xử phạt vi phạm hành chính, nhưng lại quy định các hành vi vi phạm hành chính cụ thể được áp dụng biện pháp tạm giữ phương tiện giao thông là không phù hợp với nguyên tắc “cá nhân, tổ chức chỉ bị bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định” được quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.
Cuối cùng là điều kiện cần thiết để áp dụng biện pháp này, bởi vì để thực hiện biện pháp tạm giữ xe, về phía nhà nước, mỗi tỉnh, thành phố cần dành ra một diện tích hàng ngàn m2 đất, phải làm nhà kho che mưa nắng để tạm giữ ô tô, xe máy các loại, phải có lực lượng trông coi, bảo vệ xe suốt ngày đêm (nếu không có lực lượng này thì phải đi thuê), cơ quan công an phải có người trực làm các thủ tục nhận giữ và trả xe, phải lo phòng chống cháy, nổ...Còn về phía người dân, thiệt hại lớn nhất là không có phương tiện đi lại để làm ăn, sinh sống trong một thời nhất định, phải trả tiền lưu kho, bãi và những khoản phí khác (đáng lẽ ra đương sự không phải trả những khoản tiền này vì đây là biện pháp được thực hiện do công tác quản lý nhà nước), ô tô, xe máy để trong nhà kho không được bảo dưỡng thường xuyên nên thường han gỉ, xuống cấp nghiêm trọng...
Chúng tôi nhận thấy, về nguyên tắc, khi áp dụng biện pháp ngăn chặn thì biện pháp này phải tương xứng với hình phạt chính được áp dụng đối với hành vi vi phạm đó. Nghĩa là, thiệt hại do biện pháp ngăn chặn gây ra cho đương sự nhìn chung bao giờ cũng phải bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do hình phạt chính được áp dụng cho đương sự, trong khi đó, theo Nghị định số 152, hành vi vi phạm hành chính nếu mức xử phạt chính tối đa là 100.000 đồng nhưng thiệt hại gây ra cho đương sự khi tạm giữ phương tiện là 15 ngày cộng với các khoản phí khác thì thiệthại cho đương sự lớn hơn gấp nhiều lần số tiền 100.000 đồng. Điều đáng lưu ý là, trên thực tế biện pháp tạm giữ phương tiện giao thông được quy định trong Nghị định số 152 cũng không phải là giải pháp có hiệu quả hạn chế và khắc phục tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao đường bộ như mong muốn.
Theo chúng tôi, việc xử lý đúng mức hành vi vi phạm có tác dụng phòng ngừa, giáo dục cao hơn là việc xử lý mạnh quá mức cần thiết. Hiện nay có quan điểm cho rằng, chế tài xử lý vi phạm là quá nhẹ, nên không có tác dụng răn đe cao. Nhưng thực tế chứng minh là không phải như vậy, điều quan trọng là mọi hành vi vi phạm phải được phát hiện kịp thời và phải bị đình chỉ ngay và điều quan trọng hơn nữa, là những hành vi này phải bị dư luận và xã hội lên án, chứ không nên điều chỉnh pháp luật theo hướng nâng cao mãi mức hình phạt.
Trong trường hợp nhận thấy biện pháp tạm giữ phương tiện giao thông là biện pháp tốt để phòng ngừaT, hạn chế các vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ thì cần phải “luật hoá” biện pháp này trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (dự kiến được sửa đổi, bổ sung trong năm 2007) hoặc trong Bộ luật Xử lý vi phạm hành chính, theo hướng không coi đây là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính nữa, đồng thời phải quy định chặt chẽ những điều kiện cần thiết để áp dụng, tránh áp dụng tràn lan đối với cả những hành vi không đáng áp dụng.
(Theo Nguyễn Hoài Nam // Báo Nghiên cứu Lập Pháp Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com