Theo những quy định trước đây, trước khi cấp GPXD, Nhà nước đã kiểm soát về an toàn công trình xây dựng thông qua việc thẩm định thiết kế kỹ thuật theo quy định của Nghị định số 52/1999/NĐ-CP hoặc thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định của Luật Xây dựng. Tuy nhiên, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản có hiệu lực ngày 1/8/2009 đã bỏ quy định về thẩm định thiết kế cơ sở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà giao trách nhiệm này cho người quyết định đầu tư.
Do vậy, các chuyên gia của Bộ Xây dựng cho rằng, cần bổ sung quy định Nhà nước kiểm soát an toàn công trình xây dựng ở giai đoạn cấp GPXD. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng như an toàn của cộng đồng. Ngoài ra, cũng cần bổ sung, làm rõ một số quy định về GPXD như: trình tự, thủ tục cấp GPXD; nội dung xem xét (thẩm tra) hồ sơ để cấp GPXD của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; cấp giấy phép di dời công trình; cấp GPXD theo từng loại công trình và theo giai đoạn; giá trị pháp lý của GPXD liên quan đến việc đăng ký sở hữu tài sản… Đồng thời, cần hạn chế những trường hợp được miễn GPXD, nhằm bảo đảm sự quản lý nhà nước đối với công trình xây dựng.
Mặt khác, qua kết quả rà soát các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Xây dựng, một số thủ tục trong công tác cấp GPXD, như thủ tục gia hạn GPXD, chứng minh nguồn gốc đất trong đơn xin GPXD… không còn phù hợp với yêu cầu thực tế, cần được đơn giản hóa.
Mới đây, trong buổi làm việc giữa đại diện Bộ Xây dựng với Tổ công tác Chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, đã có nhiều kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi những thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp GPXD. Theo đó, trong tổng số 14 thủ tục hành chính ưu tiên trong lĩnh vực xây dựng, thì nhóm thủ tục hành chính về cấp GPXD gồm 12 thủ tục cần được cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nhằm tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong việc xin GPXD, bởi đây là lĩnh vực liên quan chặt chẽ đến đời sống của người dân, doanh nghiệp và đang gây ra nhiều bức xúc trong nhân dân.
Một vấn đề rất được quan tâm là theo quy định hiện hành, GPXD có hiệu lực khởi công xây dựng trong thời hạn 1 năm kể từ ngày cấp; quá thời hạn này, chủ đầu tư phải xin gia hạn giấy phép. Nhưng thực tế cho thấy, thủ tục gia hạn tạo cho chủ đầu tư tâm lý ỷ lại, thường không chuẩn bị tốt việc khởi công công trình trước khi xin cấp phép, gây khó khăn cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong quản lý trật tự xây dựng.
Một vấn đề khác là phí xây dựng hiện do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định. Bộ Xây dựng cho rằng, thực tế chỉ một số địa phương có quy định về phí xây dựng và mỗi địa phương lại có quy định khác nhau. Điều này cản trở việc đầu tư, gây khó khăn cho nhà đầu tư, vì thực chất Nhà nước đã thu các khoản thuế khi nhà đầu tư hoạt động kinh doanh ngay từ khi xây dựng công trình.
Nhiều nội dung khác như thời hạn, điều chỉnh, gia hạn GPXD, cấp GPXD bổ sung… cũng sẽ được nghiên cứu đưa vào Dự thảo nghị định mới về GPXD, nếu Chính phủ chấp thuận cho Bộ Xây dựng chủ trì soạn thảo Nghị định này.
(Theo Hữu Tuấn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com