Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi có nhiều điểm chưa rõ ràng có thể gây khó khăn cho hoạt động của các ngân hàng. Ảnh: Lê Toàn. |
Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp lần này. Các quy định mới của luật sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của lĩnh vực này trong giai đoạn sắp tới thế nhưng điều đáng quan tâm là bóng dáng của cơ chế xin - cho dường như thể hiện khá rõ nét trong lần sửa luật này.
Dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi lần này có nhiều quy định mới khắc phục được các bất cập trong quá trình quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ví dụ như dự thảo luật mở rộng phạm vi điều chỉnh từ chỗ chỉ điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của các tổ chức tín dụng sang điều chỉnh về thành lập, tổ chức, quản lý, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại và giải thể của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt quan trọng là nội dung quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng ngày càng chặt chẽ hơn. Đây là một trong những nội dung mới được các tổ chức tín dụng là đối tượng điều chỉnh của Luật này đặc biệt quan tâm. Phát biểu tại Quốc hội ngày 22-5, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho rằng dự thảo luật vẫn còn nhiều quy định không cụ thể, giao cho Chính phủ, NHNN hướng dẫn. Đây lại là những vấn đề rất cụ thể liên quan trực tiếp đến hoạt động của các tổ chức tín dụng. Ví dụ như ngân hàng thương mại muốn mua lại công ty con, công ty liên kết hoặc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp phải được sự chấp thuận bằng văn bản trước của NHNN. Tuy nhiên, dự thảo luật không quy định cụ thể điều kiện, thủ tục để được NHNN chấp thuận cho ngân hàng thương mại góp vốn, mua cổ phần. Trong khi Luật Doanh nghiệp và nhiều luật được ban hành với cơ chế “hậu kiểm”, cho phép doanh nghiệp được chủ động quyết định đầu tư, kinh doanh với những điều kiện biết trước thì Luật tổ chức tín dụng lại được sửa đổi với xu hướng “tiền kiểm” không rõ ràng, trở thành mối lo ngại của các ngân hàng khi đứng trước các quyết định đầu tư, kinh doanh. Còn nhiều quy định tương tự khác. Chẳng hạn, dự thảo luật không quy định các điều kiện và giới hạn cụ thể mà giao cho NHNN quy định giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; hoặc ngân hàng thương mại chỉ được thực hiện dịch vụ thanh toán quốc tế và các dịch vụ thanh toán khác sau khi được NHNN chấp thuận; hoặc NHNN quy định phạm vi, điều kiện kinh doanh ngoại hối, kinh doanh cung ứng sản phẩm phái sinh của ngân hàng thương mại… Thậm chí trong trường hợp cần thiết (không rõ là trường hợp nào), NHNN có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm làm thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc (giám đốc) của tổ chức tín dụng cũng phải được NHNN chấp thuận trước khi bầu, bổ nhiệm các chức danh này. Những quy định quá chặt chẽ như thế khiến cho hoạt động của các ngân hàng thương mại trở lại cơ chế xin - cho, rất nặng nề. Như vậy, ngoài thủ tục xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động, các ngân hàng thương mại còn phải được sự chấp thuận của NHNN trước khi quyết định rất nhiều các hoạt động đầu tư, kinh doanh cụ thể - thực chất là các giấy phép con, không phù hợp với các nguyên tắc của Luật Doanh nghiệp. Ngay cả quy định về điều kiện xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng trong dự thảo luật cũng không rõ ràng, chẳng hạn như các điều kiện đối với cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập, chủ sở hữu, mà giao lại cho NHNN quy định. Dự thảo luật cũng không quy định cụ thể về mức lệ phí cấp giấy phép.Và ngay cả khi đáp ứng được tất cả các điều kiện theo quy định và được cấp phép, thì trước khi khai trương hoạt động, tổ chức tín dụng vẫn phải báo cáo NHNN. Những quy định như vậy chứng tỏ NHNN vẫn làm việc theo cơ chế ngồi đợi báo cáo, xem xét, chứ không chủ động kiểm tra trước, không tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng khi gia nhập thị trường cũng như tiến hành công việc kinh doanh. Các quy định quản lý quá cứng nhắc này khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại về tương lai của lĩnh vực này. Luật này trao cho cơ quan quản lý nhiều quyền quyết định như vậy được lý giải là nhằm ngăn chặn, kiểm soát và bảo đảm an toàn cho các tổ chức tín dụng, nhưng thực chất là NHNN đã can thiệp quá sâu vào công việc kinh doanh của các tổ chức tín dụng, làm mất quyền tự chủ quyết định đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư. Thực ra, NHNN hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ, biện pháp giám sát phòng ngừa khác bằng việc xem xét các báo cáo định kỳ của các tổ chức tín dụng, nếu phát hiệu có dấu hiệu vi phạm thì xử lý ngay chứ không nhất thiết phải phê duyệt cụ thể về từng hoạt động của mỗi tổ chức tín dụng. Thời gian qua, chính sách quản lý trong lĩnh vực này khá mở, nhiều ngân hàng thương mại ra đời, các sản phẩm tín dụng ngày càng đa dạng, các hình thức đầu tư mở ra nhiều hơn, nhưng với các quy định của dự thảo sửa đổi này, các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc, thận trọng hơn với nhiều rào cản mới.
(Theo Quang Minh // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com