Hiện vẫn còn khoảng từ 30 - 40% vỏ bình gas cũ trôi nổi |
Gas giả, nhái chiếm tới 30% thị trường và làm thất thoát khoảng 80 tỷ đồng tiền thuế mỗi năm của Nhà nước.
DN thả lỏng ?
Tình trạng sang chiết gas trái phép đang có xu hướng tăng lên. Trên địa bàn TP HCM, chỉ trong ba tháng đầu năm 2010, các cơ quan chức năng đã phát hiện, thu giữ 331 bình gas lớn (loại 12kg), 745 bình gas mini và nhiều dụng cụ dùng sang chiết gas trái phép. Tại Hà Nội, tính từ đầu năm 2009 lại đây, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý 70 vụ sang chiết gas trái phép, tịch thu hàng trăm bình gas các loại. Trước đó, tại Đồng Nai, đội quản lý thị trường cơ động cũng đã phát hiện một cơ sở sang chiết gas lậu với quy mô lớn đang sang chiết gas từ một xe bồn có trọng lượng 22 tấn, thu giữ hàng trăm bình gas lớn nhỏ từ 12kg đến 48kg giả các nhãn hiệu VT-Gas, Shell Gas, Saigon Gas, SP Gas...
Theo thống kê của các DN, hiện nay vẫn còn khoảng từ 30 - 40% vỏ bình gas cũ trôi nổi trên thị trường. Chỉ riêng Vinagas, trong nửa đầu năm 2009, số lượng vỏ bình không thu hồi được đã vượt quá con số 40%. Nguyên nhân chính của vấn đề này phải nói đến khâu kiểm soát của một số công ty gas còn lỏng lẻo. Một số DN thực hiện việc sang chiết gas cho các trạm chiết. Điều này đã tạo ra các kẽ hở để các trạm chiết tự mua bình về sản xuất dưới thương hiệu của chính công ty gas có hợp tác sản xuất. Bên cạnh đó, giá đặt cọc vỏ bình gas đang ở mức quá thấp dẫn đến việc DN khó thu hồi vỏ bình. Chính sự lỏng lẻo này đã dẫn đến tình trạng nhiều đại lý không trả lại vỏ bình cho DN và tận dụng số vỏ đó để bán cho các cơ sở chiết nạp gas. Nhiều vỏ bình gas đã bị tẩy xóa thông số khiến cho việc không kiểm soát được, không tái kiểm định vỏ bình theo đúng quy định, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Một kết quả nghiên cứu của các DN trong lĩnh vực này cho thấy, có khoảng 80 % đại lý của nhiều hãng gas có bán gas giả, nhái lẫn với hàng chính hãng.
Thiếu hành lang pháp lý ?
Tuy nhiên, các DN cho rằng, sở dĩ có tình trạng trên là do thiếu một hành lang pháp lý nên ở cả 3 khâu quan trọng trong việc kinh doanh gas như kiểm soát nguồn gas, trạm sang chiết gas và việc lưu hành bình gas vẫn đang bị thả nổi.
Thực tế, việc sử dụng bình gas giả và sang chiết trái phép đang diễn ra trên diện rộng, song việc kiểm tra lại không đơn giản, bởi hầu hết trường hợp vi phạm đều có giấy phép đăng ký nhưng vẫn chiếm dụng bình của các hãng để sang chiết bất hợp pháp. Hiệp hội Gas Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành chức năng đề nghị tăng mức đặt cọc vỏ bình gas lên so với mức quy định đặt cọc từ 30 - 50% giá trị của vỏ bình. Đồng thời, cần sớm ban hành các văn bản pháp quy về điều kiện kinh doanh cho các trạm chiết nạp gas. Theo đó, cần nêu rõ quy mô trạm, nạp gas, sức tồn chứa gas, số lượng vỏ bình gas tương ứng với quy mô đăng ký thương hiệu với cơ quan chức năng. Nếu không có khả năng đầu tư vỏ bình thì không cấp phép hoạt động. Cần quy định xử lý rõ các mức độ vi phạm từ nhắc nhở, xử phạt hành chính, rút giấy phép, truy tố theo quy định pháp luật. Các hãng gas cũng đề nghị Bộ Tài chính cho phép trích thưởng trực tiếp cho các cơ quan chức năng, phát hiện xử lý các trường hợp chiếm dụng bình trái phép trên số lượng bình đã bị tịch thu...
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com