Uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai ra đời đã hai năm nhưng hoạt động còn mờ nhạt. Những con sông đang chết từng ngày trong khi 12 tỉnh thành trên lưu vực chưa có hành động nào quyết liệt.
![]() |
Những họng nước xả từ các khu công nghiệp đang từng ngày đầu độc hệ thống sông Đồng Nai |
Theo tổng cục Môi trường, chất lượng nước mặt các sông trong hệ thống sông Đồng Nai hiện đã vào tình trạng báo động ô nhiễm nghiêm trọng như khu vực hạ lưu tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Đây là nơi tiếp nhận phần lớn các nguồn nước thải sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp, một phần chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp, chất thải nguy hại…
Đua nhau xả thải
Tại khu vực TP.HCM, vị trí lấy nước thô làm nước sinh hoạt cho người dân chỉ cách nguồn xả thải từ các khu công nghiệp Bình Dương khoảng 5km, cách nguồn xả thải khu công nghiệp Tân Quy 1km. Hay vị trí lấy nước thô của TP.HCM trên sông Đồng Nai (chiếm 71% tổng công suất) cũng đang bị ô nhiễm do tập trung vùng đô thị mới và tàu bè qua lại. Ông Võ Quang Châu, phó tổng giám đốc tổng công ty nước Sài Gòn (Sawaco), cho biết, hàm lượng amoniac trên sông Sài Gòn, Đồng Nai thời gian vừa qua đang tăng nhanh, có nơi vượt tiêu chuẩn tới 28 lần, nếu xử lý không tốt thì sẽ sinh ra hợp chất nitrat, nitrit trong nước ăn, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân. Tương tự, hàm lượng các chất hữu cơ cũng đang tăng cao, năm sau hơn năm trước, hạn chế quá trình khử sắt và mangan đang tăng nhanh trong nước. Quá trình xâm nhập mặn trên sông cũng đến quá sớm so với mọi năm. Theo ông Châu, vấn đề xử lý nước sạch ngày càng phức tạp. Hàng năm Sawaco phải tốn khoảng 4,5 tỉ đồng trả cho hồ Dầu Tiếng xả nước để đẩy, rửa nước mặn, nước dơ ở nhiều thời điểm. Các thiết bị châm hoá chất phải hoạt động hết công suất,…
Trong khi đó, việc giải quyết ô nhiễm ở các tỉnh thành trên lưu vực sông còn quá khó kiểm soát. Hiện tại TP.HCM chỉ mới xây dựng được 1/9 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, ngay cả 13/13 khu công nghiệp đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng không ai đảm bảo được các doanh nghiệp hoàn toàn tuân thủ việc đấu nối… Hay tại tỉnh Dăk Nông, cả sáu khu công nghiệp đến nay đều chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tỷ lệ khu đô thị có hệ thống xử lý nước thải ở Lâm Đồng chỉ 8,3%. Còn các tỉnh như Long An, Tây Ninh là 0%...
Cơ quan không quyền
Ông Bùi Cách Tuyến, tổng cục trưởng tổng cục Môi trường, thừa nhận: tuy đã ra đời hai năm nhưng hoạt động của uỷ ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai còn quá mờ nhạt. Uỷ ban có tám thứ trưởng, 12 chủ tịch UBND tỉnh thành nhưng không có ai có đủ quyền, làm “nhạc trưởng” do thiếu cơ chế. Từ chủ tịch, phó chủ tịch đến uỷ viên đa số đều làm nhiệm vụ kiêm nhiệm nên khó mà bố trí thời gian thực hiện nhiệm vụ. Theo ông Tuyến, để quản lý lưu vực sông chỉ có cách cắt mọi nguồn ô nhiễm thải ra sông nhưng việc cắt này trong thực tế là không thể khi liên quan đến tám bộ ngành khác nhau và đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng cùng một lúc. Trong khi đó, cho đến nay các địa phương trên lưu vực hầu như không bố trí được mục chi riêng cho các dự án, nhiệm vụ thuộc đề án sông Đồng Nai từ vốn sự nghiệp môi trường cho đề án bảo vệ sông Đồng Nai.
Làm theo cơ chế đồng thuận, lại không quyền, không tiền, cho đến nay, liên quan đến việc triển khai đề án sông Đồng Nai trên địa bàn, ngoại trừ ba tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, chưa địa phương nào ban hành chương trình hay kế hoạch hành động cụ thể. Về ban chỉ đạo, ngoại trừ Long An, Bình Dương, còn lại mười tỉnh thành khác chưa thành lập ban chỉ đạo cũng như văn phòng hay bộ phận giúp việc chuyên trách triển khai đề án. Mặc dù Chính phủ đã ký văn bản chỉ đạo không được đầu tư một số ngành công nghiệp như chế biến cao su, tinh bột, dệt nhuộm… ở hai bên bờ sông Thị Vải thì thực tế Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn cứ ký cho người ta vào đầu tư.
(bài và ảnh: Lê Quỳnh // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com