Khi hàng hóa có khuyết tật, người mua nên tạo cơ hội hợp lý cho người bán sửa chữa khuyết tật đó trước. Nếu người bán không sửa chữa hoặc không sửa được thì người mua mới có quyền hủy hợp đồng.
Tranh chấp giữa bị đơn là bên mua Ba Lan và nguyên đơn là bên bán Singapore. Hàng hóa là linh kiện máy tính có lỗi kỹ thuật. Bên mua ngay lập tức hủy hợp đồng. Bên bán cho rằng các lỗi này không cấu thành vi phạm cơ bản và mình có quyền có cơ hội để sửa chữa sai hỏng của hàng hóa. Bên bán đã khởi kiện bên mua tại Trọng tài quốc tế.
Bất phân thắng bại
Nguyên đơn (bên bán) cho rằng sự không phù hợp của hàng hóa được giao với hàng hóa quy định trong hợp đồng chưa thể bị xem là vi phạm cơ bản.
Nguyên đơn cũng cho rằng trong trường hợp hàng hóa có sai sót, người bán có quyền mong đợi cơ hội khắc phục khiếm khuyết một cách hợp lý. Trong trường hợp này, đại diện người bán đã chứng minh rằng các công việc cần thiết cho phép các thiết bị này được điều chỉnh đã được thực hiện và thực tế là bên bán không hề nêu ra yêu cầu bên mua phải bồi hoàn chi phí sửa chữa đó. Như vậy xét theo tinh thần của Công ước Vienna và luật Pháp, thì trong trường hợp này, người mua không có quyền hủy hợp đồng.
Tuy nhiên bị đơn (bên mua) cho rằng theo các quy định trong mua bán, các bên phải giao hàng đúng như được quy định trong hợp đồng (Bộ luật dân sự Pháp điều 1603, 1625,1234, và Công ước Vienna điều 35). Ở đây người bán đã giao hàng không phù hợp, không đáp ứng được mục đích ban đầu của người bán. Vì vậy đây được xem là vi phạm cơ bản, và người mua hoàn toàn có quyền hủy hợp đồng.
Phân tích và quyết định của trọng tài
Theo các bằng chứng đưa ra, bên bán đã giao hàng không phù hợp cho bên mua. Tuy nhiên, một điều cần phải xem xét là sự không phù hợp này ở mức độ nào, và liệu đã đủ để bên mua đưa ra quyết định chấm dứt hợp đồng hay không. Theo luật Pháp cũng như luật hầu hết các quốc gia, chỉ khi có sự vi phạm cơ bản thì mới được phép hủy hợp đồng và điều này cũng được quy định tương tự tại điều 49 trong Công ước Vienna 1980: “Người mua có thể tuyên bố hủy hợp đồng nếu việc người bán không thực hiện một nghĩa vụ nào đó của họ phát sinh từ hợp đồng hay từ công ước này cấu thành một vi phạm cơ bản hợp đồng.”
Việc người mua lập luận hàng hóa không phù hợp là vi phạm cơ bản của người bán, cơ sở để chấm dứt hợp đồng, là không thỏa đáng. Hội đồng trọng tài quan tâm đến một chi tiết rằng hàng hóa không được miêu tả đúng như trong tài liệu mà bị đơn đã đưa ra làm căn cứ. Thực tế là hàng hóa được giao có khiếm khuyết nhưng bị đơn lại không lập luận rằng những sai sót và thiếu phù hợp nêu trên khiến hàng hóa hoàn toàn không thể sử dụng được. Chính vì vậy, hàng hóa, dù chưa phù hợp, chưa bị xem là kém phẩm chất đến nỗi không thể đáp ứng được mục đích sử dụng của người mua. Do đó, vi phạm của người bán giao hàng không phù hợp chưa bị xem là vi phạm cơ bản theo Công ước Vienna (điều 25). Trong tình huống này, đại diện của bên bán đã khẳng định trong biên bản chứng thực của anh ta về việc sửa chữa đối với hàng hóa cung ứng có thể được tiến hành với chi phí nhỏ nhất. Thực tế, bên bị đơn đã không hề đề cập đến vấn đề sửa chữa này. Bên cạnh đó, tòa án cũng đã xác nhận được rằng: thông qua bản Telex mà bên bị đơn đã yêu cầu hoãn việc giao một phần hàng hóa đã đặt hàng là vì lý do gặp tình huống khó khăn của bên khách hàng cuối cùng mua sản phẩm, chứ không có bất cứ vấn đề kỹ thuật nào nảy sinh. Như vậy, hội đồng trọng tài kết luận, người mua đã vi phạm điều 49 Công ước Vienna vì không tạo cơ hội để người bán khắc phục khiếm khuyết, và vì vi phạm của người bán không phải là vi phạm cơ bản, nên hội đồng đưa ra phán quyết hợp đồng không bị hủy trong trường hợp này.
Trọng tài phán quyết: Bị đơn chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn vì đã hủy hợp đồng thiếu căn cư. Tuy vậy, trọng tài xác nhận bị đơn được quyền giảm giá sản phẩm với mức 25% trị giá còn lại của hợp đồng.
Bình luận và lưu ý
Hủy hợp đồng là chế tài nặng nhất cho hành vi vi phạm hợp đồng của các bên tham gia hợp đồng. Vi phạm cơ bản theo quy định của Công ước Vienna là một sự vi phạm hợp đồng do một bên gây ra nếu vi phạm đó làm cho bên bị thiệt hại, trong một chừng mực đáng kể bị mất cái mà họ có quyền chờ đợi trên cơ sở của hợp đồng. Trong trường hợp này, người mua kinh doanh máy vi tính, và lô hàng nhập về, tuy có một số khiếm khuyết, vẫn được bán cho người tiêu dùng. Như vậy, đối tượng của hợp đồng đáp ứng mục đích kinh doanh người mua. Thêm vào đó, bên bị đơn không hề phủ nhận rằng khiếm khuyết của hàng hóa khiến anh ta mất đi hoàn toàn cơ hội sử dụng nó. Chính vì vậy, sự không phù hợp này không bị xem là vi phạm cơ bản; người mua không đủ cơ sở để yêu cầu hủy hợp đồng.
Một giới hạn quan trọng cho việc hủy hợp đồng theo Công ước Vienna là khả năng khắc phục khiếm khuyết hàng hóa của người bán. Như vậy, trong trường hợp hàng hóa được giao có khiếm khuyết mà người bán có thiện chí và sẵn sàng sửa chữa hay thay thế hàng hóa, thì người mua cũng nên tạo điều kiện cho người bán thực hiện điều này.
Cách quan niệm như trên về vi phạm cơ bản trong hợp đồng và điều kiện để hủy hợp đồng đã phản ánh tư tưởng chủ đạo của Công ước Vienna là luôn đề cao tính thực thi của hợp đồng trong hoạt động kinh doanh thương mại quốc tế. Trong mọi trường hợp, chế tài hủy hợp đồng chỉ nên được xem như là phương án giải quyết cuối cùng. Bằng cách này, Công ước Vienna đã đóng góp như là một công cụ giải quyết vi phạm thực sự hiệu quả.
(Nguyễn Minh Hằng // Đại học Ngoại thương Hà Nội // DDDN)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com