Thi công lắp đặt bảng hiệu quảng cáo ở khu trung tâm TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Mục tiêu cuối cùng của Dự luật Quảng cáo là nhằm kiểm soát sự phát triển hoạt động quảng cáo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp muốn đẩy mạnh truyền thông về sản phẩm, dịch vụ của mình và các nội dung tuyên truyền khác của Nhà nước và của các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Với mục tiêu đó, phần lớn nội dung dự thảo luật phải đáp ứng được nhu cầu thực tế trong cuộc sống. Các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động quảng cáo cũng phải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo, dù với mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, vẫn bảo đảm tính văn hóa, giáo dục, trật tự và an toàn xã hội.
Xét theo tiêu chí đó, dự thảo luật đang được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch lấy ý kiến rộng rãi trong cả nước, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 4-2011, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu này.
Ngay cả khái niệm về quảng cáo trong dự thảo luật cũng chưa thể hiện đúng bản chất của hoạt động quảng cáo. Theo dự thảo thì quảng cáo chỉ là việc giới thiệu đến công chúng về cơ quan, doanh nghiệp, hàng hóa, dịch vụ (bao gồm dịch vụ có mục đích sinh lời và không sinh lời). Khái niệm này chưa làm rõ việc giới thiệu bằng phương tiện quảng cáo và dưới các hình thức quảng cáo, nên chưa thể hiện hết tính bao quát, chính xác về bản chất của hoạt động quảng cáo, chưa phân biệt quảng cáo với thông tin khuyến mãi.
Mặt khác, quy định như vậy không thống nhất với Luật Thương mại, theo đó quảng cáo là một hoạt động thương mại sinh lợi. Quy định như vậy cũng chưa phân biệt rõ quảng cáo có mục đích sinh lợi (quảng cáo thương mại) và hoạt động tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước hay vì mục đích nhân đạo (không sinh lợi).
Việc quy định các quyền và nghĩa vụ của các đối tượng liên quan đến hoạt động quảng cáo trong luật là cần thiết. Nhưng không chỉ người quảng cáo có quyền và nghĩa vụ với cơ quan quản lý nhà nước, và giữa các doanh nghiệp với nhau, mà các đối tượng chịu tác động nhiều nhất của quảng cáo là công chúng, người tiêu dùng thì luật lại chưa có các quy định cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng. Đây là mục tiêu xã hội lâu dài của Luật Quảng cáo, bởi vì nội dung của quảng cáo không chỉ tác động trực tiếp đến hành vi của công chúng, người tiêu dùng, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển về ngôn ngữ, tư duy và tâm lý, lối sống của thế hệ tương lai - là những trẻ em của ngày hôm nay.
Với mục tiêu như vậy, để có phương án chính sách phù hợp khi xây dựng luật, cần phân tích các vấn đề của các chủ thể liên quan đến quảng cáo là Nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân từ những tình huống phát sinh trong thực tế như: khi nào được đưa thông tin cá nhân trong nội dung quảng cáo; thế nào là quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh; thế nào là quảng cáo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển không bình thường của trẻ em; khi nào được quảng cáo bằng tin nhắn, điện thoại; có được quảng cáo trên phương tiện giao thông, nếu được thì đến mức độ nào; thế nào là quảng cáo gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, đến trật tự an ninh, chính trị; làm thế nào để đánh giá được quảng cáo sai sự thật về chất lượng; những nội dung nào cấm quảng cáo; thế nào là quảng cáo lộn xộn gây mất mỹ quan đô thị; thế nào là quảng cáo bằng hình ảnh kích động bạo lực, phạm tội, quảng cáo bằng âm thanh ở những khu vực công cộng...
Trong khi chưa làm rõ được mục tiêu, yêu cầu, nội hàm của các chính sách nêu trên thì dự thảo luật lại đưa ra các quy định quá cụ thể nhằm hạn chế quảng cáo nhưng chưa bảo đảm tính khả thi. Ví dụ như báo nói, báo hình được quảng cáo không quá 7% tổng thời lượng chương trình của một ngày phát sóng; các chương trình cấm hoặc hạn chế quảng cáo; chỉ được quảng cáo 20% diện tích đối với các ấn phẩm theo quy định của Luật Xuất bản; quảng cáo chỉ được đặt bên trái hoặc bên phải khuôn hình quảng cáo; chiều cao của sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 0,5 mét... Hơn nữa, các quy định chi tiết như vậy là cứng nhắc vì sẽ khó thay đổi linh hoạt cho phù hợp với tình hình thực tế.
Vì chưa rõ mục tiêu của chính sách, nên các quy định của dự thảo được coi là để đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực quảng cáo như cấp phép, quy hoạch, mà chưa đạt được yêu cầu là quản lý sao cho hiệu quả đối với cả Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp. Đặc biệt, luật cần quy định tạo thuận lợi cho người quảng cáo có quyền lựa chọn các hình thức, các phương tiện quảng cáo để thể hiện ý tưởng quảng cáo một cách hiệu quả nhất, phù hợp với chiến lược kinh doanh và phát triển thương hiệu của mình. Dư luận xã hội thì mong muốn các cơ quan quản lý chặt chẽ để quảng cáo không ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức và sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Cũng vì xác định mục tiêu không rõ ràng nên dự thảo luật quy định rất sơ sài về quy hoạch quảng cáo: chỉ có hai điều về nội dung quy hoạch quảng cáo và trách nhiệm xây dựng và chỉ đạo thực hiện quy hoạch quảng cáo. Với quy định này, dự thảo luật không làm rõ được nội dung, phạm vi và thẩm quyền quy hoạch quảng cáo. Nếu không có quy hoạch thì dễ dẫn đến sự tùy tiện trong quản lý và thực thi chính sách.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com