Đến thời điểm này, khi các DN đã quá bức xúc, buộc các bộ, ngành chức năng phải vào cuộc thanh tra tình trạng các hãng tàu đang thu những khoản phí vô lý. Tuy nhiên, từ tháng 10.2010, vấn đề này đã được PV đề cập với loạt bài viết về tình trạng các hãng tàu tuỳ tiện “chặt chém” khách hàng...
Cơ quan chức năng vào cuộc khi các loại phí đã... bạo phát
Từ giữa tháng 3.2011, đoàn thanh tra liên ngành gồm đại diện các bộ: GTVT, Tài chính và Hiệp hội Chủ hàng VN, VCCI đã tiến hành kiểm tra theo phản ánh của các DN. Trên thực tế, trước khi lạm phát các loại phí vô lý, DN cũng đã phải chịu cả chục loại phí khi phải XNK hàng hóa qua cảng, như phí chứng từ báo hàng đến, phí làm lệnh của hãng tàu, phí xếp dỡ container, phí lưu bãi, phí vệ sinh container v.v...
Hai loại phí không nằm trong danh mục phí do Nhà nước quy định được hãng tàu đánh xuống đầu DN ở cảng Đình Vũ, Hải Phòng là phí tắc nghẽn cảng và phí mất cân đối container, với mức vài chục USD/container. Tuy nhiên, từ trước đây nhiều tháng, không ít DN khi XNK hàng hóa qua một số cảng tại TPHCM đã phải chịu một loại phí “trời ơi”, là phí bảo đảm container (còn gọi là phí bảo hiểm container), dù DN đã phải trả tiền thuê “công”, nhưng còn phải gánh luôn phí bảo hiểm “công” mà đáng ra hãng tàu sử dụng nó làm phương tiện kinh doanh phải gánh chịu.
Thời điểm từ tháng 7.2010, Cty cổ phần CMA CGM Việt Nam (tầng 8, 81-85 Hàm Nghi, quận 1, TPHCM) đã thu loại phí này với mức từ 15-75USD/container tùy loại hàng. Đại diện một DN dệt may cho biết, trường hợp khách hàng từ chối đóng loại phí này thì bị hãng tàu giam hàng, sau đó nếu muốn nhận hàng phải chịu thêm phí lưu container, phí lưu bãi hàng chục USD/ngày/container.
Trường hợp Cty TNHH thương mại đầu tư Thăng Tiến (Hà Nội), bị Cty CMA CGM bắt đóng phí cược container, hẹn khi trả container sẽ được hoàn lại trong thời gian một tháng. Thế nhưng, khi DN đã trả “công” và đến nhận lại tiền thì bị hãng tàu đổi tên từ phí cược
container sang tên “phí bảo hiểm container” và không chịu hoàn trả khoản phí này. DN nhập hai “công” hàng với giá trị hàng trăm ngàn USD, nhưng mua bảo hiểm cho hàng hóa chỉ mất hơn sáu triệu đồng, trong khi “phí bảo hiểm container” từ trên trời rơi xuống đến hơn bảy triệu đồng. Sau khi Báo Lao Động lên tiếng, CMA CGM đã phải trả lại khoản thu vô lý này cho khách hàng.
Có xử lý được không?
Cty Thăng Tiến lấy lại được tiền là trường hợp hy hữu, vì phía CMA CGM đã thất lý từ đầu, thể hiện ở hóa đơn tạm thu và có ghi rõ sẽ trả lại. Song cũng phải đóng cùng một loại phí như thế, nhưng Cty Liên Phát (Phú Nhuận, TPHCM) thì bị mất trắng vì không đòi lại được. Trên thực tế, nhiều DN khác đã bị các hãng tàu thu những loại phí vô lý, thậm chí đã trở thành tình trạng bạo phát, bạo thu, nhưng cũng chỉ có thể kêu lên báo chí và các cơ quan chức năng.
Theo các chuyên gia, sở dĩ DN VN bị “một cổ nhiều tròng” phí như hiện nay là vì thị trường vận tải biển hầu hết nằm trong tay các hãng lớn đa quốc gia. Những hãng này liên kết với nhau, một khi cùng nâng giá hay cùng đưa ra các loại phí mới, thì DN VN phải gánh chịu nếu không muốn không xuất được hàng hóa.
Vì thế, đợt thanh tra lần này của các bộ, ngành chức năng cũng là cuộc đấu tranh cho quyền lợi của hàng trăm ngàn DN trong và ngoài nước, nhưng có dẹp được các loại phí vô lý hay không? Đến lúc “cầu cứu”, là lúc tình trạng lạm thu đã đến mức bạo phát vượt quá sức chịu đựng của DN và trên thực tế nó đã diễn ra vài năm qua.
(Báo Lao Động)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com