Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP quy định một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông, ngành đường thủy nội địa Việt Nam đã tập trung triển khai công tác quản lý phương tiện và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa được đặt lên hàng đầu. Nhờ vậy, công tác đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên trên thực tế, công tác quản lý phương tiện và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện nội địa vẫn còn nhiều tồn tại và bất cập....
Thực trạng công tác quản lý Sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là 2 năm thực hiện Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông, công tác quản lý phương tiện, thuyền viên đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, trên thực tiễn cũng bộc lộ không ít những vấn đề tồn tại, bất cập trong quy trình, thủ tục. Bên cạnh đó, do có sự bùng nổ các loại phương tiện vận tải thủy và bến thủy nội địa đã làm cho tình hình trật tự ATGT đường thủy nội địa đã và đang có những diễn biến hết sức phức tạp. Đối với phương tiện vận tải (kể cả vận tải hàng hóa và hành khách), tuy đã có sự đầu tư lớn, được đóng bằng vỏ sắt, có trọng tải và công suất, tốc độ cao, song vẫn còn khá nhiều phương tiện chưa thực hiện đăng ký, đăng kiểm hoặc quá hạn đăng kiểm; tình trạng người điều khiển phương tiện, thuyền viên không có bằng lái; các chủ phương tiện không thực hiện việc trang bị đủ các dụng cụ chống va, chống đắm, dụng cụ cứu sinh, cứu hộ... còn khá phổ biến. Đối với công tác quản lý, mặc dù đã ban hành Luật cùng một hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện khá hoàn chỉnh và có cả lực lượng Thanh tra Giao thông đường thủy nội địa, Cảnh sát giao thông đường thủy để giám sát, kiểm tra và đôn đốc thực hiện, song lại quá mỏng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý cũng như thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm. Mặt khác, về phía chính quyền địa phương trong thời gian qua, chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý phương tiện, thuyền viên ở địa phương mình; thiếu quan tâm, chỉ đạo công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về giao thông vận tải đường thuỷ; một số nơi chính quyền địa phương còn chưa sâu sát, thậm chí còn buông lỏng, không có biện pháp xử lý tận cùng các vi phạm... Những nỗ lực của cơ quan chức năng Trước thực trạng số lượng phương tiện thủy nội địa không được đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành Kế hoạch số 4358/BGTVT triển khai thực hiện Nghị quyết số 32/CP, theo đó Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác quản lý phương tiện và thuyền viên, người lái phương tiện thuỷ nội địa tại các khu vực được coi là "điểm đen”, có mật độ phương tiện vận tải thuỷ cao; chỉ đạo các lực lượng Thanh tra, Cảng vụ đường thuỷ nội địa tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp không đăng ký, đăng kiểm, thuyền viên không có bằng lái; phối hợp với Cục Đăng kiểm, Cục Cảnh sát giao thông đường thuỷ tiến hành kiểm tra các cơ sở đóng mới phương tiện, cơ sở dạy nghề, công tác đăng ký, đăng kiểm và đào tạo thuyền viên tại các địa phương trên toàn quốc… Sau một thời gian tích cực triển khai, đến nay nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành các quy định về quản lý các phương tiện thô sơ; phân cấp công tác đăng ký phương tiện cho cơ quan giao thông cấp huyện, thị xã; tổ chức cấp giấy chứng nhận học tập pháp luật cho người điều khiển phương tiện thô sơ tại 42/63 tỉnh, thành phố; đã có 34 cơ sở dạy nghề đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện không ngừng phát triển; số lượng phương tiện đăng ký là 137.037/515.596 phương tiện, đạt 27%, tăng 18,4% so với số lượng phương tiện thuộc diện phải đăng ký của tổng điều tra. Số lượng thuyền viên, người lái phương tiện có bằng đạt 138.458/974.263 phương tiện, đạt 14,2%, tăng 8,9% so với số liệu của tổng điều tra. Ngoài những kết quả đạt được, công tác quản lý phương tiện và thuyền viên vẫn còn một số tồn tại, bất cập như công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông đường thuỷ nội địa còn chung chung, chưa có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả thiết thực cho từng nhóm đối tượng; công tác kiểm tra và phối kết hợp kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương chưa thường xuyên, liên tục; việc xử lý vi phạm hành chính đối với phương tiện vi phạm người lái phương tiện chưa triệt để… Nhằm khắc phục những bất cập, tồn tại và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện tốt công tác quản lý phương tiện và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục pháp luật giao thông đường thủy nội địa đến các chủ phương tiện, nhất là quy định về đăng ký, đăng kiểm phương tiện và đào tạo thuyền viên, người lái phương tiện. Mặt khác, cần có những biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp không chấp hành các quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.
(Theo Lưu Hùng Mạnh // Báo Người đại biểu Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com