Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Khai thác cao lanh ở huyện Chơn Thành, Bình Phước: Lợi bất cập hại

Nơi cao lanh được lấy đi hình thành ao hồ rộng lớn và rất sâu

Trên địa bàn huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước hiện có ba công ty khai thác, sản xuất, chế biến cao lanh thuộc địa bàn các xã Minh Hưng, Minh Long và thị trấn Chơn Thành. Điều đáng chú ý là tại những nơi có số lượng khai thác cao lanh lớn như ở khu vực thị trấn Chơn Thành đã để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhiều hộ dân tại địa phương.

Sau một thời gian khai thác nguyên liệu để chế biến cao lanh của công ty CP Trung Thành, thuộc ấp 8, thị trấn Chơn Thành, một phần diện tích đất nơi đây đã tạo thành những ao hồ rộng, có độ sâu từ 8 đến 15m. Khi ao hồ hình thành, nhiều diện tích đất của trên 70 hộ dân thuộc khu phố 4 và khu phố 8 bị ảnh hưởng lớn. Ông Trần Văn Sơn ở tổ 4, khu phố 8, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành bức xúc nói: “Bây giờ, cứ vào mùa mưa là toàn bộ diện tích đất nhà tôi bị ngập nước. Tôi có hơn một ha cao su khai thác và vườn ươm cao su giống, nhưng hễ mưa lớn thì bị ngập, cây không phát triển được. Còn mùa khô vừa rồi, ao hồ hút hết nước, cây cối thiếu nước nghiêm trọng, chết dần chế mòn. Trước đây, khi chưa có nhà máy khai thác cao lanh thì tôi đâu có rơi vào tình trạng này”.

Được biết, hợp đồng mà công ty CP Trung Thành đã ký với UBND tỉnh Bình Phước để khai thác cao lanh tại thị trấn Chơn Thành có thời hạn kéo dài đến năm 2050. Hiện nay, đã có 20 ha trong tổng số 102 ha được quy hoạch đã được giải tỏa, bồi thường cho dân và được chia thành hai khu vực: khai thác mỏ sét và chế biến cao lanh. Trước phản ánh của 70 hộ dân về sự ảnh hưởng của việc khai thác cao lanh thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Lam - Giám đốc Chi nhánh công ty CP Trung Thành biện hộ rằng: “Dân không nắm được quy trình đầu tư của công ty rồi phàn nàn chuyện ngập nước, thiếu nước, chứ chúng tôi xác định làm ăn lâu dài nên đã đào mương. Chúng tôi đã nạo vét, nhưng cuối lòng mương bị bồi lấp, làm hẹp lòng mương, nước thoát chậm. Thời gian tới chúng tôi sẽ cho nạo vét lại”.

Việc đào mương để thoát nước của công ty CP Trung Thành là có thực nhưng lòng mương vừa cạn, vừa hẹp, lại nằm trong vùng đất cát nên chỉ cần một cơn mưa lớn, mương đã bị khỏa lấp, nước thoát không kịp tràn lên những vườn cây của dân, làm ngập úng cục bộ. Trái lại, vào mùa khô, chính những cái ao tự tạo từ việc khai thác cao lanh đã hút hết nguồn nước dự trữ trong đất, làm cho tình trạng thiếu nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng ngày càng trở nên khan hiếm, khắc nghiệt hơn. Trước thực trạng này, ông Lê Quang Trung – Phó trưởng khu phố 8, thị trấn Chơn Thành nhận định:“Cái cơ bản nhất, đơn vị khai thác chưa quan tâm đúng mức đến việc đầu tư mương thoát nước. Có đầu tư, nhưng tạm bợ. Đường sá xe cộ đi nhiều, cày xới lên, việc đi lại của người dân rất khó khăn. Tôi thay mặt dân tại đây yêu cầu Cty nào đến địa phương làm ăn thì phải quan tâm đến lợi ích của dân, phải có mương thoát nước kiên cố, phải làm đường chứ không thể chấp nhận chỉ biết lợi ích riêng của đơn vị”.

Một vấn đề rất đáng quan tâm nữa là, mặc dù đơn vị khai thác cao lanh tại đây đã cắm biển báo và rào chắn xung quanh hồ, nhưng đáng tiếc, thời gian gần đây đã có 3 trẻ em tại địa phương đến tắm và đã chết đuối. Khi được hỏi, hợp đồng khai thác có hiệu lực đến năm 2050, công ty có giải pháp gì để không tái diễn những điều đáng tiếc như thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Lam - Giám đốc Chi nhánh CP Trung Thành, cho biết: “Về lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục treo bảng cấm đánh bắt cá, cấm tắm tại hồ và rào chung quanh hồ. Thế nhưng, một mình chúng tôi làm cũng không xuể, rất mong chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền để mọi người tránh xa khu vực nguy hiểm này.”

Việc cấp phép cho các công ty khai thác loại khoáng sản quý này để đem lại nguồn thu ngân sách cho tỉnh là cần thiết. Mặc dù, qua thực tế triển khai, thực hiện thời gian qua cũng cho thấy nhiều vướng mắc, hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân tại địa phương như đã đề cập. Hơn nữa, thời gian mà các Cty hợp đồng khai thác kéo dài từ 30 đến 50 năm. Rồi đây, những nơi cao lanh được lấy đi sẽ hình thành những ao hồ rộng lớn và rất sâu. Môi trường, sinh thái cũng như đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng sẽ có nhiều tác động, thay đổi lớn. Vấn đề đặt ra trước mắt và lâu dài đối với các cấp chính quyền cũng như các đơn vị được cấp phép khai thác cao lanh tại các địa phương là phải có giải pháp phù hợp trong khai thác tài nguyên, xử lý, quản lý nguồn nước nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản và đời sống sản xuất của người dân vùng phụ cận.

(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Luật Trọng tài thương mại: Tiến gần tới các chuẩn mực quốc tế
  • Đâu chỉ là non kém!
  • UBTV Quốc hội thảo luận dự án Luật Kiểm toán độc lập
  • Trốn thuế núp bóng FDI
  • Sản xuất thừa thuốc Tamiflu: Chịu trách nhiệm không chỉ có mình Bộ Y tế
  • Sẽ kéo dài thời gian miễn thuế nông nghiệp trong 10 năm?
  • Thực hiện nghiêm chủ trương không xuất khẩu cát nhiễm mặn
  • Nên bỏ thu lệ phí khi điều chỉnh trong sổ tạm trú
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%