Chủ cửa hàng Đại Minh (chợ đêm Đà Lạt) bán hàng Trung Quốc . Ảnh: Đại Dương |
Hàng Trung Quốc núp hàng Việt Nam đang tràn ngập trên thị trường. Dọc hai bên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TPHCM) và nhiều khu vực bán vật liệu xây dựng khác, có vô số cửa hàng bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt.
Lập lờ
Đêm tại chợ Âm Phủ giữa trung tâm thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), nhiều quầy hàng vẫn mở cửa. Quầy hàng Đại Minh (ký hiệu B2), nơi có nhiều mứt làm từ các loại củ quả với dòng chữ: Đặc sản Đà Lạt. Bà chủ quầy hàng giới thiệu nhiều loại mứt, từ mứt trái cây, khoai lang đến khô bò, khô nai...
Một trong số “đặc sản Đà Lạt” mà bà chủ vừa giới thiệu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Bà chủ lôi từ trong thùng hàng đựng dâu rừng là hàng Trung Quốc, được nén chặt trong bao và khi bán thì gỡ rời từng trái để khách dễ lựa chọn.
Theo bà, không phải mặt hàng nào cũng nhập từ Trung Quốc, nhưng không ít thì nhiều những người bán các mặt hàng tương tự ở khu vực này đều dùng hàng Trung Quốc bởi giá rẻ, màu sắc bắt mắt nên dễ bán; trong khi chỉ cần một thao tác đơn giản là có thể biến hàng Trung Quốc thành “đặc sản Đà Lạt”.
Cùng với thực phẩm, núp bóng hàng Việt, phổ biến nhất là nhóm hàng vật liệu xây dựng, trang trí nội thất; hàng gia dụng và may mặc, giày dép... Những loại hàng này xuất hiện khắp nơi, kể cả các siêu thị và trung tâm thương mại lớn.
Vào một cửa hàng bán vật liệu xây dựng trên đường Nguyễn Thị Thập (Q.7, TPHCM), người viết bài này được bà chủ giới thiệu nhiều loại gạch men ốp tường và lát nền. Mặt trước mỗi viên gạch có dán nhãn hiệu T.H, nhưng mặt sau không có bất cứ thương hiệu hay tên nhà sản xuất nào (được in chìm) như thông thường.
Sau một hồi lòng vòng, bà chủ cũng thừa nhận đó là hàng Trung Quốc và nhãn hiệu dán ở mặt trước chỉ là tên của nhà nhập khẩu và phân phối trong nước.
Dọc hai bên đường Tô Hiến Thành (Q.10, TPHCM) và nhiều khu vực bán vật liệu xây dựng khác cũng có vô số cửa hàng bán hàng Trung Quốc gắn mác Việt tương tự. Các loại giày dép mang nhãn hiệu Phương Quân, Hồng Phát; thời trang Dung, sản phẩm dệt may T.K.H... bán ở các cửa hàng riêng nhưng khi xem kỹ đều có nguồn gốc Trung Quốc. Nhiều cửa hàng khác chỉ gắn mác chung chung bằng các từ tiếng Anh và không ghi bất kỳ một thông tin nào về nhà sản xuất như quy định.
Trái cây Trung Quốc nghi “ngậm” hóa chất
Tại chợ nông sản Thủ Đức, trái cây Trung Quốc chủ yếu là cam, quýt, táo, lê, nho... sau khi nhập về được phân phối cho các tiểu thương ở các chợ trong TPHCM và các tỉnh lân cận. Theo các tiểu thương nhập hàng trái cây ở chợ này, mức tiêu thụ các loại trái cây Trung Quốc rất lớn, nó có vỏ cứng, ăn giòn và để được lâu, thậm chí có thể “ngâm” gần cả tháng trái cây vẫn cứ tươi rói.
Lý giải vì sao nhiều người thích nhập trái cây ngoại, đặc biệt là trái cây Trung Quốc, một tiểu thương ở chợ Bà Chiểu, nói: Trái cây ngoại rất lâu hư, khi bán ế các chủ vựa để trong kho mát ở chợ cả 20 – 25 ngày, các mối mua về bán lẻ để cả chục ngày sau vẫn còn tươi.
Theo ông Nguyễn Nhu- Trưởng phòng Nghiệp vụ Tổng hợp chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, những loại trái cây Trung Quốc sau khi vào chợ, hàng tháng được Trạm Bảo vệ thực vật quận Thủ Đức đến kiểm tra, lấy mẫu trái cây nhưng có hay không chất bảo quản vẫn không được thông báo.
Cho đến nay, việc kiểm tra để định danh các hóa chất bảo quản trái cây ngoại nhập trên thị trường TPHCM vẫn chưa được xác định. Theo lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, hạn chế này một phần do trình độ, kỹ thuật và thiết bị máy móc để phát hiện hóa chất trên trái cây còn thiếu.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm định thuốc bảo vệ thực vật có máy sắc kí khí khối phổ cho phép định tính vài ngàn hoạt chất hóa học nói chung. Nơi này cho biết sẽ tìm ra kết quả nếu khách hàng giao mẫu kiểm định và cho biết thành phần sử dụng để bảo quản trái cây.
Trong khi công thức chất bảo quản trái cây Trung Quốc bị giấu và bảo quản từ bên nước sở tại nên nơi này phân tích ra được một chuỗi hóa chất, nhưng không định danh được chất gì, có phải chất bảo quản hay không.
Mới đây, Chi cục Bảo vệ thực vật TPHCM cho biết qua test nhanh nhiều mẫu táo, lê, cam của Trung Quốc phát hiện có gốc lân và carbamat. Nhưng khi đem về kiểm tra lại không xác định được chất gì, dư lượng bao nhiêu, mặc dù phát hiện trái cây thối từ trong ra ngoài và người mua rất khó phát hiện.
Đại sứ hàng Việt cũng mua nhầm
Hoa hậu Hương Giang cho biết: “Vì là Đại sứ hàng Việt nên tôi rất ý thức phải chọn hàng Việt, do vậy tôi tìm đến những nhà cung cấp có uy tín để mua. Họ đảm bảo bán toàn hàng Việt cho tôi, nhưng khi hàng giao đến nhà, tôi mới phát hiện trên bao bì toàn chữ Trung Quốc, và lúc đó muốn trả lại cũng không được vì hợp đồng mua bán đã ký, tiền đã giao”.
Chị Minh Thuyết, một người quen, là chủ cửa hàng thiết bị gia đình inox và sứ vệ sinh trên đường Tô Hiến Thành “bật mí”: Thay vì thừa nhận hàng Trung Quốc, người bán hàng thường chỉ nói lấp lửng là hàng sản xuất tại Việt Nam do liên doanh của nước này với nước nọ, hoặc thay vì nói hàng sản xuất tại đâu cụ thể thì nói chung chung công nghệ sản xuất của Ý, Đức, hay Nhật… cho khách hàng yên tâm.
Kết quả thí điểm khảo sát, vẽ bản đồ hệ thống phân phối hàng Việt tại tỉnh Trà Vinh do Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh (BSA) thực hiện công bố hôm 17-10 cho thấy: 95% hàng may mặc tại thị trường Trà Vinh là hàng Trung Quốc, trong đó 50% là hàng Trung Quốc dán nhãn mác Việt Nam. |
(Theo Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com