Việc thực thi Luật Cạnh tranh về sở hữu trí tuệ lỏng về điều kiện xác định hành vi vi phạm. Ảnh: Đ.T |
Trong trường hợp này, ông Sơn phân tích, doanh nghiệp đang độc quyền sở hữu bí quyết công nghệ đã can thiệp vào việc tiếp cận nguồn sản phẩm cuối cùng của nhiều doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, hành vi có thể coi là vi phạm Luật Cạnh tranh do doanh nghiệp thực hiện lại không nằm ở phân khúc thị trường mà doanh nghiệp đó đang nắm chi phối nhờ quyền sở hữu trí tuệ đã đăng ký. “Căn cứ vào các quy định hiện hành về chống cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm về sở hữu trí tuệ, cơ quan có thẩm quyền không thể thổi còi doanh nghiệp này dù họ đã đặt ra các điều kiện giới hạn thị trường”, ông Sơn nói.
Ông Sơn nhận định, ngoài lý do khó xác định hành vi vi phạm như trên, thì trùng lặp giữa vi phạm về cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm về sở hữu trí tuệ cũng có thể dẫn tới tình huống cùng một hành vi nhưng bị phạt hai lần.
Tại Hội thảo “Thực thi Luật Cạnh tranh trong lĩnh vực Luật sở hữu trí tuệ” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức mới đây tại TP.HCM, các chuyên gia, các nhà làm luật cho rằng, việc thực thi Luật Cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đang lỏng về điều kiện xác định hành vi vi phạm, chồng chéo về quy định xử phạt vi phạm hành chính giữa lĩnh vực cạnh tranh không lành mạnh và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, TS. Nguyễn Hữu Huyên, chuyên gia Bộ Tư pháp chỉ ra bất cập về thẩm quyền khi kết hợp giữa các văn bản pháp luật cạnh tranh và sở hữu trí tuệ, bao gồm Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 120/2005/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, Nghị định 47/2009/NĐ-CP về xử phát hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và các quyền liên quan, Nghị định số 97/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền sở hữu trí tuệ… “Hiện nay, cùng một lúc có rất nhiều cơ quan như Cục Quản lý cạnh tranh, Công an kinh tế, cơ quan thanh tra chuyên ngành về sở hữu trí tuệ, quản lý thị trường, hải quan… đều có thẩm quyền xử phạt hành chính về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”, TS. Huyên nói.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Bình, Văn phòng Luật sư Thành Trung (Liên đoàn Luật sư TP.HCM) đặt giả định, trong trường hợp xảy ra tố tụng vừa có vi phạm về cạnh tranh, vừa có vi phạm về sở hữu trí tuệ thì ưu tiên áp dụng văn bản luật nào trước. “Nếu không làm rõ trình tự, các vụ khiếu kiện (nếu có) của doanh nghiệp không thể giải quyết dứt điểm được”, Luật sư Bình nói.
Mới đây, một doanh nghiệp đã tìm đến Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM để hỏi về sự liên đới giữa sở hữu trí tuệ với việc đăng ký tên miền trên mạng Internet. Doanh nghiệp này lo ngại khi Việt Nam không có quy định giới hạn về việc lựa chọn các tên miền nhãn hiệu đã đăng ký sở hữu trí tuệ, họ không thể khởi kiện được việc bị doanh nghiệp khác sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký của mình để đặt tên miền trên mạng Internet. Hành vi này thường được làm với mục đích nhái sản phẩm, thương hiệu đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. “Trong quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Cạnh tranh chưa nêu các trường hợp này. Do đó, khi doanh nghiệp thắc mắc thì chúng tôi không có văn bản cụ thể để hướng dẫn giải quyết”, vị đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TP.HCM phân trần.
Như vậy, vấn đề đặt ra là phải phân định rõ các điều kiện áp dụng, để từ đó xác định rõ hành vi vi phạm và tương ứng với đó là phân định thẩm quyền tương ứng, phân biệt chế tài áp dụng. Không thể để tồn tại tình trạng cùng một hành vi, nhưng có thể bị phạt hai lần.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com