Sau khi bị ấn định thuế, Ford Việt Nam đã phải quyết định tạm dừng hoạt động sản xuất trong 7 ngày - Ảnh: Đức Thọ. |
Câu chuyện xác định thuế nhập khẩu linh kiện đối với một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô mà điển hình là Ford Việt Nam, đang khiến không chỉ bản thân doanh nghiệp mà nhiều ngành liên quan cũng cảm thấy khó ứng xử.
Trường hợp điển hình
Chỉ trong tháng 4/2011, cơ quan hải quan đã tiến hành ấn định số thuế lên đến gần 18 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Ford Việt Nam. Lý do là bởi các lô hàng linh kiện, phụ tùng được Ford nhập khẩu không đủ điều kiện về mức độ rời rạc để tính thuế cho từng linh kiện chi tiết. Đây là số thuế chênh lệch giữa các mức thuế suất khác nhau đối với bộ linh kiện và linh kiện rời rạc nhập khẩu quy định tại Thông tư 184/2010 của Bộ Tài chính.
Theo Thông tư 184, chỉ cần một linh kiện không đảm bảo mức độ rời rạc theo Quyết định 05 của Bộ Khoa học và Công nghệ, thì sẽ phải chịu thuế theo thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc 83%. Trong khi đó, nếu đạt theo cụm linh kiện thì mức thuế ấn định là 20 - 30 - 37%; nếu linh kiện rời rạc thì mức thuế là 5 - 10 - 20%.
Việc các mức thuế suất thuế nhập khẩu có sự chênh lệch khá lớn giữa linh kiện rời rạc hay bộ linh kiện hoàn chỉnh là nhằm ưu đãi cho ôtô sản xuất trong nước thay vì nhập khẩu, đồng thời khuyến khích các hãng xe tăng tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ phát triển. Tuy nhiên, đây cũng chính là điểm mà theo cơ quan hải quan, không ít doanh nghiệp đã lợi dụng để khai báo sai, từ đó được hưởng mức thuế suất thấp.
Tại một biên bản do Cục Hải quan Hải Dương lập có nêu rõ: “Hàng nhập khẩu theo 2 tờ khai của Công ty TNHH Ford Việt Nam có các linh kiện với mức độ rời rạc thấp hơn mức độ rời rạc quy định nên phải nộp thuế nhập khẩu cho cả bộ linh kiện theo mức thuế suất của ôtô nguyên chiếc. Ford Việt Nam đã khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, phải xử lý theo quy định của pháp luật”.
Một quan chức ngành tài chính cho biết, trên thực tế Ford chỉ là một trường hợp điển hình và hiện cũng có khá nhiều doanh nghiệp ôtô rơi vào trường hợp tương tự, chẳng hạn như Toyota, Vidamco (GM Daewoo) hay Tổng công ty Công nghiệp Ôtô Việt Nam (Vinamotor). Nếu chiếu theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ thì khoản thuế chênh lệch doanh nghiệp phải nộp thậm chí lên đến con số nghìn tỷ đồng.
Khó xử lý
Câu chuyện tưởng chừng chỉ đơn giản là việc doanh nghiệp khai báo đúng hay sai và cứ chiếu theo quy định để áp dụng. Nhưng khi cả Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải lẫn Bộ Khoa học và Công nghệ phải cùng nhau bàn cách giải quyết mới thấy sự việc đối với Ford Việt Nam và các trường hợp tương tự không dễ xử lý.
Sau khi bị ấn định thuế và phải ngừng sản xuất 7 ngày, Ford Việt Nam đã gửi văn bản “kêu cứu” đến Bộ Công Thương. “Đồng cảm” với Ford, Bộ Công Thương đã gửi văn bản đến các bộ liên quan đề nghị tạo cơ chế để Ford tiếp tục được sản xuất.
Tại công văn phát đi ngày 20/6/2011, Bộ Công Thương cho rằng “trường hợp bộ linh kiện của Ford Việt Nam nhập khẩu có một hoặc một số linh kiện không đáp ứng mức độ rời rạc theo Quyết định 05 có thể thu thuế theo mức thuế suất của chính sản phẩm nguyên chiếc đối với linh kiện hoặc một số linh kiện đó, đồng thời, yêu cầu Ford Việt Nam làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ để đánh giá lại các linh kiện nhập khẩu của mình có đạt mức độ rời rạc hay không?". Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị “Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp, giúp đỡ doanh nghiệp”.
Chỉ một ngày sau khi Bộ Công Thương gửi công văn, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị cục hải quan các địa phương tạm thời tính thuế theo mức thuế suất của từng linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô đối với bộ linh kiện nhập khẩu có 1 chi tiết trở lên có độ rời rạc thấp hơn mức độ rời rạc quy định tại Quyết định 05. Đối với số tiền thuế ấn định tăng, Bộ Tài chính đề nghị tạm thời chưa thực hiện trình tự thanh toán.
Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp “chữa cháy” nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất bình thường. Còn để giải quyết triệt để câu chuyện, bản thân một số quan chức tại các ngành liên quan cũng đánh giá là rất khó. Vậy khó là ở vấn đề gì?
Có thể thấy rằng ngay với trường hợp của Ford Việt Nam có 4 cụm linh kiện bị xem là có vấn đề. Ví dụ chiếu theo Quyết định 05 thì bộ phận ống xả ôtô phải là 3 khúc mới đảm bảo mức độ rời rạc để hưởng thuế suất thấp. Nhưng hiện nay, khi công nghệ phát triển thì bộ phận này hầu hết được sản xuất chỉ còn 2 khúc. Hay như bộ phận kính trượt được quy định tại Quyết định 05 là quay tay thì nay đại đa số gắn trực tiếp…
Đây chính là một bất cập rất dễ dẫn đến những khó khăn cho công tác xác định đâu là bộ linh kiện, đâu là linh kiện rời rạc bởi giữa nó là một ranh giới mong manh khi nhiều quy định pháp luật thực sự chưa theo kịp tốc độ phát triển công nghệ. Giả định bản thân doanh nghiệp không cố tình khai báo sai thì trong trường hợp này, hẳn sẽ có ít nhiều doanh nghiệp phải cân nhắc khai thế nào để có lợi cho mình hơn chứ khó tự nhận phần thiệt về mình.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng “phải nhìn nhận đây là vấn đề phát sinh từ thực tế và công nghệ mới của ngành ôtô thế giới có thay đổi, việc chúng ta sửa đổi để cập nhật là điều hoàn toàn nên làm”. Vì “khách quan mà nói, nếu chỉ vì một chi tiết nhỏ mà phải chịu nguyên thuế suất 83% như xe nguyên chiếc nhập khẩu thì doanh nghiệp sẽ thiệt thòi lớn”.
Thứ trưởng Tuấn nhận định, việc nên làm bây giờ là Bộ Tài chính tiếp tục cho thông quan và tạm treo thuế đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ tiến hành nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định để phù hợp với thực tế hiện nay.
“Sau này, quyết định thu thuế số tiền chênh đó hay không, chúng tôi sẽ xin ý kiến Thủ tướng. Nếu Thủ tướng đồng ý không chấp nhận thu thì Bộ Tài chính sẽ không thu, còn nếu phải thu, Bộ Tài chính sẽ thực hiện”, ông Tuấn nói.
(Theo Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com