Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vô tư thải mầm bệnh ra môi trường

Nước thải bệnh viện chưa được xử lý đi thẳng xuống cống thoát nước, thực tế này đang diễn ra ở rất nhiều bệnh viện từ tuyến quận huyện đến T.Ư tại địa bàn TPHCM. Mầm bệnh xả ra môi trường qua hệ thống này đang ngày ngày đầu độc người dân.

Phạt cũng đành chịu

Mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận 800 - 1.000 lượt bệnh nhân, trong đó số ca mổ và các thủ thuật khác không dưới 100 ca/ngày. Nhưng, từ nhiều năm nay hệ thống xử lý nước thải của bệnh viện này xuống cấp trầm trọng nên nước thải cứ vô tư xả ra môi trường.

Tại đây, ngoài không khí ngột ngạt do lượng bệnh nhân chen chúc vì quá tải, người bệnh còn phải bịt mũi mỗi khi lượng nước thải ộc ra từ hệ thống xử lý để đổ ra cống thoát nước công cộng.

“Mỗi lần trời mưa, cống thoát nước dềnh lên cộng với mùi nước thải bệnh viện ngửi thấy buồn nôn”- một bảo vệ nơi đây không ngần ngại nói.

Cách đây hơn 20 năm, Bệnh viện Ung bướu TPHCM xây hệ thống xử lý nước thải trên diện tích gần 20m2 nhưng chỉ có một bồn chứa dung dịch clo để khử khuẩn. Đến nay, nước thải bệnh viện mặc dù đã được “khử” nhưng vẫn nồng mùi tanh.

Hệ thống xử lý nước thải của BV Phú Nhuận chỉ dùng để... đối phó, không hoạt động được
Hệ thống xử lý nước thải của BV Phú Nhuận chỉ dùng để... đối phó, không hoạt động được.

Bệnh viện An Bình TPHCM có khu xử lý nước thải được thành phố đầu tư hơn 85,4 tỷ đồng nhưng nó chỉ hoạt động được 2 năm rồi... nghỉ suốt 8 năm nay.

“Mỗi ngày, bệnh viện thải khoảng 500m3 nước thải, nhưng lượng nước này chảy thẳng ra môi trường mà không xử lý” - một cán bộ bệnh viện cho biết.

Tại địa bàn quận 5 có 9 bệnh viện và 1 trung tâm y tế, nhưng đến thời điểm này vẫn còn 5 bệnh viện chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Đáng chú ý hơn, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), nơi mỗi ngày xử lý hàng trăm ca phẫu thuật và điều trị 2.000-3.000 bệnh nhân nhưng hệ thống xử lý nước thải ở đây rất yếu.

Theo tìm hiểu của PV, mỗi ngày đêm bệnh viện này thải khối lượng nước thải lên tới 3.000m3 nên hệ thống xử lý nước thải ở đây không thể xử lý nổi vì quá công suất. Hơn nữa, hệ thống xử lý nước thải này chỉ xử lý bằng phương pháp lắng lọc qua 3 tầng nên cũng chỉ lọc được các vi trùng thương hàn, tả mà không xử lý được vi khuẩn độc hại khác.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, BV Chấn thương chỉnh hình, Hoàn Mỹ, Tai Mũi Họng, Truyền máu huyết học... và hàng loạt bệnh viện tuyến quận huyện cũng xả thẳng nước thải y tế ra môi trường. Tại Bệnh viện quận Phú Nhuận, Bệnh viện Nhà Bè, Hóc Môn..., thậm chí ngay cả bể phốt cũng không có.

Sau gần 10 năm xây dựng, năm 1999 Bệnh viện quận Phú Nhuận mới được đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho quy mô khoảng 70 giường bệnh. Năm 2007 khi số giường bệnh tăng lên hơn 100 thì hệ thống xử lý nước thải cũng tê liệt. Vì vậy, theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn- Giám đốc Bệnh viện quận Phú Nhuận, mặc dù ở ngay trong khu dân cư nhưng do không vận hành được hệ thống xử lý nên nước thải cũng xả thẳng ra môi trường.

Năm 2010, Bệnh viện Tâm thần TPHCM bị Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM xử phạt vì chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, phạt cũng đành chịu vì bệnh viện không còn chỗ để xây hệ thống xử lý.

Đủ kiểu đầu độc

Theo TS Nguyễn Đinh Tuấn- Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường TPHCM, mỗi ngày thành phố có hơn 17.500 m3 nước thải y tế đổ ra môi trường, 80% trong số đó không được xử lý hoặc xử lý không đạt tiêu chuẩn.

“Kết quả quan trắc mới đây cho thấy chất lượng nước tại kênh Tham Lương - Vàm Thuật, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hũ - rạch Ruột Ngựa - kênh Tẻ - sông Cần Giuộc, Tân Hóa - Lò Gốm đang có xu hướng ô nhiễm hữu cơ và vi sinh cao so với năm trước”- ông Tuấn nói.

Sau nhiều năm xuống cấp, mới đây BV Nhi Đồng 1 mới đầu tư hệ thống xử lý nước thải
Sau nhiều năm xuống cấp, mới đây BV Nhi Đồng 1 mới đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Ông Huỳnh Văn Biết- Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, trong số 29 bệnh viện đóng ở địa bàn TP thì chỉ có 9 bệnh viện có hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Số còn lại có nhưng không đạt hoặc không có hệ thống xử lý. Đó là chưa kể 322 trạm y tế vẫn chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn và hơn 7.000 phòng khám không xử lý nước thải.

Ngay cả các cơ sở y tế lớn như Bệnh viện Thống Nhất, Chợ Rẫy, Viện Pasteur, BV Công an TPHCM cơ sở 1-2, Viện Vệ sinh y tế công cộng..., hệ thống xử lý nước thải đều không đạt chuẩn. Các bệnh viện lại tập trung ở các khu đông dân cư nên mầm bệnh dễ phát tán, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Kết quả phân tích các mẫu nước thải y tế chưa qua xử lý Sở Tài nguyên- Môi trường TPHCM mới công bố cho thấy, hàm lượng vi sinh vượt chuẩn cho phép ít nhất là 100 lần và thậm chí có mẫu vượt chuẩn cho phép đến 1.000 lần.

Theo TS Tuấn, đã phát hiện nhiều loại vi khuẩn như Salmonella, tụ cầu, liên cầu, virus đường tiêu hóa, bại liệt, các loại ký sinh trùng, amip, nấm trong các mẫu nước thải. Ngoài ra, hàm lượng chất rắn lơ lửng cao gấp 2-3 lần tiêu chuẩn cho phép.

“Đây là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân nếu chúng hòa vào nước sinh hoạt và xâm nhập vào các loại thủy sản, cây trồng” - TS Tuấn cảnh báo.

Cũng theo Sở Tài Nguyên môi trường, cho dù được đầu tư hệ thống xử lý nước thải thì chất lượng nước thải sau xử lý cũng không đạt, nồng độ các chất coliform, nhu cầu ôxy sinh học, chất rắn lửng vượt tiêu chuẩn cho phép. Đó là chưa kể, nhiều đơn vị chỉ xử lý cục bộ nước thải ở một số khu vực như phẫu thuật, xét nghiệm, còn lại thải cùng với nước thải sinh hoạt, trong khi bắt buộc phải xử lý toàn bộ.

Theo nhiều chuyên gia, đối với các loại thuốc điều trị bệnh ung thư hoặc các sản phẩm chuyển hóa của chúng, nếu xả thải ra bên ngoài không qua xử lý sẽ có khả năng gây quái thai, ung thư cho những người tiếp xúc, nhất là các công nhân nạo vét cống thoát nước.

Theo TS Nguyễn Tấn Phong- Phó Trưởng khoa Môi trường thuộc Trường Đại học Bách khoa TPHCM thì nước thải bệnh viện chứa vô số loại vi trùng, virus và các mầm bệnh sinh học khác trong máu mủ, dịch, đờm, phân của người bệnh, các loại hóa chất độc hại từ cơ thể và chế phẩm điều trị, thậm chí cả chất phóng xạ. Do đó, nó được xếp vào danh mục chất thải nguy hại.

“Nếu như không sớm xây dựng hệ thống xử lý đạt chuẩn, nguy cơ bệnh tật từ cộng đồng rất cao”- TS Phong nói.

(Theo Tienphong Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Cam kết góp hay thực góp?
  • Sẽ cấm bán rượu, bia ở bến xe?
  • Quy định mới trong NK rượu, mỹ phẩm : DN “lao đao”- Hải quan “xào xáo”
  • Doanh nghiệp FDI và mắc mớ về thuế
  • Đất nông nghiệp : Nghịch lý quy hoạch và sử dụng
  • Doanh nghiệp không ham... giãn thuế
  • Soạn thảo luật: không thể bỏ qua quy trình
  • Sửa luật thuế để chống chuyển giá
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%