Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, tình hình tài chính của ALC II rất nghiêm trọng do có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đồng vốn của Nhà nước.
Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, tình hình tài chính của Công ty ALC II rất nghiêm trọng do có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đồng vốn của Nhà nước. Kết quả kinh doanh năm 2009 của công ty này cho thấy đã thua lỗ số tiền gấp 8,5 lần vốn điều lệ và tiềm ẩn lỗ lũy kế của công ty trong năm 2010 còn tăng hơn nữa.
Cơ quan kiểm toán xác định năm 2009, Công ty ALC II kinh doanh lỗ 3.000 tỉ đồng và có thể chịu một số lỗ tiềm ẩn do khoản đầu tư tài sản cho thuê lên đến gần 4.600 tỉ đồng bị quá hạn, phải gia hạn nhiều lần, trong đó Kiểm toán Nhà nước tạm nêu ra số lỗ tiểm ẩn khoảng 1.266 tỉ đồng.
Cho thuê tài chính sai nguyên tắc
Trong hoạt động huy động vốn, Công ty ALC II đã vi phạm các quy định huy động tiền gửi ngắn hạn. Trong hai năm 2008-2009, công ty này huy động sáu hợp đồng tiền gửi dưới 12 tháng với số tiền trên 510 tỉ đồng nhằm đáp ứng khả năng thanh toán cho các khoản cam kết đầu tư, cho thuê của công ty. Bên cạnh đó, công ty trả lãi cho khách hàng không đúng thỏa thuận theo hợp đồng, gây thiệt hại trên 1,1 tỉ đồng. Công ty huy động 26 hợp đồng trị giá hơn 1.300 tỉ đồng với mức lãi suất trên 17,5%/năm, vượt trần lãi suất quy định của Ngân hàng NN&PTNT.
Đối với hoạt động cho thuê tài chính, HĐQT công ty đã ban hành văn bản hướng dẫn có nội dung không đầy đủ, trái quy định nhà nước, thực hiện thẩm định hồ sơ trước khi cho thuê còn nhiều vi phạm. Nhiều khách hàng thuê không trả được nợ gốc và lãi hoặc có nợ xấu ở các tổ chức tín dụng khác nhưng công ty vẫn mua và cho thuê thêm tài sản... Trong đó, điển hình là nhóm năm công ty của ông Lê Xuân Ninh thuê tài chính 10 con tàu với tổng số tiền 326 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty ALC II không thực hiện quy định kiểm tra chất lượng tài sản cho thuê theo quy định, thực hiện mua, cho chuyển đối tác cho thuê một số tàu biển sử dụng trong thời gian ngắn đã phải đưa vào sửa chữa, nâng cấp với số tiền trên 100 tỉ đồng...
Mua tài sản cho thuê: có dấu hiệu không bình thường
Theo KTNN, một trong những sai phạm dẫn đến thua lỗ nhiều nhất của Công ty ALC II là đầu tư vào tài sản cho thuê. Công ty đầu tư tài sản cho thuê không có dự toán, thiết kế; đầu tư vào tài sản cho thuê nhưng không có cơ sở xác định giá của tài sản hoặc có dấu hiệu không bình thường trong việc xác định giá tài sản. Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng: chi nhánh Bình Dương của Công ty ALC II mua xe cẩu thủy lực 250 tấn của Công ty TNHH xây dựng và thương mại Quang Vinh với giá 65 tỉ đồng. Trong khi đó chỉ bảy ngày trước, Công ty Quang Vinh mua lại xe cẩu này từ Doanh nghiệp thương mại & dịch vụ Hồng Hoàng với giá gần 32 tỉ đồng.
Ngoài ra, Công ty ALC II giải ngân không căn cứ tiến độ hợp đồng và chứng từ chứng minh tiến độ thực hiện. Cụ thể, hợp đồng đầu tư mua dây chuyền nghiền đá của Công ty TNHH Thịnh Tường - Đồng Nai có giá trị 7,1 tỉ đồng đã được giải ngân, nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa có tài sản cho thuê.
Trong giai đoạn từ 2008-2009, công ty ký hợp đồng mua năm tàu biển cho khách hàng thuê với tổng trị giá 633 tỉ đồng nhưng đến thời điểm kiểm toán vẫn chưa có tài sản. Nghiêm trọng hơn, công ty còn thực hiện mua tài sản không thuộc sở hữu của bên bán, điển hình như việc mua tàu Đại Dương 12 từ Công ty Đại Dương nhưng con tàu này không thuộc sở hữu của Công ty Đại Dương.
Theo Kiểm toán Nhà nước, không những không trả nợ vay cho Ngân hàng Agribank theo chỉ đạo của HĐQT, nguyên tổng giám đốc công ty Vũ Quốc Hảo còn chỉ đạo ký thêm 22 hợp đồng cho 18 khách hàng thuê tài chính với trị giá cam kết đầu tư 693 tỉ đồng và đã giải ngân 352 tỉ đồng. Tình trạng cố tình để cho khách hàng sử dụng tiền của công ty không đúng mục đích, không đúng thỏa thuận trong hợp đồng gây thiệt hại lớn về kinh tế, dẫn đến thua lỗ kéo dài tại công ty.
Do đó, khi Ngân hàng Agribank lập phương án tái cấu trúc công ty này, khả năng tổn thất vốn dư nợ cho thuê đã lên tới 2.680 tỉ đồng, khả năng tổn thất vốn đầu tư vào tài sản cho thuê lên tới trên 1.900 tỉ đồng.
Đề nghị chỉ đạo cơ quan điều tra làm rõ
Theo KTNN, trách nhiệm chính để xảy ra các sai phạm tại Công ty ALC II thuộc về ông Vũ Quốc Hảo. HĐQT, ban tổng giám đốc, ban kiểm soát, các bộ phận chuyên môn của Ngân hàng Agribank cũng không tránh khỏi trách nhiệm do để xảy ra sai phạm tại Công ty ALC II.
Trong đó theo Kiểm toán Nhà nước, chủ tịch HĐQT Ngân hàng Agribank đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch kinh doanh cho Công ty ALC II với nội dung hạn mức vay vốn trong năm 2007 là 3.770 tỉ đồng, trong khi tại thời điểm ký quyết định, công ty này đang nợ ngân hàng 2.555 tỉ đồng, vượt 1.325 tỉ đồng hạn mức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng NN&PTNT.
Trên cơ sở quyết định của HĐQT, ban tổng giám đốc ban hành thông báo hạn mức vay vốn và tiếp tục thực hiện cho vay, bảo lãnh đối với Công ty ALC II dẫn đến vượt tỉ lệ theo quy định.
Kết thúc kiểm toán, KTNN đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan, xử lý trước pháp luật và thu hồi tiền, tài sản nhà nước.
(Theo Tuoitre)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com