Minh họa: Khều. |
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, thời gian gần đây các vụ tranh chấp thương mại của các doanh nghiệp tại ĐBSCL đang có dấu hiệu gia tăng. Và trong nhiều trường hợp, chủ nợ luôn là người chịu thiệt vì thiếu quan tâm đến vấn đề pháp lý trước khi ký hợp đồng làm ăn.
Khốn khó, sinh tật! “Hai năm vừa qua, chúng tôi gặp rất nhiều nợ khó đòi! Rất kẹt, nhưng cũng chỉ thuyết phục con nợ là chính”, ông Lê Quang Tâm, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gentraco, than vãn. Thế nhưng, khi công ty cử người đi đòi nợ thì luôn phải nghe “điệp khúc” từ phía khách hàng, vốn là các hộ nuôi cá, rằng do thua lỗ, không có khả năng thanh toán. Vừa qua, Gentraco đã buộc phải kiện ra tòa một khách hàng ở Bình Dương, do khoản nợ kéo dài đến hai năm. Theo quy định, tòa án mời hai bên đến hòa giải. Lần thứ nhất hòa giải không thành, lần thứ hai thì bên mắc nợ không đến. Vậy là công ty buộc phải chờ tòa xử. Tuy nhiên, điều khiến ông Tâm lo lắng là nếu thu hồi được nợ thì khách hàng cũng chỉ phải trả lãi suất nợ quá hạn khoảng 1,5%/tháng, thấp hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng mà công ty đi vay ở thời điểm đó. Khoản chênh lệch này, đương nhiên công ty buộc phải gánh. Ông Nguyễn Phương Lam, Trưởng phòng Pháp chế, VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết chỉ trong hai tháng cuối năm 2009 đã nhận được tám hồ sơ đề nghị hỗ trợ giải quyết tranh chấp, phần lớn là giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp. “Trước đây, VCCI nhận rất ít hồ sơ dạng này và nội dung sự vụ cũng không mấy phức tạp”, ông Lam cho biết. Còn luật sư Nguyễn Trường Thành (Cần Thơ) cho biết gần đây văn phòng luật của ông cũng nhận tư vấn nhiều trường hợp tranh chấp hợp đồng đòi nợ. “Có doanh nghiệp, chúng tôi phải giúp họ xử lý đến 38 vụ đòi và trả nợ chỉ trong vòng một năm rưỡi”, ông cho biết. Theo một số chuyên gia, do ảnh hưởng dây chuyền từ cuộc khủng hoảng kinh tế, hai năm nay nhiều hộ nuôi cá tra thua lỗ nặng nên phát sinh nhiều vụ tranh chấp thương mại, phổ biến là giữa doanh nghiệp cung cấp thức ăn và người nuôi cá. Theo một số doanh nghiệp, khi đăng ký làm việc thì khách hàng nợ đột ngột “mất tích”, thậm chí có trường hợp không chịu ký biên bản thanh lý nợ vì nại lý do thủ kho nhận hàng, họ không biết… “Nhưng nếu xử lý bằng cách khởi kiện ra tòa án thì thời gian sẽ kéo dài. Chính người mắc nợ cũng biết điều này nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi thu hồi nợ”, ông Tâm cho biết. Còn ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Công ty Sao Mai - Đồng Tháp, thì nói: “Tòa xử xong thì khi nào thi hành án? Thậm chí có khi thi hành án không được vì người mắc nợ không còn tài sản. Trong khi đó, lãi suất nợ quá hạn lại căn cứ theo lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, nên họ đâu có ngán!”. Một trường hợp điển hình là vụ Công ty cổ phần Thủy sản Kiên Thành gửi hồ sơ khởi kiện một khách hàng ở An Giang với số nợ và lãi hơn 20 tỉ đồng. Thế nhưng đã 13 tháng trôi qua mà doanh nghiệp vẫn phải chờ ngày xét xử. “Thời gian quá kéo dài, đến khi tòa tuyên án thì tài sản họ đã tẩu tán hết”, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó giám đốc Công ty Kiên Thành, nói. Làm gì để hạn chế thiệt hại? Theo Luật sự Thành, nhiều vụ tranh chấp rất khó giải quyết dứt điểm một phần vì trước đây, các điều khoản ký kết trong hợp đồng rất lỏng lẻo. “Doanh nghiệp không chú trọng đến việc mời luật sư tư vấn khi thảo hợp đồng. Chỉ khi sự việc trở nên nghiêm trọng họ mới nhờ luật sư thì vụ việc đã trở nên rối rắm, khó giải quyết”, ông nói. Ông Lam cũng cho biết thêm: “Hợp đồng thường sai sót rất nhiều, do doanh nghiệp chưa quan tâm về luật và chưa lường hết được việc tranh chấp”. Ông Lam kể, trong một chuyến công tác tại bốn tỉnh, thành ở ĐBSCL cùng với một luật sư, ông nhận ra một điểm yếu của các doanh nghiệp chế biến thủy sản là chỉ ký hợp đồng dựa trên các mối quan hệ chứ không mấy quan tâm đến cơ sở pháp lý. Luật sư Thành ví von: “Khi cái chén bể rồi thì họ mới tìm cách hàn gắn lại. Sao trước đó không tìm cách làm sao cho chén đừng bể? Vả lại, giải quyết bằng tình cảm thì doanh nghiệp luôn ở thế bị động”. Ông Thành cho rằng, trình tự pháp luật hiện nay khá nhiêu khê, nhưng nếu nắm vững luật thì cũng không phải là vấn đề lớn. Như trường hợp của Công ty Kiên Thành, ông Thành cho rằng nếu ngay từ đầu hồ sơ gửi đến tòa án đầy đủ thì đã không có chuyện phải mất thời gian khoảng sáu tháng để bổ sung. Theo luật sư Bùi Quang Nhơn, thành viên của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, trong tương lai thời gian giải quyết tranh chấp có thể rút ngắn. Ông nói: “Thay vì chuyển hồ sơ đến tòa án, thì sắp tới trọng tài kinh tế sẽ giải quyết cả chuyện tranh chấp giữa doanh nghiệp và cá nhân, trong khoảng thời gian ba tháng. Dự kiến, Luật Trọng tài sẽ được ban hành vào tháng 5 tới”. Tuy nhiên, ông Nhơn cũng cho rằng, trong trường hợp khi thi hành án mà đối tượng không còn tài sản, thì doanh nghiệp cũng mất trắng. “Cách tốt nhất là chính doanh nghiệp phải tìm hiểu kỹ đối tác và am hiểu luật khi ký hợp đồng”, ông Nhơn nói.
(Theo Hồ Hùng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com