Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Luật Đấu thầu không bảo vệ nhà thầu trong nước?

Không ít dự án lớn đang phải trả giá về chất lượng bởi những nhiêu khê của Luật Đấu thầu.

Đưa ra nhiều tiêu chí, quy định chỉ có nhà thầu quốc tế mới đáp ứng, nhiều điều khoản chồng chéo, trùng lắp, quyền lợi và trách nhiệm với chủ đầu tư bất tương xứng... được cho là những thực tế đang khiến các nhà thầu trong nước ngày một lép vế trước các nhà thầu ngoại, khi phải tuân theo Luật Đấu thầu.

Càng khó hiểu hơn khi luật này được ra đời, ngoài mục tiêu là “kim chỉ nam” cho các doanh nghiệp, cơ quan quản trong việc chấp hành luật pháp, nó còn có một ý nghĩa không kém phần to lớn, đó là nhằm bảo vệ các nhà thầu trong nước trước sự đổ bộ ồ ạt của các nhà thầu ngoại, trong bối cảnh độ mở nền kinh tế ngày càng cao.

“Ôm” nhiều nên... yếu

Tại hội thảo báo cáo rà soát về Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần qua, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng, cho rằng, Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng hiện nay đang có quá nhiều điều chồng chéo, trùng lắp, thậm chí mâu thuẫn với các luật khác.

Theo TS. Liêm, nguyên do vì nó ra đời trước một số luật khác nên bản thân nhà làm ra luật đó muốn luật đó phải “ôm” được hết các hành vi có thể phát sinh trong nền kinh tế.

Không chỉ thế, ông Liêm cho rằng, tính nóng vội của các nhà làm luật cũng được thể hiện khi chỉ trong vòng nửa năm “quyết liệt làm” đã cho ra đời một Luật Xây dựng. Trong khi đó, ở Trung Quốc sau 13 năm mới ra được Luật Xây dựng, và họ tự hào trong ngần đấy thời gian đã rèn được một lưỡi gươm. Do vậy, 10 năm sau (từ năm 1997 đến 2007), luật của họ vẫn chưa phải chỉnh sửa. Chúng ta chỉ 6 tháng đã cho ra được một luật nên suốt ngày phải sửa đổi, bổ sung.

Theo không ít các chuyên gia có mặt tại hội thảo, trong khi Nhà nước đang kêu gọi hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (được thể hiện bằng các luật), thì tư duy về thị trường của những người làm luật lại rất yếu.

Cụ thể, trong Luật Đấu thầu, những người soạn thảo đã đưa ra không ít tiêu chí dự thầu mà chỉ nhà thầu quốc tế mới đáp ứng được. Trong khi trên thực tế, tại mỗi dự án trong nước, các nhà thầu ngoại không thể làm được một mình, phải có các nhà thầu trong nước tham gia, nhưng tiếc thay chỉ với vai trò nhà thầu phụ. Ảo giác về năng lực nhà thầu ngoại mạnh hơn nhà thầu trong nước, trong khi hầu hết công việc cụ thể của một dự án lại do các nhà thầu phụ trong nước đảm nhận, là một thực tế hiện nay.

Ngay cả quy định về vốn, TS. Phạm Sỹ Liêm dẫn chứng, những tập đoàn kinh tế lớn trong nước vốn cũng không đáng là bao, bởi hầu hết đều phải nộp về cho Nhà nước. Thế nhưng Luật lại quy định phải có một lượng vốn đủ lớn mới được phép tham gia dự thầu. Trong khi Trung Quốc họ quy định, các nhà thầu nước này khi đi dự thầu ở nước ngoài, Chính phủ sẽ hỗ trợ, bảo lãnh 30% giá trị gói thầu đó.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, trong lần sửa đổi sắp tới, Luật Đấu thầu phải được sửa theo hướng phải bảo vệ quyền được lợi của nhà thầu nội, và xa hơn là quyền lợi của người dân. Không thể duy trì một luật mà những quy định của nó đã vô tình loại nhà thầu trong nước.

“Chúng ta đề ra quá nhiều quy định trong khi chưa am hiểu hết thị trường xây dựng trong nước cũng như thế giới nên luật mới yếu. Trên thực tế, ở các nước bộ phận đấu thầu chỉ là đội quân đi ngoại giao, kéo hợp đồng về. Còn bộ phận thực hiện dự án là các nhà thầu phụ, có chuyên môn hóa cao, trong khi chúng ta lại bắt các nhà thầu trong nước phải đủ tiền, đủ máy móc, thiết bị, nhân công... mới cho dự thầu, nên nhà thầu nội mới khốn đốn”, một thành viên tổ rà soát đúc kết.

"Chết" vì giá rẻ

Thành viên tổ rà soát, Trưởng ban Pháp chế VCCI, luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, dù chúng ta đã có Luật Đấu thầu gần chục năm nay, nhưng về cơ bản, các nhà thầu trong nước đều thất bại ở những dự án lớn. Lỗi có phải là do Luật Đấu thầu hay không?

“Làm sao để bảo vệ được nhà thầu Việt Nam mà không vi phạm cam kết WTO. Chẳng hạn như bóng đá, cầu thủ chúng ta thấp bé nhẹ cân nhưng chúng ta cũng không thể sửa luật của FIFA theo ý mình được. Do đó, đây là vấn đề rất khó”, luật sư Trần Hữu Huỳnh nêu quan điểm.

Một câu chuyện được TS. Phạm Sỹ Liêm kể lại, trong một lần sang Trung Quốc, ông vô tình được xem một quyển sách “nội bộ” của các nhà thầu nước này, trong đó có đoạn đúc kết “...thị trường nhận thầu ở Việt Nam rất bở vì Việt Nam mỗi năm chi hàng tỷ USD cho hạ tầng, chi tiêu công. Họ còn quy định cứ 5 tỷ đồng là phải đấu thầu nên dự án nào cũng đấu thầu, ta có thể thoải mái tham gia”.

Theo TS. Liêm, bản thân ông cũng từng là lãnh đạo ngành xây dựng, ông kể ra như vậy cũng chỉ mong làm sao luật của Việt Nam phải bảo vệ được quyền lợi của nhà thầu trong nước.

Trong khi đó, TS.Vũ Gia Quỳnh (Hiệp hội nhà thầu Việt Nam) nêu quan điểm, trong khi quy định phần lớn các dự án đều phải đấu thầu, song thực tế, hầu hết các dự án quan trọng lại được Chính phủ, bộ ngành thực hiện chỉ định thầu. Theo ông, điều đó nghĩa là Luật Đấu thầu đã không được tôn trọng, gần như nó đã bị xóa bỏ trong thị trường xây dựng.

Nhưng bất cập nhất của luật, theo vị này là câu chuyện “giá rẻ” khi mời thầu. “Trong quá khứ, xã hội đã phải gánh chịu từ việc giá rẻ đấu thầu. Nếu chúng ta còn quy định giá rẻ là thắng thầu thì chúng ta còn tiếp tục phải trả giá cho chất lượng công trình”, ông Quỳnh nói.

Một bất cập khác của Luật Đấu thầu được các chuyên gia chỉ ra là sự bất công bằng trong việc quy định quyền và nghĩa vụ của các bên, trong đó có chủ đầu tư. Luật định rằng, trong khi các nhà thầu muốn tham gia dự thầu phải được ngân hàng bảo lãnh về vốn. Thế nhưng điều này lại không được áp đối với chủ đầu tư, đặc biệt là các dự án có vốn nhà nước.

Thế cho nên mới có chuyện, không ít nhà thầu làm xong công trình, 4 – 5 năm sau vẫn chưa đòi được tiền từ chủ đầu tư. Cũng vì thế, một khái niệm khá mới đã xuất hiện trong hoạt động thầu, đó là “công nghệ chạy thầu”, khi mà nhà thầu muốn trúng thầu phải đứng ra lo cả chuyện tìm vốn (rót từ ngân sách), thủ tục pháp lý, các loại phí... thay cho chủ đầu tư.

Thành viên tổ rà soát, ông Phan Vũ Anh khẳng định, có rất nhiều nhà thầu trong và ngoài nước khi đấu thầu họ đưa ra giá rẻ ban đầu nhưng sau đó tìm cách kéo dài dự án, thay đổi giá, thiết bị vật tư... với những lý do bất khả kháng, và rốt cục chủ đầu tư cũng phải chấp nhận. Thậm chí, không ít vụ đấu thầu nhưng thực chất là chạy thầu.

Với tư cách là đại diện cơ quan quản lý, TS. Đinh Dũng Sỹ, Phó vụ trưởng Vụ Pháp Luật (Văn phòng Chính phủ) thừa nhận, bản thân Chính phủ cũng đang lúng túng khi soạn thảo những nghị định liên quan đến đấu thầu và xây dựng. Có thể vì lợi ích của mình, nhiều vấn đề liên quan đến đấu thầu xây dựng, Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn không thể có tiếng nói chung. Có vấn đề mà đích thân Thủ tướng phải mất đến 2 ngày để nghe các bộ bảo vệ quan điểm của mình.

(Theo Vneconomy)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Luật Sở hữu trí tuệ: Nên bảo hộ Slogan theo 1 cơ chế riêng
  • “Đau đầu” tính phí kỳ vụ cho ô tô nhập khẩu
  • Luật đất đai: Cố tình đánh tráo khái niệm?
  • Doanh nghiệp “thở phào” vì không bị truy thu hàng trăm tỷ đồng
  • Doanh nghiệp "chết kẹt" vì Luật Bảo vệ môi trường
  • Bất cập…taxi Hải Phòng?
  • Gỡ vướng Thông tư 21 về kinh doanh thực phẩm đông lạnh tạm nhập, tái xuất
  • Kiện Mỹ ra WTO: Thông điệp của Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%