Xe tải trên 5 tấn đến 10 tấn cũng có mức thuế mới 25% (trong khi mức thuế đang áp dụng là 54 - 55%). Ảnh minh họa: Chí Cường |
Theo Dự thảo, ô tô tải có tổng tải trọng dưới 5 tấn chịu mức thuế nhập khẩu mới là 35%, thay mức 80% hiện hành. Mức thuế dự kiến cũng giảm mạnh hơn so với mức thuế 70% mà Việt Nam cam kết với WTO vào thời điểm cuối (từ năm 2014 - 2017). Xe tải trên 5 tấn đến 10 tấn cũng có mức thuế mới 25% (trong khi mức thuế đang áp dụng là 54 - 55%) và theo cam kết WTO, thời điểm cuối là 50%. Ở dòng xe tải từ 10 đến 20 tấn, thuế suất thuế nhập khẩu dự kiến còn 25%, trong khi mức thuế đang áp dụng là 30% và cam kết WTO tại thời điểm cuối là 50%.
Lý do của việc hạ thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc nhanh và mạnh hơn là bởi xe tải là tư liệu sản xuất của các doanh nghiệp để vận chuyển hàng hóa, nên mức thuế suất thuế nhập khẩu hiện hành đối với xe dưới 10 tấn là quá cao, trong khi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước chỉ dừng ở mức lắp ráp, những phần chính của ô tô như động cơ, chassis vẫn phải nhập khẩu. Việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc chỉ chênh lệch với thuế suất thuế nhập khẩu của bộ linh kiện, phụ tùng khoảng 10 - 15% được Bộ Tài chính cho là "vẫn bảo vệ sản xuất trong nước, mà không ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp khi mua ô tô tải".
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất ô tô trong đó có Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải lại có quan điểm cho rằng, trước khi bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư lâu dài cho sản xuất, họ đã nghiên cứu kỹ các cam kết của Việt Nam với ASEAN, với WTO cùng định hướng trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô. Chính vì vậy, khi thuế giảm nhanh và mạnh hơn lộ trình cam kết, chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể hơn, theo quan điểm của ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, với dự định giảm nhanh thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc, thậm chí còn giảm nhanh hơn các cam kết mà Việt Nam thỏa thuận được, doanh nghiệp chỉ còn nước đóng cửa nhà máy và "từ bỏ giấc mơ sản xuất ô tô tại Việt Nam".
Thực tế còn cho thấy, nếu không có doanh nghiệp dám dấn thân đầu tư cho sản xuất trong nước thì sẽ khó lòng giảm được gánh nặng nhập siêu trong tương lai. Thế nhưng, với động thái mở cửa cấp tập, nhanh hơn lộ trình như dự kiến tại một số ngành như trường hợp nêu trên, thì doanh nghiệp dù có tâm huyết đến mấy có lẽ cũng sẽ nhụt chí.
(Theo Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com