Chỉ còn chưa đầy bốn tháng nữa (1-1-2011) Nghị định 51/CP quy định về việc doanh nghiệp tự in hóa đơn chính thức có hiệu lực…
Đây là tin vui đối với nhiều doanh nghiệp và cũng là bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của ngành thuế nhằm ngăn ngừa tình trạng buôn bán hóa đơn giả. Tuy nhiên, trong bước cải cách này vẫn còn rất nhiều vấn đề chưa được giải quyết khiến doanh nghiệp lo lắng.
Doanh nghiệp được trao quyền tự chủ
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 51/CP của Chính phủ ban hành ngày 14-5-2010 về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thay thế Nghị định 89/CP sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2011. Nghị định này được đánh giá sẽ thay đổi toàn bộ nhận thức và thực hiện về hóa đơn chứng từ. Đặc biệt, điểm quan trọng nhất là trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn, khi cơ quan thuế không còn bán hóa đơn và không chịu trách nhiệm về hóa đơn phát hành. Theo đó, những thắc mắc của doanh nghiệp về thủ tục mua hóa đơn, tình trạng xếp hàng chờ mua hóa đơn tại cơ quan thuế sẽ được xóa bỏ. Doanh nghiệp được chủ động lựa chọn tự in hoặc đặt hóa đơn, không phải gửi văn bản để cơ quan thuế chấp thuận trước khi tự in để đặt in…
Để kiểm soát việc phát hành hóa đơn của doanh nghiệp, trước khi sử dụng hàng hóa doanh nghiệp phải lập tờ thông báo phát hành hóa đơn (nội dung gồm: hóa đơn mẫu, ngày bắt đầu sử dụng, ngày lập tờ thông báo phát hành và chữ ký của người đại diện trước pháp luật và gửi đến cơ quan thuế nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày). Doanh nghiệp được tự in hóa đơn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc in, đặt in, phát hành hóa đơn, tự ghi các ký hiệu nhận dạng mật trên hóa đơn do mình phát hành để phục vụ việc nhận dạng hóa đơn trong quá trình sử dụng…
Khó với doanh nghiệp dịch vụ
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, việc doanh nghiệp tự in hóa đơn sẽ khắc phục được tình trạng thành lập các doanh nghiệp ma để mua bán hóa đơn. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng mặn mà khi được trao quyền tự chủ này. Nhiều doanh nghiệp là các ngân hàng, siêu thị, đơn vị giao dịch lớn cho rằng, cần phải có những quy định cụ thể đối với các loại hình doanh nghiệp. Theo Nghị định 51/2010/NĐ - CP, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải xuất hóa đơn theo ngày cùng với bảng kê chi tiết bán hàng. Ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank cho biết: “Ngân hàng nào cũng có ít nhất năm, sáu chi nhánh, có khi đến hàng chục, hàng trăm chi nhánh trên cả nước. Để tuân thủ quy định về xuất hóa đơn theo ngày, chúng tôi sẽ tốn rất nhiều nhân lực vì mỗi lần giao dịch là mỗi lần phải ký, cấp hóa đơn rất phiền hà, trong khi ngân hàng đã có sổ phụ để theo dõi việc bán hàng. Việc xuất hóa đơn phải có con dấu và chữ ký của giám đốc. Để làm được việc xuất hóa đơn theo ngày, các chi nhánh phải cắt cử người chuyên làm công việc chạy đi chạy lại để… đóng dấu”.
Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, việc cấp hóa đơn theo ngày khó khả thi đối với các cơ sở y tế: “Mỗi ngày chúng tôi đón tiếp hàng nghìn bệnh nhân nhưng rất nhiều trường hợp 15 ngày sau mới quay lại xin hóa đơn và người mua hàng (bệnh nhân) lại thường không phải là người ký trong hóa đơn nên dễ dẫn đến sai thông tin”.
Lo ngại về bảo mật
Có lẽ điều lo ngại nhất đối với hàng trăm doanh nghiệp là việc bảo mật thông tin đối với hóa đơn tự in. “Khi doanh nghiệp tự phát hành hóa đơn, nghĩa là doanh nghiệp phải nộp thuế trên số hóa đơn đó và phải chịu trách nhiệm về hóa đơn đã in. Nhưng, sẽ thế nào nếu chúng tôi bị làm giả hóa đơn?”, nhiều doanh nghiệp thắc mắc.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đặt doanh nghiệp khác in hóa đơn là sự mạo hiểm. Trước khi Nghị định có hiệu lực, Tổng cục Thuế nên có thông tư hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp được phép đặt in hóa đơn và cấp phép cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in hóa đơn.
Trước thực tế này, có doanh nghiệp tính đến việc mua thiết bị để tự in hóa đơn nhưng chi phí quá lớn. “Mỗi tháng chúng tôi chỉ xuất 5, 7 hóa đơn mà phải đầu tư máy móc, thiết bị đến hàng tỷ đồng…”. Đây là bài toán đặt ra với nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Giải đáp những thắc mắc, ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, những doanh nghiệp nhỏ có thể đặt in hoá đơn để sử dụng trong vòng một, hai năm. Kinh phí cho việc tự in chiếm tỷ lệ không nhiều so với chi phí của doanh nghiệp. Điều quan trọng hơn là doanh nghiệp được tự chủ, được đặt in và quản lý bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, số lượng hóa đơn doanh nghiệp đã mua chưa sử dụng vẫn có thể được sử dụng tiếp trong vòng 4-6 tháng… Đối với những trường hợp giao dịch qua điện tử như internet banking, sẽ có hóa đơn điện tử. Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến về những thông tin liên quan giao dịch điện tử và sẽ có một thông tư riêng về loại hóa đơn này.
(Theo Phương Hà // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com