Theo quy định hiện nay của Luật Du lịch, bảo hiểm du lịch đối với khách du lịch nội địa là chưa bắt buộc, do vậy khách du lịch phải chịu thiệt thòi khi xảy ra rủi ro trong quá trình đi du lịch.
Nên quy định bắt buộc mua bảo hiểm đối với khách du lịch nội địa - Ảnh minh họa |
Cũng trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đối với khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài, gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến quan hệ hợp tác du lịch của nước ta với các nước bạn, đặc biệt quyền lợi của khách du lịch chưa được quan tâm đúng mức.
Qua các sự việc trên ta thấy rằng, các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành thường trốn mua bảo hiểm cho khách, hoặc không mua đúng quy định, mua bảo hiểm ở mức rất thấp, không đủ đền bù về mặt sức khỏe, tinh thần cho khách khi có sự việc rủi ro xảy ra, đồng thời mức đền bù cho khách du lịch là chưa xứng đáng.
Những bất cập này đã được Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ (Tổ công tác) nghiên cứu, trên cơ sở đó đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên quy định bắt buộc việc mua bảo hiểm đối với khách du lịch nội địa.
... và quy định mức mua bảo hiểm tối thiểu của từng loại hình du lịch
Trong nội dung đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, Tổ công tác cho rằng cần quy định mức mua bảo hiểm tối thiểu đối với từng loại hình du lịch (kể cả du lịch nội địa và du lịch nước ngoài và quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành đưa khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài tham quan du lịch.
Việc cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp lữ hành đối với khách du lịch ra nước ngoài nhằm đảm bảo đoàn khách du lịch được người có nghiệp vụ lữ hành và có kinh nghiệm xử lý tình huống đi cùng để cung cấp các dịch vụ theo đúng hợp đồng và xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch.
Hiện chưa có quy định về vốn của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành
Tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành dùng để chi giải quyết các sự cố xảy ra đối với khách du lịch. Theo quy định hiện hành, số tiền ký quỹ kinh doanh lữ hành là 250 triệu đồng, tuy nhiên số tiền này là không đủ để chi trả cho các sự việc đột xuất như trên. Thực tế cho thấy, các nước trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều có mức ký quỹ đối với hoạt động du lịch ra nước ngoài cao hơn (vì đây là hoạt động nhập khẩu, chảy máu ngoại tệ).
Mặt khác, mức ký quỹ 250 triệu được quy định cách đây 8 năm (từ năm 2002), đến nay biến động giá cả là rất lớn. Vì vậy, Tổ công tác cho rằng cần nâng cao mức ký quỹ đối với hoạt động kinh doanh lữ hành đưa khách du lịch ra nước ngoài để đảm bảo chi trả cho các sự cố đột xuất xảy ra đối với khách du lịch.
Bên cạnh đó, nên bổ sung quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế vì kinh doanh lữ hành quốc tế là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thể hiện qua giấy phép kinh doanh hoạt động này, tuy nhiên, trong Luật Du lịch chưa quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.
Về vốn của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, hiện nay, Luật Du lịch không quy định năng lực tài chính của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nên có rất nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ từ 200 - 300 triệu đồng xin đăng ký kinh doanh lữ hành quốc tế, do vậy, Tổng cục Du lịch vẫn phải cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế cho doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên cũng chiếu theo quy định thì để được cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, doanh nghiệp phải gửi vào tài khoản ký quỹ của ngân hàng nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính số tiền là 250 triệu đồng. Vì vậy, đã đến lúc cần phải có quy định cụ thể về vốn của doanh nghiệp lữ hành.
(Theo Chí Kiên // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com