Kinh doanh gas sau 30/9/2010 được siết chặt nhưng sẽ tạo ra tính độc quyền ? |
Tuy nhiên, theo nhiều DN kinh doanh LPG, những quy định của NĐ 107 là quá chặt, sẽ gây ra những hậu quả không đáng có đối với hoạt động kinh doanh LPG và đời sống nhân dân.
Đồng loạt... "hạ cấp" ?
Nội dung quan trọng nhất của NĐ107 là quy định về điều kiện kinh doanh đối với thương nhân kinh doanh LPG đầu mối; thương nhân phân phối LPG cấp I, các tổng đại lý, đại lý...
Thương nhân kinh doanh LPG đầu mối bao gồm: thương nhân XNK, sản xuất, chế biến và phân phối LPG cấp I. Trong đó, quan trọng hơn cả là các thương nhân đang trực tiếp nhập khẩu LPG.
NĐ 107 có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2010. Tuy nhiên, để các cơ sở kinh doanh LPG đang hoạt động có thời gian nâng cấp, đáp ứng yêu cầu mới, NĐ cho phép "Các cơ sở kinh doanh LPG của thương nhân đang hoạt động không đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại NĐ này được phép tiếp tục hoạt động đến hết ngày 30/9/2010; sau thời điểm này phải tuân thủ các điều kiện quy định tại NĐ này".
Ngày hết hạn hoạt động nếu không thể nâng cấp đã cận kề. Song, phần lớn các cơ sở kinh doanh LPG đang hoạt động đều cho biết, khó có thể nâng cấp để đáp ứng được quy định mới. Chẳng hạn, khó khăn lớn nhất, gần như không thể vượt qua đối với thương nhân kinh doanh XNK LPG là "Có cầu cảng thuộc hệ thống cảng biển VN... để tiếp nhận tầu chở LPG; có kho tiếp nhận LPG nhập khẩu với tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3 để tiếp nhận LPG NK từ tầu hoặc phương tiện vận chuyển khác...". Điều kiện khó vượt qua của Thương nhân phân phối LPG cấp I là "Có kho LPG với tổng sức chứa các bồn tối thiểu 800 m3 để tiếp nhận LPG từ tầu hoặc phương tiện vận chuyển khác; nhãn hàng hóa và thương hiệu đã đăng ký theo quy định của pháp luật tại cơ quan chức năng có thẩm quyền...".
Để đáp ứng được những điều kiện nêu trên, khó khăn lớn nhất là phải có số vốn đầu tư khá lớn. Bên cạnh đó, DN phải vượt qua được hàng ngàn thủ tục hành chính rất nhiêu khê, phiền hà trong việc xin thuê đất, xin phép xây dựng và những lĩnh vực liên quan khác. Hơn nữa, việc nâng quy mô kinh doanh của một DN còn phụ thuộc vào một nhân tố đặc biệt quan trọng là thị trường tiêu thụ. Chẳng hạn, trên thị trường một tỉnh miền núi, một cơ sở kinh doanh được gọi là "Thương nhân phân phối cấp I" phải có tới 300.000 chai LPG là không cần thiết vì khó có thể tìm lượng khách hàng để sử dụng có hiệu quả số lượng chai khổng lồ đó.
Nếu không đáp ứng được những điều kiện mới, chắc chắn từ 1/10/ 2010, sẽ có hàng loạt cơ sở kinh doanh LPG... xuống cấp, đó là: Những cơ sở kinh doanh hiện nay đang là đầu mối nhập khẩu LPG sẽ trở thành Thương nhân phân phối LPG cấp I, những cơ sở kinh doanh phân phối LPG cấp I hiện nay sẽ trở thành tổng đại lý hoặc đại lý....
Ai thiệt ?
Việc một DN đang ở tuyến đầu phải lùi xuống tuyến sau, đang hoạt động kinh doanh phải tuyên bố giải thể, phá sản... là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường nếu nguyên nhân dẫn đến những điều đó là do năng lực quản lý, điều hành của chủ DN. Song, sự "xuống cấp" (nếu có) của hàng loạt DN kinh doanh LPG hiện nay lại không do bản thân DN gây ra mà do sự thay đổi của cơ chế chính sách. Nhiều chuyên gia nhận định, sau ngày 30/9 năm nay, hàng loạt DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực kinh doanh LPG sẽ bị các DN lớn thâu tóm. Điều đó, tất yếu dẫn đến những hậu quả sau đây:
Thứ nhất, thế độc quyền trong kinh doanh LPG sẽ được thiết lập cả trong lĩnh vực NK và phân phối LPG trong nước. Rõ ràng, với những điều kiện khắt khe của NĐ 107, chỉ những DN có vốn đầu tư lớn và có những thế mạnh khác mới có thể trở thành DN đầu mối trong NK và là DN cấp I trong phân phối. Câu hỏi đặt ra là, sau ngày 1/10, thị phần kinh doanh LPG sẽ rơi vào tay những DN nào? Bao nhiêu DN có vị trí độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh LPG theo quy định của Luật Cạnh tranh ? Như vậy, mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tôn trọng các quy luật khách quan của kinh tế thị trường có còn được tôn trọng trong lĩnh vực kinh doanh LPG?
Thứ hai, khi thế độc quyền được xác lập thì cạnh tranh lành mạnh trên thị trường sẽ bị triệt tiêu. Từ đó, giá bán LPG trên thị trường sẽ do một hoặc một số DN độc quyền quyết định. LPG không phải là mặt hàng do Nhà nước quản lý giá. Do đó, Nhà nước khó có thể có những biện pháp hữu hiệu để bình ổn giá mặt hàng này. Vì vậy, vô hình trung, NĐ 107 đã trao cho một hoặc một số DN độc quyền thao túng giá thị trường. Người tiêu dùng sẽ là đối tượng gánh chịu hậu quả của sự tăng giá LPG từ lợi thế dộc quyền của một hoặc một số DN lớn.
Thứ ba, các DN phân phối LPG cấp I hiện nay phần lớn là DNNVV. Tuy nhiên, để chủ động trong kinh doanh, các DN này đã đầu tư xây dựng các trạm nạp LPG vào ôtô, trạm nạp LPG vào chai và đang trong quá trình khai thác để thu hồi vốn. Đến nay, bị "giáng cấp" từ cơ sở "phân phối cấp I" xuống "Tổng đại lý" hoặc "đại lý", về nguyên tắc, các trạm nạp đã đầu tư không được hoạt động. Hàng loạt trạm nạp sẽ bị bỏ không, vốn đầu tư chưa thu hồi đủ. Thiệt hại này các DN biết kêu ai?
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com