Việc xử lý lô hàng ô tô đầu kéo đã qua sử dụng của công ty TNHH Thép Thành Đô sau khi đã được xem xét qua cả lý và tình vẫn không tìm được cách giải quyết, phải chờ quyết định cuối cùng của Thủ tướng (Ảnh: minh họa) |
Ngày làm việc cuối cùng của năm 2009 (ngày 30/12), công ty TNHH Thép Thành Đô đăng ký mở tờ khai hải quan số 1217/NKD và tờ khai số 1219/NKD nhập khẩu 50 xe ôtô đầu kéo đã qua sử dụng, sản xuất năm 2004. Lô hàng này đến cảng TPHCM ngày 2/1/2010 và được cơ quan hải quan kiểm hóa ngày 5/1/2010. Trong khi đó, Nghị định 12/2006/NĐ-CP (NĐ 12) quy định “ôtô các loại đã qua sử dụng được nhập khẩu phải đảm bảo điều kiện: loại đã qua sử dụng không quá 5 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu”. Lô hàng của công ty Thành Đô sản xuất năm 2004, nhập khẩu vào Việt Nam năm 2010, như vậy là quá 5 năm, chiếu theo NĐ 12 thì không được phép nhập khẩu.
Tính mốc thời gian nào?
Tuy nhiên, vấn đề ở đây là “thời điểm nhập khẩu” được căn cứ vào ngày doanh nghiệp mở tờ khai hay ngày hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam? Bởi theo khoản 4 điều 9 NĐ 154/2006/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ (NĐ 154) thì “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong thời hạn hiệu lực của tờ khai hải quan được áp dụng các chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm mở tờ khai”. Nếu chiếu theo quy định này thì lô hàng ôtô đầu kéo sản xuất năm 2004 nói trên của công ty Thành Đô mở tờ khai nhập khẩu vào ngày 30/12/2009 và được kiểm tra thực tế hàng hóa trong thời hạn hiệu lực của tờ khai hải quan vẫn đủ điều kiện được nhập khẩu (không quá 5 năm).
Như đã nói ở trên, việc cho nhập hay không cho nhập khẩu lô hàng nói trên có 2 cách xử lý khác nhau căn cứ vào quy định tại 2 văn bản khác nhau, tùy thuộc vào cách hiểu, cách áp dụng của cơ quan quản lý. Cục Hải quan TPHCM đề xuất phương án thực hiện theo quy định tại NĐ 12, lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu, buộc tái xuất. Song lãnh đạo Tổng cục Hải quan lại có quan điểm khác. Báo cáo với Bộ Tài chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đề xuất thực hiện theo quy định tại NĐ 154 cho phép nhập khẩu lô hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Sự khác biệt đã khiến vấn đề được đưa ra lấy ý kiến các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính. Vụ Chính sách thuế cho rằng, khoản 4 điều 9 NĐ 154 chỉ áp dụng đối với chính sách thuế, nghĩa là thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được áp dụng để tính thuế căn cứ vào văn bản có hiệu lực tại thời điểm đăng ký tờ khai xuất nhập khẩu. Nội dung này không quy định cho chính sách mặt hàng, chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa phải thực hiện theo NĐ 12. Từ đó, cơ quan này cho rằng, lô hàng ô tô đầu kéo nhập khẩu nói trên thuộc diện cấm nhập khẩu. Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cũng cùng quan điểm này. Việc quyết định cho nhập khẩu thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ.
Doanh nghiệp kêu khó
Chỉ quá đúng 2 ngày, nhưng quy định là quy định! Không cãi được về lý, doanh nghiệp đành xin được xử lý theo “tình”. Tháng 6/2010, bà Nguyễn Thị Thủy - Phó giám đốc công ty Thành Đô đã gửi văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ xin được xem xét.
Doanh nghiệp hoàn toàn nắm được quy định của Nhà nước về thời hạn cuối cùng, nhưng đã không tính dự phòng rủi ro khi ký hợp động nhập khẩu. |
Với lý do việc tàu cập cảng chậm là yếu tố khách quan, nằm ngoài kiểm soát và dự kiến của các bên, công ty Thành Đô đề nghị các cơ quan chức năng “du di”, cho phép nhập khẩu lô hàng. Điểm khó khăn cho doanh nghiệp này là khi lô hàng buộc phải tái xuất, phía đối tác đã từ chối, thoái thác trách nhiệm, doanh nghiệp bó tay không biết “đẩy” đi đâu. Và mặc dù toàn bộ số ôtô đầu kéo nói trên chưa được thông quan, nhưng doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng để thanh toán cho phía nước ngoài và nộp đầy đủ tiền thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu. Thêm vào đó, hàng hóa lưu tại cảng đang phát sinh rất nhiều khoản chi phí ngoài dự tính như phí lưu kho, bảo quản, lãi vay ngân hàng…Trên thực tế, Thành Đô không phải trường hợp duy nhất nhập khẩu lô hàng ôtô đầu kéo đã qua sử dụng vào thời điểm sát “giờ G”. Theo báo cáo của Cục Hải quan TPHCM, cũng rơi vào tình huống tương tự là công ty TNHH ôtô Việt Hàn mở tờ khai đăng ký nhập khẩu lô hàng ôtô đã qua sử dụng sản xuất năm 2004 vào ngày 30/12/2009 và ngày 5/1/2010 hàng mới đến cảng; Công ty TNHH thép Hồng Thanh nhập khẩu lô hàng ôtô đầu kéo đã qua sử dụng sản xuất năm 2004, mở tờ khai ngày 30/12/2009, đến ngày 11/1/2010 mới có hàng để kiểm tra thực tế…
Quy định thời hạn đối với mặt hàng ôtô đã qua sử dụng được phép nhập khẩu của Chính phủ là nhằm hạn chế, ngăn chặn tình trạng nhập khẩu xe quá cũ, ảnh hưởng đến môi trường. Mặt khác, doanh nghiệp hoàn toàn nắm được quy định của nhà nước về thời hạn cuối cùng, nhưng đã không tính dự phòng rủi ro khi ký hợp đồng nhập khẩu. Đây là bài học mà các doanh nghiệp cần rút ra để tránh tự đưa mình vào tình thế khó khăn như trường hợp của công ty Thành Đô.
(Theo Phương Nhi // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com