Thủ tướng yêu cầu các địa phương không để đầu cơ đẩy giá lên cao, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu
Với những biện pháp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương phải hài hòa giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, thắt chặt chi tiêu, kiểm soát chặt về giá, đồng thời quan tâm hỗ trợ người nghèo...
7 nhóm giải pháp
Nghị quyết số 11/2011 của Chính phủ tập trung vào 7 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng; điều chỉnh giá điện, xăng dầu gắn với hỗ trợ hộ nghèo; tăng cường bảo đảm an sinh xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tổ chức thực hiện một cách nghiêm túc, triệt để các nội dung trên đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương. Trong đó, kiềm chế lạm phát là ưu tiên số 1 hiện nay, là ưu tiên nhất quán của Chính phủ, kiềm chế được lạm phát sẽ mang lại hiệu quả cho đời sống, cho tăng trưởng, cho ổn định kinh tế vĩ mô, cho phát triển bền vững...
Đối với nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ và tài khóa, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp hài hòa giữa hai nhóm chính sách này. Theo đó, nhất định phải kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%; tổng phương tiện thanh toán vào khoảng 15-16%. Vốn tín dụng được ưu tiên phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; DNVVN; Giảm tốc độ và tỉ trọng vay vốn của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.
Phó Thủ tướng khẳng định, tỉ giá và thị trường ngoại hối phải được điều hành linh hoạt. Thực tế, cân đối ngoại tệ ra - vào của ta vẫn có số dư, hoàn toàn có thể bảo đảm thanh khoản, bình ổn tỉ giá, đáp ứng yêu cầu ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh và tăng dự trữ ngoại hối. Nhưng tới đây, vấn đề quan trọng là phải củng cố được lòng tin của người dân vào nội tệ.
Song song với kiểm soát chính sách tiền tệ là việc tiết kiệm chi tiêu, trong đó giảm chi tiêu của các đơn vị thụ hưởng ngân sách và các DNNN. Đáng lưu ý, Chính phủ quyết tâm thực hiện được mục tiêu giảm bội chi ngân sách nhà nước năm 2011 xuống dưới 5% GDP (mục tiêu đã được Quốc hội thông qua là dưới 5,3%); giám sát chặt chẽ việc vay, trả nợ nước ngoài của các DN, nhất là vay ngắn hạn...
Đánh giá nội dung của Nghị quyết này, các chuyên gia cho rằng, việc “dũng cảm” hạ chỉ tiêu thâm hụt NSNN và tiết giảm tối đa đầu tư công, nhất là đầu tư của khu vực DNNN và các chi tiêu NSNN không thiết yếu khác, đồng thời định hướng lại ưu tiên cho vay các nguồn vốn, tín dụng phát triển cũng là điểm nhấn quan trọng, cho thấy những phát triển mới trong nhận thức lý luận và quyết tâm hành động của Chính phủ về chuyển dần động lực phát triển kinh tế từ bề rộng sang bề sâu, từ chủ yếu dựa vào đầu tư công sang tăng dần vai trò của đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước và thúc đẩy quá trình tái cấu trúc kinh tế lớn và lâu dài của các khu vực kinh tế và cả nền kinh tế trong bối cảnh tăng cường hội nhập và nâng cao chất lượng phát triển theo hướng hiện đại và bền vững. Tuy nhiên, việc hạn chế cho vay bất động sản sẽ tác động phần nào làm hạn chế nguồn cung về nhà ở, trong khi nhu cầu luôn bức thiết.
Điện, xăng dầu tăng vừa phải
Trong điều kiện lạm phát tăng cao trong thời gian vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho biết, việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu là cần thiết. Trong nền kinh tế thị trường, giá cả là thước đo, nếu đi được theo giá thị trường, sẽ tạo ra sự hạch toán kinh tế lành mạnh, tránh sự hạch toán méo mó của nền kinh tế.
Điện không đi theo giá thị trường thì điểm tai hại là giá điện thấp, nhà đầu tư trong và nước ngoài đầu tư vào ngành điện lỗ, không dám đầu tư. Đây cũng sẽ là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu điện, gây hậu quả tiêu cực tới tiêu dùng và sản xuất kinh doanh. Mặt khác, giá điện thấp, hoạt động sản xuất kinh doanh ở các ngành nghề khác tiếp tục sử dụng công nghệ lạc hậu, sử dụng điện lãng phí, không khuyến khích tiết kiệm điện.
Về giá xăng dầu, giá xăng dầu trong thời gian dài ở mức giá trên 16.000 đồng/lít, đây là mức giá chênh lệch tới 1/3 lần so với mức giá từ 24.000 – 26.000 đồng/lít ở Thái Lan, Lào, Trung Quốc... Điều này cũng gây ra các tác hại như: tiêu dùng nhiều, không khuyến khích tiết kiệm. Bên cạnh đó, do giá xăng dầu thấp, theo nguyên lý “nước chảy chỗ trũng” nên xăng dầu sẽ bị xuất lậu sang các nước láng giềng trong khi nước ta còn phải nhập khẩu xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, tính đến 31/12/2010 ngành điện lỗ xấp xỉ 28 ngàn tỉ, nếu duy trì giá này đến cuối năm 2011 sẽ lỗ thêm 29 ngàn tỉ nữa, như vậy là vượt quá khả năng chịu đựng của nền kinh tế. Ngành điện cũng sẽ không thể tiếp tục hoạt động được.
Về giá xăng, thời gian qua giá xăng thế giới đã tăng khoảng 29%, trong khi giá trong nước không tăng. Ngành xăng dầu đã lỗ khoảng 16.400 tỉ đồng. Để bù vào khoản lỗ này, Chính phủ đã chỉ đạo bù lỗ 10 ngàn tỉ đồng, quỹ bình ổn giá xăng dầu bù lỗ hơn 6 ngàn tỉ. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết thêm, nếu tính đầy đủ thì giá xăng dầu phải tăng từ 34 - 45% so với giá hiện nay, nhưng nếu điều chỉnh như thế sẽ gây sốc cho nền kinh tế.
(Theo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com